Doanh nhân áo lính

Từ một con nợ 34 tỷ đồng, nay Tổng Công ty 36 có tổng tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng, với hàng trăm thiết bị, xe, máy… hiện đại vào loại bậc nhất Việt Nam. Đó là sự hồi phục đáng kinh ngạc của “con thuyền 36” dưới sự lèo lái của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp (ảnh).

Từ một con nợ 34 tỷ đồng, nay Tổng Công ty 36 có tổng tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng, với hàng trăm thiết bị, xe, máy… hiện đại vào loại bậc nhất Việt Nam. Đó là sự hồi phục đáng kinh ngạc của “con thuyền 36” dưới sự lèo lái của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp (ảnh).

Chuyên gia “trục vớt”

 

Cách đây 40 năm, Nguyễn Đăng Giáp từng ngồi trước vô lăng, lái xe trên trận địa. Một ngày mùa thu năm 1971, dù đã nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Mỏ - Địa chất, Nguyễn Đăng Giáp vẫn quyết định gác một bên việc học hành, rời mảnh đất nghèo Nghi Trường (Nghi Lộc, Nghệ An) lên đường nhập ngũ.

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976 anh được cử sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Từ một người lính lái xe chiến trường, anh chuyển sang lái những chiếc xe ca đầu tiên của quân đội. Về nước vào năm 1988, Nguyễn Đăng Giáp được điều động làm Trưởng trạm TO2 - trạm khách của Binh đoàn 11. Công việc mới đã giúp anh mở mang kiến thức.

Thời điểm này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI ra đời đã thổi luồng sinh khí đổi mới, gây nao nức trong đời sống xã hội. Bản thân anh Giáp, là một sĩ quan - đảng viên, càng suy nghĩ nhiều hơn về sự cần thiết phải “đổi mới” chính mình, mà trước hết là đổi mới tư duy, nhận thức.

Vừa làm việc, anh vừa tranh thủ học thêm chương trình cử nhân luật. Ngày đó, ở giảng đường ít ai để ý đến một sinh viên luôn khoác trên người bộ quân phục bạc màu, miệt mài, cần mẫn ghi chép để chuẩn bị hành trang cho một hành trình mới.

Năm 1995, khi rời vị trí quản lý trạm khách, Giáp được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Xí nghiệp 37, kiêm Đội trưởng Đội 18 thuộc Công ty 665, Binh đoàn 11. Sau 8 năm lăn lộn trên những công trường, một ngày mùa thu năm 2003, anh bất ngờ được giao nhiệm vụ hết sức “xương xẩu”: Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng công trình 36.

Thoạt nghe tin, bạn bè ngoài ngành chúc mừng anh, vì được thăng chức, nhưng có ai ngờ xí nghiệp lúc ấy như con thuyền rách nát, chao đảo, sắp đắm trong giông bão thương trường. Những năm đầu của thế kỷ 21, xí nghiệp này nổi tiếng là “con nợ”, một trong những đơn vị kinh doanh kém hiệu quả nhất của Tổng công ty Xây dựng Thành An (Binh đoàn 11) với tổng nợ lên đến 34 tỷ đồng, đời sống của người lao động vô cùng khó khăn.

Ngay năm đầu tiên, với ý chí của người lính, cùng với kinh nghiệm điều hành thực tế khi còn ngồi ghế phó giám đốc của anh, xí nghiệp như được phép lạ khi giá trị sản xuất bắt đầu tăng trở lại. Xí nghiệp Xây dựng công trình 36 không chỉ hồi sinh, mà vượt lên và trở thành doanh nghiệp đi đầu của binh đoàn.

Gần 3 năm sau, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định chuyển từ Xí nghiệp Xây dựng công trình 36 thành Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư xây lắp và Thương mại 36 (Công ty 36 - thuộc Tổng công ty Thành An, Bộ Quốc phòng). Đây là mô hình công ty TNHH nhà nước một thành viên đầu tiên của quân đội.

