Điều này đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều thay đổi cả về mô hình tăng trưởng, chuỗi sản xuất, phương thức sản xuất và nhu cầu thị trường. PGS. Minh phân tích:
Thực ra không chỉ khi có khủng hoảng xảy ra DN mới thực hiện, mà ngay cả trong bối cảnh bình thường DN cũng luôn cần có những thay đổi để tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trở nên bất ổn, DN bị ảnh hưởng nặng nề hơn, TCT sẽ được thúc đẩy nhanh và mạnh hơn.
Nhiều trường hợp TCT liên quan đến thu hẹp quy mô, như cắt giảm nhân viên, bỏ bớt bộ phận, hoặc đóng cửa một số điểm bán lẻ, điều thấy rõ trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.
Trong các trường hợp khác, TCT có thể liên quan đến việc phân công lại, hoặc thay đổi nhiệm vụ trong tổ chức để cải thiện hiệu suất, hoặc kết hợp các công nghệ mới như ứng dụng chuyển đổi số các DN đang thực hiện.
Hiện nay có 3 vấn đề lớn DN đang phải đối mặt. (1) DN “thấm đòn” do dịch Covid-19 cùng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài, thanh khoản khó khăn. (2) Đứt gãy chuỗi sản xuất và kinh doanh, không thể phục hồi nhanh chóng. (3) Lạm phát, suy kiệt về cầu, giảm hành vi tiêu dùng, dẫn đến thị trường hạn chế.
Thực tế, đã có hàng trăm ngàn DN phá sản hoặc rút lui khỏi thị trường, chủ yếu là DN có “bệnh nền”, nghĩa là nhỏ về quy mô, vốn liếng cũng như về mô hình kinh doanh. Điều này cho thấy sự tác động nặng nề của Covid-19 lên cộng đồng DN, đòi hỏi DN phải thay đổi, định hình mô hình mới cho mình.
PHÓNG VIÊN: - Nhưng thưa ông thực tế cho thấy rất nhiều DN chậm chạp và lúng túng trong việc chuyển đổi số?
PGS.TSKH NGUYỄN VĂN MINH: - Như trên đã nói, muốn thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, điểm mấu chốt đầu tiên là DN phải nhận thức được đó là hoạt động tự thân của mình. Việc chuyển đổi số hiện nay đang khiến DN lúng túng do có mô hình, lĩnh vực hoạt động khác nhau nên cách thức thực hiện chuyển đổi số không thể giống nhau.
Bài toán ở đây là hiện cả nước có hơn 700.000 DN, trong đó khoảng 600.000 DNNVV, mỗi DN có lời giải riêng. Trong khi đó, DNNVV hoạt động phân tán, chưa hình thành những chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị lớn, hệ quả chúng ta không thể đủ nhân lực để tư vấn hay giúp đỡ trực tiếp, mà chỉ có thể cung cấp công cụ và phương tiện để họ tự nhận thức.
Theo tôi, trong chương trình chuyển đổi số cho DN, cơ quan chức năng cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận vấn đề. Cần có sự phân nhóm DN để có cách tiếp cận phù hợp. Đơn cử, hiện nay ít nhất có 3 nhóm DN tương ứng với 3 tầng tiếp cận về chuyển đổi số. Nhóm thứ nhất nhận thức rất sớm về chuyển đổi số.
Nhóm thứ 2 nhận thức được một phần nhưng chưa biết làm như thế nào. Nhóm thứ 3 vẫn chưa nhận thức được hoàn toàn, còn bị động, chưa có chương trình hành động về chuyển đổi số rõ ràng, đây là nhóm DNNVV.
Ở đây, Nhà nước không nên và cũng không thể ôm đồm, mà nhìn thấy nhu cầu tự thân của DN sẽ khuyến nghị họ những gì cần thiết. Cùng với đó, nên tập trung chuyển đổi số vào các lĩnh vực trọng tâm để tạo cú hích cho các DN, nhóm ngành khác thay đổi theo.
Thí dụ, chuyển đổi số nhóm DN tài chính - ngân hàng được xem là trọng tâm, đi đầu của các ngành khác, vì vậy nên làm tốt, để từ đó lấy làm trụ cột thay đổi hành vi DN nói chung.
- Thưa ông, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ giúp DN TCT nguồn lực của mình, đồng thời là giải pháp đầu tư hiệu quả khi tiếp cận thị trường một cách tối ưu nhất. Tuy nhiên hiện nay M&A ở Việt Nam vẫn chưa được nhà đầu tư ngoại mặn mà, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiến trình TCT?
- Thực tế, các giao dịch M&A suy giảm do dịch bệnh Covid-19, nhà đầu tư nước ngoài hạn chế trong việc tiếp xúc, thẩm định, đàm phán… Bản thân nhà đầu tư nước ngoài có những khó khăn, hoặc thay đổi chiến lược. Vì vậy, về mặt dài hạn, nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Thị trường cũng đang hy vọng các giao dịch M&A trong thời gian tới sẽ nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, tôi không nhất trí hoàn toàn với ý kiến cho rằng DN Việt quá ngưỡng chịu đựng khó khăn và phải bán. Bởi lẽ họ có phương án khác nhau để đối mặt và vượt qua những khó khăn trong khủng hoảng, thì DN chúng ta phải tìm cách vượt qua.
Ngoài ra, chúng ta có thể thấy còn một số nguyên nhân dẫn đến việc DN nước ngoài không mặn mà với M&A DN Việt, như việc nhiều DNNN cổ phần hóa nhưng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn giữ chi phối 51-95%. Các DN này không dễ để nhà đầu tư tiếp cận, vì phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định thoái vốn tiếp theo của cổ đông nhà nước.
Bên cạnh đó, số công ty niêm yết có chất lượng tại Việt Nam không nhiều, nhiều DN tốt đã được các nhà đầu tư nắm giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối nên không dễ thâu tóm được trên sàn. Thêm vào đó, đa số là DNNVV, muốn bán nhưng không được nhà đầu tư quan tâm, bởi chất lượng DN thấp, báo cáo tài chính chưa minh bạch, quản trị công ty chưa đạt chuẩn…
- Ông đánh giá thế nào về khả năng và tiến trình TCT đối với nhóm DNNN?
- TCT DN là quá trình khảo sát, tổ chức, sắp xếp lại DN nhằm mục đích thay đổi cấu trúc, phương thức vận hành để hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai. Nhưng cái khó của DN có vốn nhà nước lớn hiện nay là phải chịu nhiều quy định khắt khe cả về đầu tư và quản trị tài chính. DNNN thường phải làm theo yêu cầu, nhiệm vụ của chủ sở hữu là Nhà nước.
Vì thế, có những thời điểm, nhìn thấy rất rõ cơ hội trên thị trường nhưng không nắm bắt kịp vì các quy trình, thủ tục phê duyệt dự án kéo dài. Những rào cản về cơ chế, chính sách liên quan đến việc ra quyết định đầu tư, thoái vốn hay đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN cũng có thể làm chậm tiến độ TCT DN.
- Xin cảm ơn ông.
Trong các giải pháp TCT DN nên trao cho DNNN thêm những quyền tự quyết, mới có thể kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ TCT. |