Thị trường xuất khẩu đã có tín hiệu “ấm dần” nhưng chưa thể có bước đột phá cho những tháng cuối năm 2023. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đều đang nỗ lực “lấy ngắn nuôi dài”, tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để giữ chân khách hàng và duy trì hoạt động.
Đơn hàng phục hồi chậm
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10/2023 lấy lại đà tăng trưởng, đạt 5,3% sau khi giảm hơn 6% trong tháng 9.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.
Các doanh nghiệp cũng đã đón nhận những đơn hàng mới sau thời gian dài thị trường trong tình trạng ảm đạm. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết từ nửa cuối năm 2022, đơn hàng xuất khẩu ngành gỗ đã sụt giảm nghiêm trọng, tình trạng này kéo dài đến giữa năm 2023.
Có rất nhiều nguyên nhân như suy giảm kinh tế ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU; xung đột quân sự Nga-Ukraine tạo nên tâm lý bất an, chủ trương thắt chặt chi tiêu của phần lớn người tiêu dùng.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng âm, hầu như không có đơn hàng để sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng không thiết yếu.
Từ quý 3/2023, thị trường đã có những tín hiệu tích cực hơn; khách hàng bắt đầu “rục rịch” hỏi mua hàng cho mùa lễ hội cuối năm. Tính đến hiện tại, Sadaco đã có một số đơn hàng đến quý I/2024, duy trì công suất nhà máy từ 70-80%.
Dù chưa thể hoạt động hết công suất nhưng đây thật sự là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp nếu so với mức suy giảm gần 50% nửa đầu năm.
Với ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin ngành dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhiều năm liền đạt mức tăng trưởng khả quan.
Năm 2022, ngành dệt may đã xuất khẩu 44,4 tỷ USD, thuộc top 2 ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam và đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may thế giới. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 toàn ngành đã bắt đầu có dấu hiệu thiếu đơn hàng.
Đến năm 2023, tình hình cực kỳ khó khăn do các thị trường quốc tế giảm tiêu dùng cho quần áo may mặc, giá thành nguyên liệu tăng…trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt Nam lệ thuộc vải nhập khẩu.
Một khó khăn nữa là toàn thế giới chuyển sang xu thế phát triển bền vững nên những cam kết về môi trường, lao động rất khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhưng giá trị đơn hàng không tăng.
Tín hiệu sáng cho dệt may là tình hình sản xuất, kinh doanh đang ấm dần lên từ đầu quý 4/2023, mặc dù vẫn đang tăng trưởng âm nhưng mức âm đã được thu hẹp qua từng tháng.
Đến hết 10 tháng, xuất khẩu dệt may ước đạt 33 tỷ USD, âm khoảng 12,45% so với cùng kỳ 2022. Trên cơ sở nhận diện, phân tích những khó khăn, tồn tại, ngành dệt may đã điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu năm nay đạt khoảng 40 tỷ USD.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean chia sẻ, sau thời gian dài chật vật “ăn đong từng đơn hàng," từ quý 4/ 2023, tình hình của ngành dệt may đã có phần khởi sắc hơn khi thị trường nội địa và xuất khẩu bắt đầu có nhu cầu trở lại.
Dù thị trường xuất khẩu chưa đạt được sức mua như những năm trước nhưng đơn hàng của doanh nghiệp đã dần phục hồi khoảng 80% so với trước. Đây là động lực để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho những tháng cuối năm.
Thông tin từ Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công, thông thường quý 4 là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất chạy đua cho kịp đơn hàng mùa lễ hội cuối năm nhưng năm nay đơn hàng vẫn chậm so với những năm trước.
Đến hiện tại công ty vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm và chưa hoạt động tối đa công suất. Đơn hàng hiện có chỉ mới đạt khoảng 75% doanh thu cho quý 4/2023 và doanh nghiệp đang tìm các đơn hàng cho quý 1/2024.
Linh hoạt thích nghi
Ông Trần Quốc Mạnh cho biết mặc dù đơn hàng đã quay trở lại nhưng yêu cầu đơn hàng thời điểm này khác trước rất nhiều. Hầu hết khách hàng đều đặt với số lượng nhỏ, giao hàng trong thời gian ngắn và ưu tiên giá bán rẻ hơn.
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng mới hiện nay cũng thay đổi so với trước, khách hàng ưa chuộng sản phẩm có thể sử dụng được nhiều chức năng hơn, được sản xuất xanh hơn, có thể tái chế.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, dự báo kinh tế phục hồi chậm do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khi, xung đột cũ chưa chấm dứt đã phát sinh xung đột mới. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cố gắng đáp ứng mọi đơn hàng dù số lượng nhỏ, nhiều yêu cầu khó hơn.
Mục tiêu doanh thu hay lợi nhuận hiện không còn là ưu tiên hàng đầu, thay vào đó doanh nghiệp linh hoạt “lấy ngắn nuôi dài,” duy trì hoạt động sản xuất, giữ việc làm, thu nhập cho người lao động.
“Song song với việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp cũng chủ động chuyển đổi nguyên liệu sang những nguyên liệu thân thiện môi trường, các nguyên liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi cung ứng xanh, bền vững. Nếu doanh nghiệp cố gắng thích ứng với yêu cầu của thị trường, tranh thủ khai thác các phân khúc trung bình thì vẫn có cơ hội tăng trưởng ở giai đoạn nhạy cảm này,” ông Trần Quốc Mạnh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) nhìn nhận tình hình khó khăn thời gian gần đây của ngành gỗ bên cạnh nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới còn có lý do chủ quan từ chính doanh nghiệp.
Sau một thời gian tăng trưởng hai con số liên tục trong 10-15 năm nhờ quy mô thị trường thế giới tăng mạnh, doanh nghiệp gỗ Việt Nam bắt đầu đi vào vùng an toàn.
Phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nhưng sản xuất ở nội địa và chờ nhà mua hàng quốc tế đến. Chỉ khi đơn hàng khan hiếm, doanh nghiệp Việt mới bắt đầu đi xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng.
Thế nhưng, khi đi xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp tiếp tục bộc lộ điểm yếu là không có sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng cao mà chỉ có năng lực gia công nên rất khó tìm được đơn hàng.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ khắc phục các nút thắt trên, từ đầu năm 2023 đến nay HAWA đã đẩy mạnh tổ chức các sự kiện xúc tiến, thương mại; chọn các mặt hàng mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh cao như đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ để quảng bá.
Để cải thiện hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng công tác thiết kế, phát triển sản phẩm mới, đa ứng dụng. Đồng thời, hội cũng khuyến khích các doanh nghiệp trẻ đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng đúng yêu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng toàn cầu.
Với dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết doanh nghiệp được khuyến nghị thay đổi để thích ứng, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, tạo ra sản phẩm xanh hơn, bền vững hơn… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa mặt hàng.
Trong giai đoạn qua, một số doanh nghiệp đã năng động, linh hoạt mở rộng ngành hàng, sẵn sàng nhận những đơn hàng nhỏ, giá không cao, sản xuất chỉ đủ chi phí để giữ chân người lao động. Doanh nghiệp cũng sử dụng các phần mềm thiết kế 3D, chủ động chọn vải để bán với giá cao hơn hoặc quản trị số giúp giảm rủi ro, gia tăng hiệu quả hoạt động.
Hiệp hội cũng tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo để hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường; thông tin những cơ hội, lợi thế ở các thị trường Việt Nam có hiệp định thương mại tự do nhằm nâng cao tỷ lệ tận dụng các ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu.