Toàn cầu phải thay đổi
Các dự báo đều chung nhận định, năm 2022 nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều thay đổi khó lường khi các trục địa chính trị lớn vẫn tiếp tục xảy ra đối kháng, giằng co để định hình lại vai trò dẫn dắt xoay quanh các động thái của Mỹ, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh…
Bên cạnh đó, dự báo Đài Loan, Ukraine, Afganistan vẫn là trung tâm của những bất ổn chính trị và căng thẳng địa chính trị tiềm tàng. Đồng thời, thế hệ lãnh đạo mới của Đức hậu “Merkel” và bầu cử tổng thống Pháp sẽ định hình những chính sách mới về thương mại, địa kinh tế và hợp tác với EU.
Về dự báo bức tranh môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu 2022 có 4 xu thế mới:
(1) Nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chịu tác động sâu và dài trong năm thứ 3 của đại dịch Covid-19. Áp lực tăng trưởng, ổn định và cân bằng xã hội sẽ gia tăng với hầu hết quốc gia.
(2) Áp lực lạm phát gia tăng sau nhiều gói giải cứu, hỗ trợ. Tính đến thời điểm hiện tại, mức lạm phát tại một số nền kinh tế lớn là Mỹ 5,4%, Anh 4,2%...
(3) Nhiều khả năng Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu mở cửa cho đi lại. Đặc biệt, khi quốc gia này vẫn tiếp tục thực thi chính sách “zero Covid” để ngăn chặn dịch bệnh.
(4) Các quốc gia buộc phải thí điểm mở cửa biên giới để tập trung khôi phục lại kinh tế, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn như du lịch, nhà hàng khách sạn…
Do đó, các quốc gia và cộng đồng DN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức còn tiếp diễn. Đó là sự gián đoạn sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Cùng với đó, các DN buộc phải trải qua quá trình số hóa do các phương thức tiêu dùng, sản xuất, cung cấp, tương tác… thay đổi do tác động của đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, thời gian tới người tiêu dùng vẫn hạn chế mua sắm, ít đến nhà hàng, hạn chế đi du lịch, giải trí… sẽ khiến doanh số nhiều DN giảm. Nếu tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các DN do thiếu lao động.
Chú trọng nhân lực và nắm bắt xu thế mới
DN tại Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, bao gồm phát triển năng lực kỹ thuật số cho hệ thống DN, số hóa chuỗi cung ứng. Việc đào tạo kỹ năng được DN Singapore triển khai trên quy mô lớn để giải quyết vấn đề gián đoạn sản xuất, cung ứng và thay đổi việc làm hậu Covid-19 hiệu quả cho cả DN và người lao động.
Hay tại Trung Quốc, các DN phát triển dài hạn và bền vững hơn, khi chính phủ nước này khuyến khích DN tận dụng “khoảng nghỉ” của đại dịch để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc tế, thay vì chăm chú vào mục tiêu tăng trưởng nhanh.
Đồng thời, nước này ưu tiên các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị… được cho là các biện pháp hiệu quả để thích ứng tốt hơn trong tình hình mới.
Tại Nhật Bản, các DN cũng đang từng bước thực hiện tái cấu trúc. Hiện có khoảng 70% công ty Nhật Bản theo đuổi các hoạt động ở nước ngoài đang suy nghĩ lại, hoặc xem xét lại chiến lược kinh doanh của họ do những rủi ro toàn cầu như đại dịch Covid-19.
Một cuộc khảo sát được công bố gần đây cho thấy 5 điều “giác ngộ” từ các giám đốc điều hành hàng đầu theo điều tra của IBM, bao gồm: (1) Chuyển đổi kỹ thuật số chưa bao giờ về công nghệ, mà là vấn đề tư duy và sự sẵn sàng. (2) Yếu tố con người là chìa khóa thành công.
(3) Chấn thương tâm lý đã phá hủy chiến lược của công ty. (4) Một số DN sẽ chiến thắng, một số khác sẽ thất bại, nhưng ít người sẽ làm điều đó một mình. (5) Sức khỏe là chìa khóa của sự bền vững.
Việt Nam không nằm ngoài xu thế
Trước bối cảnh như vậy, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các DN của một số nền kinh tế lớn trên thế giới để có thể thích ứng tốt hơn trước những thách thức. Như vậy mới có khả năng kháng cự với các cú sốc. DN Việt muốn “cất cánh” cần có quy trình quản trị rủi ro rõ ràng, bài bản. Các công ty cần định hình lại cấu trúc, chiến lược, quy trình, con người và công nghệ.
Trước hết, các DN cần quan tâm đến sức khỏe, tâm lý của người lao động, giúp họ nâng cao chất lượng chuyên môn và xử lý được những vấn đề phức tạp trong thời kỳ mới. Thêm vào đó, các công ty cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận thị trường mới và cũ, kể cả thị trường khó tính nhất, chủ động nguồn nguyên liệu để thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong dài hạn.
Đồng thời, DN cần nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, hệ thống internet để kết nối với nhà đầu tư, đối tác thông qua các nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Đi đôi với công tác sản xuất, kinh doanh, DN cũng cần chung tay bảo vệ môi trường và thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Đây là những vũ khí quan trọng để DN Việt có thể thích ứng và cạnh tranh mạnh mẽ trong tương lai.
Thực tế cho thấy, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng trải qua những đợt cao trào của Covid-19, tác động sâu rộng vào nền kinh tế. Tuy vậy, DN nhiều nước đã tự rút kinh nghiệm và tìm ra phương thức để sống chung với dịch bệnh. Để phát triển kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, ngay cả trong thời kỳ suy thoái và suy thoái kinh tế nghiêm trọng, một số DN vẫn có thể giành được lợi thế.
Các cuộc khủng hoảng không chỉ tạo ra rất nhiều thay đổi tạm thời, chủ yếu là sự thay đổi trong ngắn hạn về nhu cầu, còn cả một số thay đổi kéo dài. Vấn đề này đặt ra nhiệm vụ cho các DN muốn tồn tại cần biết nắm bắt cơ hội và thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ để thích ứng với tình hình mới.
DN cần thiết xem xét lại mô hình kinh doanh để nắm bắt cơ hội và thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ thích ứng với tình hình mới. |