Song cùng thời gian này, hàng loạt các đại gia bị khởi tố với những cáo buộc sai phạm liên quan đến các lĩnh vực kinh doanh đất đai, trái phiếu, cho thấy bức tranh của KTTN và giới doanh nghiệp tư nhân (DNTN) với 2 thái cực khác nhau.
Chỉ là những “hạt sạn”
Chỉ là những “hạt sạn”
Nhìn về quá khứ, kể từ lúc Đổi mới (1986) đến nay đã hơn 30 năm, bức tranh của DN Việt Nam, đặc biệt là khu vực KTTN đã thay đổi hết sức cơ bản. Có thể nói, DNTN Việt đã đi từ “không” đến “có”. Hình ảnh ban đầu của KTTN có thể hình dung là một con số 0 tròn trĩnh.
Trong 10 năm (1986-1996) chỉ có khoảng 40.000 DN ra đời. Có lẽ đây là thời kỳ đầu rất gian nan của các DN khi họ bắt đầu được Nhà nước cho phép thành lập. Những doanh nhân của thời kỳ đấy đã chứng minh ý chí nỗ lực, quyết tâm chấp nhận rủi ro để vượt lên.
Bước nhảy vọt trong tư duy của lãnh đạo Nhà nước sau đó đã thay đổi tất cả. Năm 1999, Luật DN được Quốc hội thông qua đi vào thực hiện năm 2000, đã thay đổi gần như bộ mặt của KTTN Việt Nam. Từ năm 2000 trở đi, mỗi năm có từ 20.000 DN, rồi tăng thành 25.000 - 30.000 DN ra đời. Con số bây giờ thì vào khoảng 100.000 DN.
Quá trình phát triển của DN cũng đồng thời gắn với quá trình hội nhập đất nước, khi Việt Nam bắt nhịp với Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA). Từ hiệp định này, các DN trong nước đã bừng tỉnh, lao ra bên ngoài để tìm kiếm cơ hội.
Các nền kinh tế khác cũng nhân dịp này tìm hiểu vào thị trường gần 100 triệu dân này. Có thể nói, tại thời điểm hiện nay, DNTN Việt Nam đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Đó là tập trung vào “chất” nhiều hơn, với khát vọng xây dựng những tập đoàn KTTN lớn, đa ngành nghề và vươn ra thị trường thế giới.
Trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã xuất hiện nhiều tập đoàn KTTN lớn. Họ kinh doanh đa lĩnh vực và đã bước ra bên ngoài, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ lớn từ Âu đến Mỹ, điều mà thế hệ DNTN thời kỳ trước đó chỉ có thể mơ đến mà thôi.
Điều này chứng tỏ bản lĩnh cũng như năng lực quản trị của DNTN Việt Nam ngày càng được nâng cao. Tất cả các bước trưởng thành đó cho thấy họ có lộ trình cụ thể, có mục tiêu rõ ràng.
Song ở khía cạnh khác, nếu nhìn những DNTN lớn bị “dính chàm” vừa qua đến mức bị khởi tố, rõ ràng nó là một sự đối nghịch. Nhưng cá nhân tôi vẫn cho rằng, đó chỉ là những “hạt sạn” trong bức tranh tổng thể DNTN, còn về cơ bản, các DNTN Việt vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Trên chặng đường đó, những “hạt sạn” không thể đủ sức trì hoãn bước chân DN tiến về phía trước, và những “hạt sạn” đó cần phải bị loại bỏ để nhường chỗ cho môi trường kinh doanh lành mạnh hơn.
“Quan hệ thân hữu” không phải là “phép màu”
Ở Việt Nam, mối “quan hệ thân hữu” của các DN vẫn đặt ra những mối nghi ngờ lớn, nhất là những công ty liên quan đến bất động sản. Tại sao vậy? Bởi thể chế của chúng ta còn nhiều bất cập.
Đơn cử như về lĩnh vực đất đai, lĩnh vực vốn được cho là xảy ra tham nhũng nhiều nhất, vì Luật Đất đai còn nhiều bất cập. Đất đai quy định là sở hữu toàn dân, nhưng lại do Nhà nước quản lý và đại diện chủ sở hữu. Mà Nhà nước ở đây lại quá nhiều các cấp quản lý khác nhau, quyền lực quản lý cũng rất lớn, nên quản lý đất đai bị chồng chéo.
Hồi năm 2013, khi sửa Luật Đất đai, cũng từng có rất nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước chỉ nên thu hồi đất cho mục đích an ninh và quốc phòng, mục đích công cộng. Còn mục đích kinh tế mà đi thu hồi thì không đúng với vai trò của Nhà nước.
Nhưng dù luật có được thông qua thì quá trình thực thi lại vẫn có khoảng cách lớn. Minh chứng là hiện nay không có lĩnh vực nào khiếu kiện nhiều như lĩnh vực đất đai. Rõ ràng vấn đề thị trường và quản lý Nhà nước đối với đất đai đã bị méo mó.
Sai phạm trong lĩnh vực đất đai không đơn lẻ mà xảy ra trên diện rộng và liên quan đến nhiều địa phương và một số bộ, ngành. Đơn cử trong sự “nhúng chàm” của những cán bộ có thẩm quyền, nhất là khi thâu tóm đất có giá trị thương mại cao, dư luận thấy có bóng dáng của sự “cộng sinh” với DNTN. Ở đây, mối “quan hệ thân hữu” đó có thể giúp các DNTN tăng trưởng nhưng không thể giúp DNTN trưởng thành.
Người xưa nói “không ai vỗ tay bằng một bàn tay”. Mối “quan hệ thân hữu” khiến thị trường méo mó, thành những “hạt sạn” trong bức tranh tổng thể của KTTN, không thể không nói đến những bất cập trong chính sách và quản lý của Nhà nước. Xây dựng nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, đúng bản chất là mong muốn chung được nhắc đến từ lâu ở Việt Nam và thực tế đã được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp, các văn bản. Nhưng thực tế khoảng cách “từ miệng đến tay”, từ “văn bản đến thực tế” vẫn còn xa vời.
Thêm vào đó, nếu nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, còn rất nhiều vấn đề để trở thành nền kinh tế thị trường thực sự, đúng nghĩa. Cấu trúc DN Việt Nam gồm có DN nhà nước, DN FDI và khối DNTN. Nhưng các chính sách hiện nay chủ yếu là ưu đãi cho DN nhà nước và DN FDI, còn lại DNTN rất ít được ưu đãi. Và đây chính là môi trường thuận lợi cho các mối “quan hệ thân hữu” phát triển.
Từ những bất cập trên, tôi cho rằng tư duy về kinh tế trong bộ máy của Nhà nước vẫn muốn can thiệp sâu và rộng đối với DN, thị trường. Chính điều này gây ra “hiệu ứng ngược”, đó là để được hưởng những chính sách ưu đãi cho phát triển, một số DNTN buộc phải chấp nhận “đi đêm”, tạo thành các “nhóm lợi ích” với những cá nhân trong cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiện tượng “lợi ích nhóm”, “DN sân sau”, “DN thân hữu” đã tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng với các DN khác. Điều này cần phải sớm bị loại bỏ, để trả lại cho thị trường bản chất đúng nghĩa của nó, đó là công khai, minh bạch và bình đẳng.
Những năm gần đây, Việt Nam đã có một số DNTN phát triển lớn mạnh, nhưng sự phát triển này có được là nhờ mối “quan hệ thân hữu”. Bởi nếu không có mối quan hệ, các DN này rất khó tiếp cận được với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và không có cách nào để lớn được. |