Giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh. Ảnh: VIẾT CHUNG
Lo tăng giá nguyên liệu
Trước việc đồng USD mạnh lên, ông Đinh Công Khương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Dịch vụ Thép Duy Khương, cho biết, hiện có đến 20%-30% nguồn nguyên liệu sản xuất thép phải nhập khẩu, nên giá nguyên liệu nhập sẽ tăng. Nếu cộng chung với chi phí sản xuất thì ước tính chi phí thành phẩm sẽ tăng lên từ 1-3%. Trong khi đó, những đơn hàng ngắn hạn thì không thể đàm phán với đối tác để điều chỉnh giá. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng mạnh đã “bào mòn” lợi nhuận ngành thép. Việc tăng giá đồng USD hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp (DN) rơi vào trạng thái lợi nhuận 0%.
Khó khăn nối tiếp khó khăn khi các DN ngành thép và nhựa đang đối mặt với nguy cơ suy giảm thị trường xây dựng. Thị trường bất động sản trầm lắng đã khiến nhu cầu tiêu thụ thép và nhựa giảm mạnh từ quý 3-2022 đến nay. Cũng theo ông Khương, thị trường bất động sản tiêu thụ đến 45% sản phẩm thép. Do vậy, việc giảm hoặc dừng cấp phép dự án bất động sản, cộng với việc siết tín dụng ngân hàng, đã khiến thị trường này trở nên trầm lắng, kéo theo sức tiêu thụ thép giảm mạnh. Hiện các DN đang nỗ lực duy trì sản xuất tối thiểu để không gián đoạn hoạt động.
Với nhóm hàng lương thực thực phẩm, nhiều ý kiến DN cho rằng đây là thời gian cao điểm để DN nhập khẩu nguyên liệu sản xuất nhằm tăng nguồn hàng dự trữ, chuẩn bị phục vụ cao điểm nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Tại TPHCM, những DN sản xuất hàng hóa thiết yếu đã phải chuẩn bị kế hoạch tăng nguồn dự trữ hàng hóa từ 24%-60% nhằm tránh nguy cơ khan hiếm hàng và tăng giá cuối năm.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, có đến 60% nguồn nguyên liệu sản xuất ngành lương thực thực phẩm phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong thời gian gần đây, nhiều DN nỗ lực tìm kiếm nguồn cung trong nước nhưng vẫn chưa hiệu quả. Do vậy, việc tăng giá đồng USD chắc chắn sẽ tác động đáng kể đến giá thành sản phẩm. Các DN cho biết sẽ phải điều chỉnh giá bán nhất định nếu chi phí phát sinh thêm, bởi nhiều DN đã nỗ lực kiềm giá, ổn định giá bán trong suốt thời gian dài khi giá xăng tăng.
Tác động không quá tiêu cực
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thương mại (NHTM) tại TPHCM cho biết, các DN vay nợ bằng USD thời gian qua đã gặp khó khăn do áp lực USD mạnh lên và đồng VND mất giá. Các DN này sẽ tiếp tục chịu áp lực tỷ giá cuối năm 2022 cũng như đầu năm 2023 khi vẫn còn dư nợ bằng đồng USD.
“Trên lý thuyết, khi đồng tiền nội địa mất giá, hàng hóa của quốc gia đó sẽ rẻ hơn một cách tương đối, từ đó hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, Việt Nam thực hiện chính sách thả nổi trong biên độ với USD, điều này cũng dẫn tới đồng VND mạnh hơn so với một số đồng tiền khác, đặc biệt là các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Bên cạnh đó, lạm phát đang gia tăng toàn cầu, thu nhập thực tế của người dân toàn cầu suy giảm, điều này cũng sẽ là thách thức đối với các DN xuất khẩu trong thời gian tới”, vị lãnh đạo này cho hay.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng, trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá, lạm phát rất lớn thì việc NHNN nới biên độ tỷ giá là cần thiết, nhằm ổn định thị trường ngoại hối. Đây cũng là cách để giảm áp lực một phần với tỷ giá, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và cũng tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động hơn. Nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác, cũng như trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất.
