Dồn dập đơn đặt hàng
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, tính từ tháng 4 trở lại đây, đơn đặt hàng của các DN nước ngoài gửi đến cục nhằm tìm kiếm nguồn hàng cung ứng từ các DN Việt Nam tăng mạnh. Trong đó, nhiều nhất là đơn hàng đến từ DN Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Liên bang Nga…
Cụ thể, Công ty Bridgepathway LLC, Hoa Kỳ đã thông qua Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương để tìm kiếm DN Việt Nam có khả năng cung ứng nhóm hàng hóa là thực phẩm chế biến, bánh kẹo. Trước đó, một số DN tại New York cũng đang tìm kiếm nguồn cung thép cuộn mạ kẽm, sản phẩm in và đồ lưu niệm…
Còn với Công ty Thaiwatsadu (thuộc Tập đoàn Central Group) của Thái Lan, đang cần tìm kiếm đối tác cung cấp khối lượng lớn vật liệu xây dựng, thiết bị điện và đồ gia dụng để phân phối vào hệ thống 60 showroom của công ty. Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cũng nhận được nhiều đề nghị kết nối cung ứng hàng hóa khác của các DN Liên bang Nga.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào sản phẩm y tế như găng tay sử dụng trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, y tế… quy mô lên đến 7 triệu chiếc. Hoặc như các DN Trung Quốc thì tìm kiếm lương thực thực phẩm đã qua sơ chế như tôm đông lạnh, tinh bột sắn và ngô, sắn lát khô để chế biến thức ăn gia súc.
Đặc điểm chung của các DN nước ngoài cần nguồn cung ứng hàng hóa của DN Việt Nam là số lượng hàng cần tương đối lớn và hợp đồng cung ứng ký dài hạn. Do vậy, đòi hỏi DN Việt có quy mô sản xuất lớn, khả năng đảm bảo cung ứng hàng nhanh, công nghệ sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa mà đối tác đưa ra. Quan trọng hơn, DN phải có phương án sản xuất, không để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung.
Theo giới phân tích kinh tế, việc bùng phát dịch bệnh đã khiến nhiều người phải ở tại nhà, do đó nhu cầu mua sản phẩm tự làm (sản phẩm nội thất), tự chế biến (lương thực thực phẩm) và sản phẩm phòng chống dịch bệnh tăng mạnh. Mặt khác, thương hiệu hàng Việt ngày càng được định dạng rõ nét trên thị trường thế giới nên mức độ nhận diện và ưa chuộng hàng Việt cũng được tăng theo. Một yếu tố khác là nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh đầu tư sang Việt Nam cũng kéo theo đơn đặt hàng xuất khẩu tăng mạnh.
Gấp rút gỡ khó nguồn cung nguyên liệu
Tuy nhiên, vấn đề là sự gia tăng chóng mặt giá nguyên vật liệu khiến các DN lao đao. Thậm chí, việc thay đổi giá cung ứng được các đối tác điều chỉnh theo tuần. Tính chung từ đầu năm đến nay, tùy thuộc vào loại nguyên liệu của nhiều ngành sản xuất mà đã có mức tăng giá từ 10% - 70%.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, chỉ tính riêng trong lĩnh vực nhựa, giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu đã tăng hơn 30% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, mức tăng này còn thấp so với nguyên liệu sản xuất lương thực thực phẩm. Trong 3 tháng qua, ghi nhận tổng hợp những phản ánh từ DN thành viên của hội cho thấy, DN đã phải chấp nhận sản xuất không lợi nhuận do giá nguyên liệu tăng vọt 10%-70%. Từ đó dẫn đến những thiệt hại rất lớn cho DN.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, rất nhiều DN sản xuất vải nguyên liệu trong nước với quy mô lớn là DN có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động theo mô hình công ty mẹ ở nước sở tại và công ty con tại Việt Nam, sản xuất nguyên liệu nhưng chuyển 100% về cho công ty mẹ. DN trong nước rất khó tiếp cận nguồn nguyên liệu này.
Ở góc độ khác, bà Lý Kim Chi nhấn mạnh thêm, Việt Nam là nước nông nghiệp tức nguyên liệu thô sản xuất lương thực thực phẩm rất nhiều. Thế nhưng, lại thiếu DN chế biến nguyên liệu thô thành nguyên liệu tinh, có đến 60% nguồn nguyên liệu tinh chế biến lương thực thực phẩm phải nhập khẩu. Với giá nguyên liệu tăng như hiện nay, DN rất khó có thể duy trì ổn định sản xuất cũng như tiếp nhận đơn hàng mới. Chia sẻ chung của các DN, trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay, Chính phủ cần thúc đẩy nhanh hơn gói hỗ trợ vốn, thuế… cho DN trong nước.