Khả năng phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp (DN) và tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể bị chững lại, khi nguồn nhiên liệu đầu vào có tính chiến lược như xăng dầu không sớm hạ nhiệt.
Nếu lạm phát tăng do giá xăng, dầu tăng sẽ ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.
PHÓNG VIÊN: - Giá xăng dầu thế giới và trong nước hiện đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua, sẽ ảnh hưởng thế nào đến khả năng kiểm soát lạm phát, thưa ông?
PGS.TS NGÔ TRÍ LONG: - Yếu tố đầu vào là giá xăng dầu có tác động đến mọi ngành kinh tế, từ các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, phương tiện giao thông vận tải… cho đến ảnh hưởng gián tiếp như hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào cần chuyên chở hay phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa.
Tăng trưởng kinh tế và lạm phát có mối quan hệ rất chặt chẽ. Lạm phát tăng cao ở một số trường hợp, đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên, nhưng trong trường hợp này nếu lạm phát tăng cao do giá dầu tăng, chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Cụ thể, giá xăng dầu tăng sẽ tác động trực tiếp đến những ngành tiêu thụ xăng dầu như vận tải, đánh bắt cá xa bờ, logistics…
Thí dụ, đánh bắt cá xa bờ, với giá xăng dầu tăng cao, bình quân mỗi chuyến biển ngư dân phải tăng chi phí 20-25% so với cùng kỳ năm 2021. Sau những khó khăn vì đại dịch, lại thêm khó khăn vì giá nhiên liệu tăng không ngừng, đầu năm đến nay xăng dầu đã 3 lần điều chỉnh tăng giá, ngư dân không mặn mà ra biển.
Hay đối với logistics và vận tải, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-35%, khi giá xăng dầu tăng cao cũng khiến chi phí tăng lên.
Về tác động gián tiếp, bất kỳ sản phẩm nào sau khi sản xuất cũng phải đưa đến tay người tiêu dùng, phải có chi phí vận chuyển, khi giá cước vận chuyển tăng khiến giá thành sản phẩm bán ra sẽ tăng, ảnh hưởng đến sức mua. Tôi cho rằng áp lực lạm phát năm 2022, cụ thể là trong quý I rất lớn.
- Thưa ông, hiện nay giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang “cõng” thêm nhiều loại thuế, phí. Điều này cản trở phục hồi cho DN và cần tháo gỡ?
Lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên. Nhưng lạm phát tăng cao do giá dầu tăng chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực. |
Bây giờ tiếp tục miễn, giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu có phù hợp không, nhất là bài toán tổng thể sao cho phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách để cân đối thu chi. Nếu giảm thuế VAT thì khó.
Nghị quyết Quốc hội đã đưa ra giảm xuống 2%, nhưng VAT có 3 mức loại thuế suất: 0%, 5% và 10%. Trong loại 10% giảm xuống 8%, nhưng không phải tất cả nhóm thuế VAT 10% đều được giảm 2%. Thí dụ, đối với nhóm có thuế tiêu thụ đặc biệt như xăng dầu không giảm, vì đây là những loại không khuyến khích sử dụng.
Như vậy, khả năng giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện nay chỉ có thể dựa vào 3 yếu tố: Thứ nhất, khả năng giá xăng dầu thế giới giảm, thứ hai là giảm thuế và thứ ba là tăng chi quỹ bình ổn.
Nhưng tình hình chính trị - kinh tế thế giới hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, ngay cả nhóm OPEC cũng chưa có ý định tăng sản lượng khai thác nên trông chờ vào sự giảm giá từ thị trường thế giới rất khó, hoặc sẽ rất lâu.
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước, do giá xăng dầu tăng kéo dài suốt nhiều tháng qua nên quỹ cũng đã sử dụng gần hết. Do đó, hiện nay nhiều ý kiến nghiêng về giảm thuế.
Theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh hiện nay nên xem xét việc giảm thuế môi trường để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế, giảm áp lực đầu vào cho DN.
- Cũng có ý kiến cho rằng cách quản lý và điều hành giá xăng dầu trong nước hiện chưa thực sự chủ động, chưa bám sát thị trường. Ông nhận xét thế nào về việc này?
- Vấn đề tần suất chu kỳ điều hành giá xăng dầu, Nghị định 95 đã quy định rõ. Trước kia Nghị định 84 là 34 ngày, Nghị định 83 là 30 ngày, sau đó chúng ta bổ sung sửa chữa Nghị định 83 là 7 ngày hoặc 10 ngày, sau đó quyết định là 10 ngày. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương có nêu ý kiến đề xuất có thể giảm chu kỳ điều hành giá 3-5 ngày, nhưng để làm được điều này phải xin phép Chính phủ.
Về bản chất, thị trường xăng dầu của chúng ta vẫn chưa phải là thị trường cạnh tranh thực sự, vẫn còn có những DN thống lĩnh thị trường, có DN chiếm 30%, tức chỉ vài DN kinh doanh xăng dầu đã nắm cả thị trường trong nước. Do đó, Nhà nước cũng không thể buông quản lý hoàn toàn để DN tự quyết định được, bởi nguy cơ gây ra lũng đoạn, nên phải có sự can thiệp và điều tiết của Nhà nước.
Đặc biệt, đây là giai đoạn hết sức quan trọng, giai đoạn kinh tế tiếp tục phục hồi. Thế nên, điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý phải sát thực tế, linh hoạt, tập trung nhất quán vào mục tiêu làm sao để DN hoạt động hiệu quả, người dân có thu nhập tốt. Vì chỉ có thu nhập tốt, hàng hóa rẻ người dân mới chi tiêu, từ đó mới có thể kích cầu tiêu dùng, từ kích cầu chuyển sang kích cung, đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng.
Khi càng rút ngắn chu kỳ điều hành, giá xăng dầu trong nước càng sát với giá thế giới. Giá xăng dầu biến động mạnh điều chỉnh kịp thời là cần thiết.
- Xin cảm ơn ông.