Doanh nghiệp Việt 'lơ là' phòng vệ thương mại

(ĐTTCO) - Trong khi hàng Việt Nam xuất khẩu đang phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) thì ở chiều ngược lại hàng nhập vào Việt Nam lại khá rộng cửa. 

Năm 2009, Việt Nam khởi xướng điều tra vụ việc đầu tiên là Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty Kính nổi Việt Nam (VFG), nộp đơn yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra áp dụng các biện pháp PVTM đối với sản phẩm kính nổi nhập khẩu.

Sau gần 7 tháng điều tra, Bộ Công Thương kết luận, không áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm kính nổi nhập khẩu. Dù không thành công, song đây được xem là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, vì là lần đầu tiên DN trong nước đã chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của WTO.

Tuy nhiên, kể từ vụ việc đầu tiên ấy cho đến nay, con số các vụ việc Việt Nam khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, vẫn còn khá hạn chế.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 6, cơ quan này đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc PVTM, và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể, tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Có thể nói, đây là con số khá thấp, vì ngay trong khu vực Đông Nam Á các quốc gia như Indonesia, Philippines hay Thái Lan, cũng đã khởi xướng điều tra hàng trăm vụ việc. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có quá ít ngành sản xuất bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu chăng?

Thực tế không ít ngành sản xuất trong nước chịu sức ép từ hàng nhập khẩu và mong được bảo vệ. Năm 2023, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam khẩn cấp đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương và các ban ngành nghiên cứu giải pháp áp thuế nhập khẩu điều nhân ở mức 25%, tương tự như Ấn Độ đã thực hiện với điều Việt Nam để tạo sự công bằng trong chế biến và kinh doanh điều nhân.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, việc áp thuế nhằm ngăn chặn tương lai ngành điều bị "bóp chết".

Một ngành khác cũng lên tiếng “kêu cứu” là ngành chăn nuôi. Hồi giữa tháng 3 vừa qua, 4 hiệp hội gồm Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn gia súc Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, cùng ký tên, gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội kiến nghị giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Đại diện 4 hiệp hội chăn nuôi khẳng định, các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đang gây ra áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Vì thế 4 hiệp hội kiến nghị khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi.

Bản chất của biện pháp PVTM là bảo vệ ngành sản xuất trong nước, chứ không phải vì một vài DN cụ thể. Vì vậy, yêu cầu cơ bản khi sử dụng biện pháp PVTM là phải có sự liên kết giữa các DN sản xuất trong nước để đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện bắt buộc khi sử dụng các biện pháp PVTM theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam cũng như của WTO.

Nhưng nói riêng về sự liên kết giữa các DN sản xuất trong nước vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Như câu chuyện ngành điều năm 2023. Trong khi phía hiệp hội điều khẩn cấp kêu cứu và chia sẻ trên báo chí, một số DN khác lại cho rằng cái khó không phải vì hàng nhập, mà vì nội tại thiếu đoàn kết, thiếu định hướng, mạnh ai nấy làm là căn bệnh cố hữu lâu nay của ngành điều.

Dù giữ vị thế xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới, nhưng các DN Việt lại không tận dụng được vị thế của mình, luôn tự cạnh tranh lẫn nhau.

Điều này cho thấy muốn bảo vệ sản xuất trong nước, trước hết cần có sự đoàn kết giữa các DN trong cùng một ngành nghề. Chưa hết, các DN phải có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động điều tra, có số liệu, có lập luận để gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều này không dễ với đa số các DN Việt Nam, vì các DN còn thiếu kinh nghiệm và thiếu cả tài chính để chuẩn bị khởi xướng và theo đuổi các vụ điều tra.

Các tin khác