Doanh nghiệp chủ động ứng phó thương mại với Mỹ

(ĐTTCO) - Việc Mỹ áp thuế mới lên hàng Trung Quốc đang khiến mối lo về căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Trong bối cảnh ấy, bài toán ứng phó ra sao với thị trường Mỹ đang trở nên hết sức quan trọng.

Việt Nam đang nằm trong top các quốc gia dẫn đầu về thâm hụt thương mại với Mỹ.
Việt Nam đang nằm trong top các quốc gia dẫn đầu về thâm hụt thương mại với Mỹ.

Lợi thế ban đầu

Ngay từ mùng 6 Tết, CTCP Tập đoàn Gia Định (chuyên sản xuất, xuất khẩu da giày tại TPHCM) đã trở lại nhịp sản xuất tất bật để kịp đơn hàng cho khách. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT, cho biết hiện công ty đã có đơn hàng đến hết quý II năm nay và đang tiếp tục đàm phán với các đối tác để có đơn trong các quý sau của năm. Theo đánh giá của ông Trung, tình hình hiện tại tương đối khả quan với doanh nghiệp (DN).

Liên quan đến việc Mỹ áp thuế 10% toàn bộ hàng Trung Quốc từ ngày 4-2, ông Trung cho biết bước đầu DN Việt có thể có lợi thế vì đơn hàng có thể dịch chuyển sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc trong đó có Việt Nam để né thuế. Song về lâu dài DN cũng lo ngại làn sóng dịch chuyển các công đoạn cuối sang Việt Nam để mượn xuất xứ xuất khẩu đi Mỹ.

Điều này có thể dẫn đến khoảng cách thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng gia tăng, đẩy hàng Việt vào tầm ngắm gần hơn của Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, nếu không thận trọng hàng Việt có thể phải đối diện với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) hơn. Ông Nguyễn Chí Trung nhìn nhận với việc dịch chuyển này không chỉ cần sự chủ động, tỉnh táo của DN mà cần sự hỗ trợ vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Với cùng nhận định của ông Trung, đại diện một DN trong ngành dệt may TPHCM cho biết, căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc cũng phần nào mang đến lợi thế cho DN Việt trong giai đoạn đầu. Song các DN cũng luôn trong tâm thế thận trọng trước làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, nhất là khi các công ty nước ngoài chỉ dịch chuyển sản xuất các công đoạn cuối.

Thực ra những lo lắng về chuyện dịch chuyển sản xuất của DN Trung Quốc sang Việt Nam không phải đến thời điểm này mới được nhắc tới. Còn nhớ tại buổi tọa đàm giữa các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo hiệp hội DN phía Nam hồi cuối tháng 11-2024, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, DN Trung Quốc sẽ có xu hướng qua Việt Nam mua xưởng, đầu tư, thuê công nhân sản xuất hàng.

"Lúc này cần quan tâm đến câu chuyện sau khi Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam thì chuyện gì sẽ xảy ra, doanh số xuất khẩu vào Mỹ có thể tăng thêm nhưng phía sau đó là gì cần phải lường trước và có kịch bản" - bà Sắc phân tích.

Những chính sách của ông Trump mang đến nhiều lo ngại khác nhau cho các DN. Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), thừa nhận Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành chế biến gỗ (chiếm khoảng 55%), nhưng DN không chỉ ngại về thuế mà còn có thêm nỗi lo vấn đề lạm phát. Bởi lạm phát có thể kéo theo nhu cầu mua đồ nội thất sẽ giảm. “Nội thất không phải nhóm ngành thiết yếu nên nó cũng sẽ dễ bị cắt giảm khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu” - ông Bảo đánh giá.

Một số DN cho biết việc có đơn hàng vui nhưng cũng không hẳn chắc chắn bởi trong quá khứ không ít trường hợp đơn hàng đã ký nhưng có biến động đối tác vẫn hủy đơn. Vì thế trong tín hiệu tích cực vẫn không thể chủ quan.

Thách thức phía trước

Theo đánh giá mặc dù Việt Nam không nằm trong danh sách các quốc gia bị đánh thuế lần này, nhưng với việc nằm trong top các quốc gia dẫn đầu về thâm hụt thương mại với Mỹ cũng chưa thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Khả năng Tổng thống Donald Trump có thể tăng thuế, tăng cường các biện pháp PVTM, đẩy cao các đạo luật như quy định nguồn gốc sản phẩm đều là những điều có thể xảy ra với hàng hóa Việt Nam.

Chưa hết, Việt Nam có thể bị cáo buộc là trung gian hỗ trợ các nước thứ 3 đưa hàng vào Mỹ. Chỉ tính riêng các biện pháp PVTM, vài năm trở lại đây các DN, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện PVTM từ thị trường Mỹ.

Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương), cho biết Mỹ là nước điều tra PVTM nhiều nhất với Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2024, Việt Nam đối mặt với 27 vụ việc điều tra PVTM thì Mỹ chiếm tới 11 vụ. Đáng chú ý Mỹ tăng cường điều tra kép (trong một vụ việc điều tra cả chống bán phá giá, chống trợ cấp) và tăng cường điều tra chùm (trong một vụ việc không chỉ điều tra một nước mà điều tra cùng lúc nhiều nước).

Cũng theo bà Linh, các biện pháp PVTM của Mỹ ngày càng khắt khe hơn, cứng rắn hơn và thường xuyên thay đổi theo hướng khó khăn cho DN xuất khẩu. Trong đó Mỹ đưa ra khái niệm lần đầu tiên xuất hiện đó là trợ cấp xuyên quốc gia. Chưa kể việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến DN trong quá trình Mỹ điều tra các vụ kiện PVTM.

Vậy DN nên làm gì nếu vướng kiện PVTM? Trước câu hỏi này, không ít chuyên gia đồng tình rằng ngoài việc DN phải nâng cao năng lực nội tại, cần phải tuân thủ thật nghiêm túc các quy định của Mỹ. Cụ thể, nếu vướng phải các vụ kiện PVTM cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra Mỹ, cung cấp thông tin đúng thời hạn.

Đáng chú ý, một số ý kiến còn gợi ý thêm rằng các DN, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các DN, hiệp hội Mỹ vì chính quyền Tổng thống D. Trump bảo vệ lợi ích của DN Mỹ.

Ngoài ra cũng cần tăng cường quan hệ với các công ty tư vấn, công ty luật tại Mỹ vì các công ty này có ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách của Mỹ. Còn với vấn đề thâm hụt thương mại, vấn đề rất được quan tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump thì một số ý kiến DN cho rằng cần sự điều chỉnh từ các chính sách vĩ mô bởi nỗ lực của các DN thôi sẽ là không đủ.

DN cần đa dạng hóa thị trường nhất là những thị trường có FTA với Việt Nam, cũng là một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều với các DN trong suốt thời gian qua, để giảm sự tập trung vào thị trường lớn là Mỹ.

Các tin khác