Trước đó, để ổn định tỷ giá, NHNN đã dùng các biện pháp như: sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay… Chính vì vậy, việc nới biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, giúp cân bằng tất cả chiều cạnh (như lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền VND, USD…) để tác động không quá tiêu cực tới nền kinh tế.
Sau khi NHNN nới lỏng biên độ tỷ giá USD/VND, tỷ giá trung tâm trong ngày 18-10 được NHNN niêm yết tăng 56 đồng so với hôm trước, lên 23.637 đồng/USD. Như vậy, với biên độ ±5%, tỷ giá trần đã tăng lên 24.818 đồng/USD. Ghi nhận giá USD tại các NHTM trong ngày 18-10 cho thấy, một số NHTM đã tăng lên kỷ lục ở mức 24.500 đồng/USD. Mặc dù giá USD được các NHTM điều chỉnh tăng nhưng vẫn thấp hơn giá trần khoảng 318 đồng/USD. Như vậy, so với cuối năm 2021, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 7% (tăng 1.580 đồng/USD). * Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 18-10 đã tràn ngập sắc xanh nhờ tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa do đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán thế giới. Mặc dù các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa mạnh nhưng sắc xanh vẫn chiếm đa số. Trong đó đáng lưu ý, nhóm cổ phiếu bất động sản bất ngờ tăng mạnh, nhiều cổ phiếu tăng trần như DXG, LDG, NBB, DIG, SCR, CII… Ngoài ra, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng tăng khá tốt như VIC tăng 4,3%, VRE tăng 3,6%, MSN tăng 3,8%, CTG, ACB, VHM, KDH, VCB, SAB đều tăng trên 2%... kéo Vn-Index tăng gần 13 điểm khi chốt phiên. Mặc dù vậy, khối ngoại đã kết thúc 7 phiên mua ròng để quay lại bán ròng 4,8 tỷ đồng trên toàn thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 12,08 điểm (1,15%) lên 1.063,66 điểm. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 2,66 điểm (1,17%) lên 229,12 điểm. Thanh khoản thị trường cũng đã cải thiện đáng kể so với hôm trước với với tổng giá tri khớp lệnh đạt gần 10.200 tỷ đồng. |
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính: Nhập khẩu phù hợp,chủ động mua USD Việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước sẽ làm cho thị trường giao dịch với tỷ giá hợp lý. Các ngân hàng thương mại (NHTM) mua bán với tỷ giá mới, từ đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện bán USD ngay khi thu được cho các NHTM. Còn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, với việc các NHTM nâng giá bán USD gần mức giá thị trường thì sẽ phải tính toán nhập khẩu lượng hàng hóa phù hợp, chủ động mua USD đúng lúc để giảm áp lực lạm phát. TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng: Hỗ trợ xuất khẩu,gia tăng cạnh tranh Việc biên độ tỷ giá được nới rộng sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp gia tăng sự cạnh tranh về giá cũng như kinh doanh có hiệu quả cao hơn. Ngược lại, hàng nhập khẩu sẽ bị tăng giá và đối diện khả năng sức tiêu thụ sụt giảm. TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Quan trọng nhất vẫn làkiểm soát cung tiền Với các sức ép về tỷ giá lớn như hiện nay, NHNN buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái. Động thái này cũng để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết trong bối cảnh giá USD đã tăng rất mạnh thời gian qua. Tuy vậy, trong tất cả các giải pháp thì quan trọng nhất vẫn là kiểm soát cung tiền. Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn. Hiện NHNN còn duy nhất công cụ chưa áp dụng là tăng dự trữ bắt buộc vì lo ngại ảnh hưởng đến vốn khả dụng cho vay của NHTM. Tuy nhiên, NHNN không nới room tín dụng nên cũng không cần tăng dự trữ bắt buộc vì sẽ hạn chế nguồn cho vay của các ngân hàng. |