Doanh nghiệp loay hoay trong “bão” lãi suất

Lãi suất vượt tầm với đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nền kinh tế cũng như đời sống xã hội.

Lãi suất vượt tầm với đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nền kinh tế cũng như đời sống xã hội. 

Vào cửa “tiến thoái lưỡng nan”

Nhiều doanh nghiệp bức xúc, năm qua khi nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ, lãi ở khối ngân hàng lại rất cao. Ngân hàng nói khó 1, nhưng doanh nghiệp khó đến 10. Bởi nếu huy động lãi suất cao ngân hàng lại cho vay cao khiến doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực trong đầu tư, sản xuất đình trệ, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người lao động.

Ông Lê Quang Thung, Quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, cho biết ngành cao su đang phát triển mạnh, nhưng lãi suất cao đang gây khó cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.

Thanh khoản đang là vấn đề đáng ngại của các ngân hàng hiện nay. Ảnh: LÃ ANH

Thanh khoản đang là vấn đề đáng ngại của các ngân hàng hiện nay. Ảnh: LÃ ANH

Chẳng hạn với mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% khi doanh nghiệp nhập khẩu cao su bán sản phẩm cho thị trường trong nước, nếu đơn hàng 100 tỷ đồng phải đóng 5 tỷ đồng VAT.

Phần thuế này 1 năm sau mới được hoàn trả. Trong khi đó, vốn đã tập trung vào hàng hóa nên để có 5 tỷ đồng đóng thuế, nhiều doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất 22%/năm, tính ra chỉ mỗi việc lo tiền thuế VAT, doanh nghiệp phải chi phí 1,1 tỷ đồng/năm. Không xoay vòng vốn được, số tiền lãi cứ theo đà này tỷ lệ thuận với tiền vay.

Hiện nay khối doanh nghiệp sản xuất đang gần như trong trạng thái không dám vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều lĩnh vực đầu tư như xây dựng cơ bản, bất động sản khởi công cầm chừng do không đủ vốn. Vay cũng chết, không vay cũng chết.

Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Công ty sản xuất hàng tiêu dùng quận 5, bức xúc: “Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, vốn vay ngân hàng cũng chỉ vài tỷ đồng/năm. Lợi nhuận trên 1 sản phẩm làm ra không thể vượt quá 10%, chưa trừ chi phí khác, trong khi lãi vay ngân hàng 22%/năm không biết trụ được đến lúc nào. Vay nhiều nợ nhiều, nhưng không vay lại không biết xoay đâu ra vốn sản xuất. Cực chẳng đã mới cắt giảm nhân công, ngưng sản xuất một số sản phẩm tiêu thụ chậm, cố gắng cầm cự cho qua giai đoạn này”.

Nỗ lực vượt khó

Chỉ tiêu xuất khẩu Quốc hội thông qua cho năm nay phải tăng hơn 10%. Để thực hiện được mục tiêu này, cần có giải pháp trợ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.

Thế nhưng theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, các doanh nghiệp đang thực sự gặp khó vì sức ép lớn từ lãi suất ngân hàng tăng cao. Để trụ vững trong thời điểm khó khăn này, nhiều doanh nghiệp phải sử dụng những biện pháp tình thế, như hướng đến những sản phẩm có khả năng quay vòng vốn nhanh, gác lại những sản phẩm cần trường vốn đầu tư. Tuy nhiên giải pháp này không nên sử dụng khi nền kinh tế phục hồi, bước vào giai đoạn phát triển mạnh.

Ông Dương Quốc Thái, Tổng giám đốc CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (SAPLASTIC.JSC), chia sẻ: Hiện nay công ty đang vay vốn ngân hàng với nhiều mức lãi khác nhau, từ 17-21%/năm tùy theo từng ngân hàng. Với lãi suất 17%, còn cầm cự được, nhưng với 21% khó khăn càng chồng chất, vì cứ vay 1 tỷ đồng doanh nghiệp phải trả lãi 210 triệu đồng/năm, 10 tỷ đồng lãi phải trả lên đến 2,1 tỷ đồng/năm. Tiền lãi ngân hàng ăn hết vào lợi nhuận.

Khi lãi vay còn ở mức 14%, doanh nghiệp còn có lợi nhuận khoảng 10%, hiện nay chỉ có lời khoảng 2-3%, thậm chí huề vốn nhưng vẫn phải tiếp tục hoạt động để nuôi công nhân. Tháng này không có lợi nhuận chờ tháng sau tìm cách khắc phục; đồng thời liên tục tìm cách cải tiến kỹ thuật, máy móc, tăng năng suất lao động, sản lượng sản phẩm. Thí dụ, với năng suất cũ trong khoảng thời gian nhất định làm ra 1 sản phẩm, nay nỗ lực tăng lên 1,5 sản phẩm.

Ông Dương Quốc Thái cho biết thêm, hiện nay lãi suất vay cao nhưng nhiều doanh nghiệp không thể tăng giá bán sản phẩm và nếu có tăng cũng chỉ ở mức 5-10% để giữ khách hàng thân thiết. Sức ép này đang đè nặng lên các doanh nghiệp. Đối phó vấn đề này, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp rất đau đầu, vì nếu không khéo sẽ lỗ ngay.

Trước tình hình này, các cổ đông của công ty cũng thông cảm, chỉ cần doanh nghiệp hòa vốn là được vì đây là khó khăn chung. Bản thân doanh nghiệp cũng trung thực, tình hình thế nào báo cáo thế ấy để cổ đông đóng góp ý kiến cùng nhau tháo gỡ, vượt qua khó khăn.

-----------

> Cần giải pháp điều hòa dòng vốn

Các tin khác