(ĐTTCO)-Do nguyên liệu chế biến hải sản trong nước khan hiếm, nên hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu ở Bà Rịa – Vũng Tàu phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài về để gia công tái xuất, đảm bảo các đơn hàng đã ký.
Nguyên liệu chế biến hải sản khan hiếm do ảnh hưởng mùa vụ, ghe tàu nằm bờ. (Ảnh: Gia Khang)
Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 42 nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn HACCP, trong đó có 28 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (CODE-EU) với các mặt hàng chủ lực như: surimi, mực, tôm, cá, cua ghẹ, bạch tuộc… và các mặt hàng nguyên con, phi-lê đóng gói.
Theo một số doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu, ngư trường đánh bắt cạn kiệt, giá xăng dầu tăng, cùng với việc siết chặt thực hiện các quy định nhằm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC), khiến nhiều ghe tàu chưa mạnh dạn ra khơi, dẫn tới khan hiếm nguyên liệu. Chính vì vậy, doanh nghiệp chế biến phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước về gia công.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, để đảm bảo các đơn hàng của các đối tác Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật…, công ty đã lên kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, Chi-lê, Tây Ban Nha, Na Uy, Australia, New Zealand…
Theo ông Dũng, việc nhập khẩu nguyên liệu nhằm hoàn thành đơn hàng đã ký, đảm bảo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần có hỗ trợ từ Nhà nước.
Một số doanh nghiệp chế biến phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài để duy trì sản xuất. (Ảnh: CTV)
“Ghe tàu nằm bờ do giá xăng dầu cao, mùa vụ ảnh hưởng đến nguyên liệu chế biển hải sản nên doanh nghiệp phải đi tìm nguồn nguyên liệu nên hiệu quả không cao. Nếu doanh nghiệp không sản xuất thì những định phí vẫn phải trả, và phải trả lãi vay cho ngân hàng, nếu không sẽ thành nợ quá hạn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp rất nhiều. Quan trọng nhất hiện nay là doanh nghiệp phải xuất được hàng để ổn định việc làm cho người lao động” - ông Dũng nói.
Theo VOV