Mặc dù thị phần bảo hiểm phi nhân thọ vẫn có thể thuộc về các doanh nghiệp trong nước trong ngắn và trung hạn, nhưng chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp này thật sự là vấn đề cần được phân tích sâu hơn khi niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ăn quẩn cối xay
![]() |
Cổ phiếu bảo hiểm luôn được xếp vào nhóm những cổ phiếu hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trên sàn chứng khoán đây lại là nhóm cổ phiếu trầm lặng nhất trên thị trường. Ngoại trừ BVH (Bảo Việt) được các quỹ ETF mua vào nên thường xuyên có sóng, những cổ phiếu còn lại như PVI (Bảo hiểm dầu khí), BIC (Bảo hiểm BIDV), BMI (Bảo hiểm Bảo Minh), VNR (Vinare) vẫn có những biến động nhưng khá thất thường và thanh khoản không phải lúc nào cũng cao.
Nếu xét về vốn điều lệ, quy mô, thương hiệu thì VNR, PVI hoàn toàn có khả năng trở thành những blue chip trên thị trường. Nhưng điều đó vẫn chưa thể xảy ra.
Các công ty niêm yết hoạt động trong mảng phi nhân thọ chiếm số lượng áp đảo. Các doanh nghiệp trong nước với thế mạnh về nguồn lực con người và các mối quan hệ sẵn có đã vươn lên dẫn đầu thị phần, điển hình như Bảo Việt (BVH), PVI, BMI… Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thị phần cao nhất là Samsung Vina cũng chỉ chiếm 3,2% thị phần (theo thống kê năm 2012).
Cách đây 5 – 7 năm, khi doanh nghiệp nước ngoài manh nha thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các chuyên gia đã nói nhiều về việc các công ty trong nước chỉ tập trung vào việc chiếm lĩnh thị phần bằng cách hạ giá phí, tăng hoa hồng một cách vô tội vạ mà không quan tâm chất lượng dịch vụ cũng như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đến nay, có vẻ như vấn đề này vẫn tồn tại và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Việc mở rộng thị phần luôn đòi hỏi rất nhiều chi phí, công sức, nhưng bù lại nó cho thấy sức mạnh của doanh nghiệp, khả năng đảm bảo và tăng trưởng của thị phần. Riêng về điều này các công ty bảo hiểm phi nhân thọ còn rất nhiều điều phải làm. |
Thử nhìn vào một sản phẩm thuộc hàng phổ biến nhất là bảo hiểm xe gắn máy. Điểm sáng trong 1-2 năm trở lại đây là các công ty đã tích cực đẩy mạnh hệ thống phân phối của mình.
Đi ngoài đường phố, dễ dàng bắt gặp đội ngũ bán hàng của các công ty này treo biển, mời chào người đi đường mua bảo hiểm. Kế đến là việc giảm giá nhưng tất cả cũng chỉ có vậy. Có ý kiến cho rằng, sản phẩm bảo hiểm xe gắn máy chỉ có chừng đó, nên các công ty bảo hiểm cũng chỉ làm được đến như vậy.
Nhưng thành thực mà nói, có rất nhiều sản phẩm thông dụng, phổ biến nhưng với những cách làm khác biệt, vẫn có thể thu hút được người tiêu dùng. Thế nên, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng nên xem lại cái sự “na ná” của mình để có giải pháp thích hợp. Bởi lẽ, các công ty nước ngoài, với kinh nghiệm, thế mạnh về công nghệ, khi đã “tung chiêu” thì cuộc cạnh tranh có thể sẽ khốc liệt hơn rất nhiều.
Một điểm nữa cũng cần phải mổ xẻ là BVH, BIC, PVI hay VNR đều có những lợi thế rất lớn về thị phần của mình. BVH là một tên tuổi lớn, BIC thuộc Ngân hàng Đầu tư Phát triển, PVI có nhiều khách hàng từ Tập đoàn Dầu khí, còn VNR là công ty lớn nhất trong lĩnh vực tái bảo hiểm.
Có nghĩa là với thị phần sẵn có của mình, những công ty này đã có thể tạo ra nguồn thu nhập ổn định và tăng trưởng đều đặn hàng năm. Nhưng rõ ràng, việc chỉ tập trung vào một thị trường, hay một nhóm khách hàng nào đó sẽ khó lòng tạo nên sự khác biệt. Việc mở rộng thị phần luôn đòi hỏi rất nhiều chi phí, công sức, nhưng bù lại nó cho thấy sức mạnh của doanh nghiệp, khả năng đảm bảo và tăng trưởng của thị phần. Riêng về điều này thì các công ty bảo hiểm phi nhân thọ còn rất nhiều điều phải làm.
Cổ phiếu bảo hiểm - blue chip bị lãng quên?
Phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết nêu trên, ngoại trừ VNR, các doanh nghiệp còn lại gặp không ít thách thức trong hoạt động kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp đều có sự tăng trưởng về doanh thu nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại là câu chuyện khác.
Năm 2012, lãi thuần của từ hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ của BVH đạt 120 tỷ đồng, thấp hơn năm trước 20 tỷ đồng. So với lợi nhuận trước thuế năm 2012 của BVH là 1.861 tỷ đồng có thể thấy lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm của BVH chiếm tỷ trọng không quá lớn. Yếu tố lớn nhất để thu hút nhà đầu tư chính là việc BVH được đưa vào rổ ETF và có sóng, còn việc hiểu rõ hoạt động kinh doanh của BVH thì không dễ do BVH là một tập đoàn tài chính có nhiều hoạt động.
Hoạt động bảo hiểm bao gồm việc tính toán mức phí bảo hiểm phù hợp, kiểm soát việc chi hoa hồng và bồi thường tổn thất. Những hoạt động này đối với đa số nhà đầu tư là tương đối phức tạp và không dễ gì hiểu được bản chất bên trong.
Do đó, những thông tin đại loại như công ty bảo hiểm X đạt lợi nhuận đột biến không hấp dẫn bằng tin công ty sản xuất Y đạt lợi nhuận khủng vì tồn kho giá rẻ. Vì dẫu sao chỉ cần nắm khối lượng hàng tồn kho hiện tại của công ty Y rồi tính toán vài con tính đơn giản theo thị trường có thể ước đoán công ty Y đạt vài trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Nhưng đây cũng chỉ là một khía cạnh của vấn đề, bởi lẽ có không ít công ty vẫn thu hút được nhà đầu tư mặc dù hoạt động kinh doanh cũng rất phức tạp. Vấn đề nằm ở chỗ, chưa có nhiều công ty bảo hiểm đẩy mạnh hoạt động giao tiếp, quan hệ với các nhà đầu tư để qua đó gia tăng sự chú ý, mạnh mẽ nhất đến giờ chỉ có BVH. Nhưng thời gian đẩy mạnh công tác của BVH nếu so với đại gia của những ngành nghề khác trên thị trường chứng khoán cũng không phải nhiều.
Về mặt thị hiếu đầu tư, phân tích cổ phiếu ngành bảo hiểm cũng phức tạp như phân tích cổ phiếu ngân hàng, nhưng sức khỏe của các công ty bảo hiểm không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế như sức khỏe các ngân hàng. Vậy nên, những tác động của những thông tin vĩ mô đối với công ty bảo hiểm cũng không quá mật thiết, dẫn đến cổ phiếu khó lòng biến động mạnh.