Cũng dễ hiểu, do các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đã khiến nhiều du khách nhất là người trẻ tiếp cận nhiều với công nghệ, hình thành xu hướng thích các chuyến đi tự túc. Điều này đồng nghĩa giảm vai trò của các công ty lữ hành và khiến họ bị ảnh hưởng không ít.
Vì thế, lúc này các công ty lữ hành chỉ dừng ở việc bán sản phẩm sẵn có sẽ rất khó, buộc họ phải từ bỏ cách làm cũ cạnh tranh về giá, mà cần tập trung đầu tư xây dựng sản phẩm và bán cái khách cần.
Thực tế, trong cuộc cạnh tranh về giá để thu hút khách, lợi nhuận thu về của các doanh nghiệp lữ hành không nhiều, nên khi dịch ập tới nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được do thiếu vốn.
Nay khi tình hình thay đổi, những doanh nghiệp còn gắng gượng với thị trường cần tính đến bài toán đầu tư hơn về chất lượng sản phẩm, biến các bạn sales (nhân viên kinh doanh du lịch) thành các cố vấn du lịch, mang đến những thứ khách không tự tìm thấy được, như vậy họ sẽ quay về với các tour của doanh nghiệp lữ hành.
Bởi vẫn còn nhiều du khách vẫn thích đi tour thông qua các công ty nhưng với điều kiện có cái mới, và là mảng thị trường các công ty nên khai thác mạnh. Covid-19 có thể khiến dung lượng thị trường nhỏ lại, nhưng doanh nghiệp có thể hướng mạnh vào đối tượng khách hàng mục tiêu, tối ưu hóa chi phí và tương lai sẽ thu về lợi nhuận tốt hơn là cuộc đua giảm giá.
Có người hỏi tôi vai trò của cố vấn du lịch trong các doanh nghiệp lữ hành để kéo khách trở lại nhiều hơn được hiểu như thế nào?
Như tôi đã nói, khách đang ngày càng thích đi du lịch tự túc nhiều hơn, vai trò của doanh nghiệp lữ hành đang giảm dần, điều này buộc chúng ta phải đi tìm câu hỏi giá trị cuối cùng mang lại cho du khách là gì, từ đó khái niệm cố vấn du lịch ra đời.
Cố vấn du lịch không phải chỉ giải quyết sự vụ hiện tại, mà là tư vấn, tham mưu cho doanh nghiệp lữ hành trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành du lịch các công ty nên mang đến những tư vấn chuyên sâu về điểm đến cho du khách mà ứng dụng công nghệ không tìm thấy được.
Bởi thực tế, công nghệ cũng chỉ dừng ở một mức độ nào đó, khách du lịch cần được lắng nghe những chia sẻ, tìm kiếm những người bạn đồng hành. Du lịch trong tương lai có thể sẽ khác rất nhiều, nhưng khi chúng ta đầu tư và bán đi chất xám cũng là lúc thu về lợi nhuận và giá trị nhiều hơn.
Dưới tác động của Covid -19, một vấn đề được nói tới là chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch. Nhiều người cho rằng doanh nghiệp giờ không có tiền để tồn tại làm sao tính đến chuyện này.
Thực ra, chuyển đổi số trước hết là sự thay đổi của tư duy, tức phải biết khách hàng cần gì, mục tiêu và năng lực của mình như thế nào để có những chuẩn bị cho phù hợp. Khi nghiên cứu xu hướng công nghệ trong du lịch, chúng tôi nhận ra rằng dịch Covid-19 đã đẩy tốc độ chuyển đổi số trong năm 2020 phát triển nhanh hơn bao giờ hết.
Nhiều quốc gia đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực này, coi đó là giải pháp hữu hiệu để khắc phục hậu quả các chính sách phòng chống dịch bệnh, như hạn chế tiếp xúc hay giãn cách xã hội. Vì thế, trên hành trình dài phía trước doanh nghiệp du lịch muốn tồn tại cần tính đến bài toán chuyển đổi số.
Năm 2021 với việc vaccine ngày càng phổ biến, du lịch quốc tế bắt đầu được bàn tới dưới “sự bảo trợ” của hộ chiếu vaccine. Đây được xem là giải pháp tốt nhất ở thời điểm hiện tại, nó cũng mang đến nhiều hy vọng cho ngành du lịch trong việc mở cửa cho khách quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức thận trọng, vì hộ chiếu vaccine không phải cây đũa thần. Hộ chiếu vaccine chỉ hiệu quả khi nhiều người được tiêm và công hiệu của nó được công nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia.
Đó là chưa kể chúng ta cũng cần chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật ở các sân bay quốc tế để có thể kiểm tra được hộ chiếu vaccine này. Nhắc tới hộ chiếu vaccine cũng có nghĩa ngành du lịch đang chờ đợi vào hiệu quả làm việc của một ngành khác, nên các doanh nghiệp lữ hành cũng cần thận trọng.