Đau đầu vì giá tăng cao
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (chuyên các sản phẩm cà phê nhãn hiệu Meet More), cho biết khoảng 2 tuần trở lại đây giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn 40%. Phần lớn đơn vị cung cấp nguyên liệu đều lấy lý do giá xăng dầu tăng buộc họ phải tăng giá bán.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng DN của ông đang rất vất vả trong việc cân nhắc tăng giá bán đầu ra. Điều chỉnh như thế nào để các kênh phân phối đồng ý, người tiêu dùng chấp nhận trong bối cảnh sức mua yếu hiện nay thực sự không đơn giản. Đó là chưa bàn đến thị trường xuất khẩu. Các hợp đồng đã ký không phải muốn là có thể thay đổi giá ngay.
Cũng trong thế gồng mình chịu cảnh giá đầu vào tăng nhưng giá bán chưa thể tăng, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc VISSAN, cho biết từ cuối quý IV-2021, VISSAN đã dự báo qua quý I năm nay giá nguyên liệu sẽ tăng 10-30% tùy mặt hàng, nhưng lúc ấy chưa tính toán đến chuyện giá xăng tăng mạnh và liên tục như hiện nay. Với tình hình này DN chỉ có thể gồng mình chứ chưa thể tăng giá bán vì sức mua hiện quá thấp.
Nhiều DN hiện cũng rơi vào thế khó trong chuyện tăng giá bán, vì với kênh siêu thị muốn tăng giá bán phải báo trước mấy tháng, không phải nay nói mai có thể tăng. Hiện các siêu thị đang gồng mình giữ giá để thu hút người mua, bởi 2 tháng đầu năm nay dù có Tết Nguyên đán nhưng sức mua giảm mạnh so với mấy năm gần đây.
Chia sẻ về khó khăn của DN hiện nay, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết cùng với các loại chi phí khác như bao bì, nguyên vật liệu đã tăng 10-35% (so với lúc giá tốt trước đây) và chi phí logistics tăng cao thời gian qua. Nay cộng thêm việc giá xăng dầu ở mức cao đã làm chi phí đầu vào tăng mạnh, các dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng theo, khiến các DN càng thêm khó khăn.
Cứ đà tăng liên tục, buộc DN phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm, khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của DN vì thế cũng tăng. Đây là điều các DN không mong muốn trong bối cảnh hiện nay.
Nói riêng về mảng xuất khẩu, theo phân tích của bà Chi tình hình cũng không mấy khả quan khi xăng dầu tăng đẩy chi phí vận chuyển tăng theo. Hiện giá 1 ký trái cây vận chuyển qua đường hàng không sang Mỹ, Australia, EU… trung bình 11,5USD (trong đó, giá sản phẩm 2,5-3USD/kg, còn 8,5-9USD là chi phí vận chuyển).
Như vậy, chi phí vận chuyển chiếm tới 70-80% giá thành sản phẩm. Đáng nói, chi phí vận chuyển tăng, giá trái cây xuất khẩu cũng tăng theo, cơ hội chinh phục thị trường xuất khẩu càng khó hơn vì giảm tính cạnh tranh.
Chi phí vận chuyển qua đường biển cũng không mấy khả quan, khi thời gian dài DN đã chịu giá tăng rất cao do tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng. Nay tiếp tục đối mặt với tình trạng giá xăng tăng cao, các DN xuất khẩu như ngồi trên lửa, phải tính đủ mọi đường để giảm thiểu mức thiệt hại.
Uể oải với thuế và lãi vay
Uể oải với thuế và lãi vay
Giá xăng tăng cao, không thể tăng giá bán do sức mua yếu… đang kéo DN vào vòng xoáy không có lối thoát. |
Cụ thể, trong bối cảnh giá xăng tăng chưa biết khi nào mới dừng, việc tăng giá bán sản phẩm của DN chỉ là chuyện sớm muộn. Lúc này giảm 2% thuế VAT chỉ có tác dụng về mặt tinh thần. Bởi thực tế, mức 2% là quá ít, người mua hiện không quá quan tâm, họ chỉ quan tâm xem sản phẩm có khuyến mãi giảm giá, quà tặng hay không. Đó là chưa kể việc tính thuế mới còn đẩy không ít DN vào thế lúng túng trong thực hiện, vì việc giảm thuế không phải áp dụng cho tất cả mặt hàng.
Cùng với việc làm sao kích thích sức mua người tiêu dùng DN còn đau đầu với bài toán vốn, lãi vay. Theo Nghị quyết 43 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình hồi phục kinh tế - xã hội, các DN gặp khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023, tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Đây liệu có phải tin vui với DN?
Chia sẻ điều này, ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc CTCP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, nhấn mạnh DN lúc nào cũng cần vốn, nếu được vay vốn mới mức lãi suất hỗ trợ DN càng phấn khởi hơn. Thế nhưng không phải DN nào cũng dễ dàng tiếp cận và vay vốn, chưa kể gần đây DN còn “nghe đồn” lãi vay có thể tăng lên trong thời gian tới.
Trong một bài viết trước đây, ĐTTC đã phân tích việc các ngân hàng thương mại đang trong cuộc đua tăng lãi suất huy động. Theo đó, khi lãi suất huy động tăng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Lúc này việc hỗ trợ lãi suất cho DN có còn ý nghĩa?
Chẳng hạn, lãi suất cho vay hiện tại bình quân ở mức 6%/năm, khi lãi suất huy động tăng, nhà băng có thể tăng lãi suất cho vay lên 7-8%/năm, lúc này nếu có thêm mức hỗ trợ 2% DN cũng vẫn chịu mức lãi như hiện tại.
Chia sẻ thêm về các chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng không ít DN, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay khá thờ ơ với các gói hỗ trợ vì phần nào đã mất niềm tin. Gói hỗ trợ đưa ra nhưng có tiếp cận được hay không lại cả là vấn đề.
Hiện các DN khi làm kế hoạch kinh doanh không còn dám làm kế hoạch lâu dài, vì ngoài dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, còn quá nhiều biến động khác khiến DN phải thận trọng trong từng bước đi của mình. Các DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ của Việt Nam chịu trận khá tốt trong mùa dịch năm trước, nhưng sức chịu đựng nào cũng có giới hạn. DN không thể gồng mình mãi được.