Giá dầu tăng, ai lợi ai thiệt?

(ĐTTCO) - Giá dầu trong vòng 1 năm qua đã tăng gần 50% và nhiều khả năng có thể tiếp tục tăng thêm trong ngắn hạn do chiến sự ở Ukraine. 
Giá dầu trong 1 năm qua.
Giá dầu trong 1 năm qua.
Giá dầu tăng sẽ có bên được hưởng lợi và bên bị thiệt, nhưng đây có phải là tình huống có tổng lợi ích bằng 0? Và khi giá dầu duy trì ở mức cao sẽ dẫn đến những chuyện gì khác?
Ở tầm quốc gia
Tài nguyên năng lượng rất hay là nguyên nhân dẫn đến xung đột địa chính trị giữa các quốc gia với nhau, hoặc nó được dùng như một công cụ đặt lên bàn đàm phán. Xung đột ở Trung Đông từ trước cho đến nay và mới đây nhất là Ukraine, là minh chứng rất rõ ràng cho chuyện này. Khi có xung đột, giá dầu sẽ tăng vì nguồn cung bị giảm, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng biến động của giá dầu do biến động của nguồn cung, nhu cầu, và một số yếu tố khác mà mô hình nghiên cứu chưa xác định được. Như một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy, giá dầu tăng do 60% đóng góp của yếu tố cung, yếu tố cầu đóng góp 30%.
Chính vì vậy, các nước xuất khẩu dầu như OPEC+, trong đó nổi lên như Saudi Arabia, Nga, Iran, là những quốc gia có ảnh hưởng lớn đến sự biến động của giá dầu trên thế giới. Nhưng khi giá dầu tăng, lợi ích có được từ các nước xuất khẩu dầu lại nhỏ hơn phần thiệt hại của các nước nhập khẩu.
Đó là do người tiêu dùng ở nước nhập khẩu bị tăng tiêu dùng cận biên (marginal propensity to consume - MPC), và phần tăng này hơn cả phần tăng lợi ích cận biên của nước xuất khẩu.
Giá dầu trong vòng 1 năm qua đã tăng gần 50%, và đã có xu hướng tăng từ trước khi xung đột Ukraine nổ ra. Bởi trước đó do dịch Covid-19, nhu cầu thế giới giảm nên các nước xuất khẩu dầu lớn đã giảm mạnh sản lượng.
Và vì sự không chắc chắn của các biến thể virus SARS CoV-2 nên việc khôi phục lại sản lượng không là ưu tiên của các nước. Bên cạnh đó, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi mạnh nhu cầu lại tăng lên, trong khi việc mở lại khai thác cần nhiều thời gian, không đơn giản như chỉ bật tắt cái công tắc điện.
  
Với doanh nghiệp, người dân
Khi giá dầu tăng đương nhiên kéo theo chi phí chung đều tăng, vì đây là đầu vào quan trọng của mọi ngành nghề từ sản xuất đến vận chuyển. Chi phí đầu vào tăng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc giữ biên lợi nhuận, hoặc phải tăng giá bán, trong khi điều này làm giảm sức cạnh tranh, hoặc thậm chí bị mất bớt khách hàng.
Nhưng áp lực cũng không chỉ có ở doanh nghiệp ở phía bên cầu, mà có ở cả bên cung. Những doanh nghiệp khai thác dầu niêm yết trên sàn chứng khoán bị áp lực cổ đông về lợi nhuận, nên phải đắn đo giữa việc khai thác sản lượng tối ưu để có mức giá cao nhất, mang lại biên lợi nhuận cao nhất.
Tuy nhiên, người gánh cuối cùng vẫn là người tiêu dùng cuối, tức người dân ở khắp nơi trên thế giới. Giá dầu tăng làm giá năng lượng khác cũng tăng như gas, điện. Giá xăng dầu tăng, giá điện tăng là nỗi ám ảnh của người dân nhiều nước trên thế giới những tháng qua.
Như ở châu Âu, giá điện, giá gas, giá xăng dầu tăng đã góp phần đẩy lạm phát tăng cao, nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng vì cuộc sống ngày càng đắt đỏ. Thí dụ, ở Pháp “lá bài sức mua” của người tiêu dùng được các ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới tận dụng triệt để.
Giá dầu tăng khiến chi phí sinh hoạt hàng tháng của người dân dành cho phương tiện đi lại cũng tăng theo. Để so sánh mức độ đắt đỏ của xăng dầu, người ta không quy ra 1 lít xăng ở nước này là bao nhiêu, nước kia là bao nhiêu USD, mà sẽ tính theo thu nhập bình quân đầu người. Ngoài ra, thước đo khác cũng không kém phần quan trọng là tỷ trọng của chi phí xăng dầu trong tổng chi tiêu hàng tháng là bao nhiêu? Thí dụ, trung bình ở nhiều nước châu Âu là 3-5%.

Giá dầu sẽ duy trì cao bao lâu?
Không ai có thể dự đoán trước được, nhưng xu hướng là giá dầu sẽ giảm lại trong dài hạn. Lý do thứ nhất, biên lợi nhuận của các nhà khai thác đã ở mức cao khi lấy giá khai thác trung bình 50USD/thùng. Một khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi chắc chắn hơn, các nước xuất khẩu chắc chắn sẽ nâng sản lượng trở lại.
Về nguồn cung, giới quan sát quốc tế còn chú ý nhiều đến ẩn số Iran. Tình hình căng thẳng đến một mức nào đó, nhiều khả năng Iran sẽ được xem xét lại các thoản thuận, và nguồn cung từ Iran là rất đáng kể. Về phía cầu, các nước như châu Âu đang đẩy mạnh chiến lược giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, đầu tư nhiều và mạnh hơn cho năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thậm chí là điện hạt nhân như Pháp mới khởi động lại gần đây.
Mối quan hệ đối đầu chiến lược về năng lượng giữa Nga với EU, với NATO càng thúc đẩy khối này chuyển sang các giải pháp thay thế khác, tìm các nguồn cung cấp mới và mở ra các tuyến đường vận chuyển khác, như khí hóa lỏng LNG vận chuyển bằng đường biển, hay công nghệ năng lượng hydrogen.
Tóm lại, giá dầu tăng cuối cùng người dân, nhất là nhóm có thu nhập thấp là bên thiệt hại nhiều nhất. Lợi ích tăng thêm từ giá tăng của bên cung cấp cũng không đủ bù đắp cho thiệt hại của phía bên kia nếu nhìn tổng thể lợi ích xã hội. Khủng hoảng tăng giá dầu vì vậy sẽ chỉ trong một giai đoạn tạm thời. Và mong rằng giai đoạn này sẽ kết thúc sớm.
 Khi giá dầu tăng các nước xuất khẩu dầu sẽ có lợi, trong khi phần thiệt hại thuộc về các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, người bị thiệt cuối cùng là người tiêu dùng.

Các tin khác