Trong thời gian này, một “con thuyền” khác của Binh đoàn 11 là Công ty 56 cũng phát tín hiệu cấp cứu trước nguy cơ sắp đắm do làm ăn thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm CBCNV trong biên chế và hàng nghìn người lao động có nguy cơ thất nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho phép Công ty 56 phá sản. Để cứu doanh nghiệp này, lãnh đạo Binh đoàn, Bộ Quốc phòng “đốt đuốc” tìm người, nhưng mãi chẳng thấy ai dám nhảy vào. Các đơn vị như Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Viễn thông Quân đội đến khảo sát, nhưng chưa nhất trí vào cuộc.

Thời gian cạn dần, Công ty 56 càng cận kề bờ vực phá sản. Giữa lúc đó một người đã xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn. Đó chính là Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, và được cấp trên chấp thuận sáp nhập Công ty 56 về Công ty 36. Việc nhận trách nhiệm “cứu con thuyền 56” của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp được xem là hết sức dũng cảm, vì lần này là một con thuyền đắm thật sự, cần phải “trục vớt” khẩn cấp.

Ngày 23-8-2011, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Tổng công ty 36 (trực thuộc Bộ Quốc phòng) theo mô hình công ty mẹ, công ty con trên cơ sở tổ chức lại Công ty 36. Sau khi tái cơ cấu hoạt động, Công ty 56 hồi phục và liên tục phát triển, bỏ lại sau lưng quá khứ ảm đạm và đã bước đầu nhìn thấy chân trời tươi sáng. 

Doanh nghiệp “5 mạnh”

Lẽ thường người ta chỉ muốn nhận về mình những cơ hội, sự thuận lợi và thành tích, mấy ai chọn cái khó, cái nợ, thương hiệu mất giá trị để chuốc sự nhọc nhằn mà thành công là điều không được đảm bảo.

Nhiều bạn bè cố tìm hiểu vì sao anh có những quyết định táo bạo như vậy và đã đi đến lý giải: Bên cạnh tinh thần trách nhiệm, nếu không đủ dũng cảm, thông minh, khéo léo tìm giải pháp vượt qua khó khăn hay nói cách khác là thiếu bản lĩnh, Giáp đã không dám “ôm” cái khó.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp trong chương trình "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2007.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp trong chương trình "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2007. 

Với Nguyễn Đăng Giáp, việc vực dậy doanh nghiệp không đơn giản chỉ có ý chí quyết tâm, mà chính là quá trình giải một bài toán hóc búa với nhiều ẩn số: tại sao nợ nần, tại sao nội bộ chưa đoàn kết, tại sao công ty thiếu việc làm...?

Anh lặng lẽ xuống từng công trường, tìm hiểu từng cỗ máy, trò chuyện với công nhân, người quản lý... Từ đó, các khâu yếu kém dần dần hé lộ, gợi mở cho người lãnh đạo hướng đi mới. Sau nhiều lần nghiên cứu, anh đã hình thành “kịch bản” phát triển cho đơn vị mình.

Mối quan tâm đầu tiên của anh chính là khâu quản lý, điều hành. Xuất phát từ quan niệm “quản lý là quản có… lý”, anh điều hành trực tuyến, khắc phục triệt để tình trạng khoán trắng chỉ tiêu bằng cách thực hiện “khoán đi đôi với quản”, giảm các khâu quản lý trung gian. Mô hình quản lý khoa học này không dễ thực hiện, nhưng Công ty 36 đã áp dụng thành công, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Ngay năm đầu tiên, khi Nguyễn Đăng Giáp về làm giám đốc, xí nghiệp như được phép lạ khi giá trị sản xuất tăng lên gần 20%, năm 2004 tăng hơn 53%, năm 2006 tăng gần 90%... 

Tại Tổng công ty 36, Nguyễn Đăng Giáp tập hợp đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi về quanh mình. Rút kinh nghiệm từ các đơn vị khác trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn là chưa chú trọng công tác tiếp thị đấu thầu, xây dựng thương hiệu, Công ty 36 xác định phải xây dựng được thương hiệu bằng chính chất lượng công trình.

Anh đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu và áp dụng giải pháp thi công đối tải - vận dụng trong xây dựng phần móng và 2 tầng hầm. Giải pháp này được kiến trúc sư người Pháp - Chủ nhiệm đề án thiết kế - đánh giá cao, coi đây là sáng kiến đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Khẳng định uy tín

Doanh nhân áo lính ảnh 3Muốn tồn tại và phát triển trong ngành xây dựng, một doanh nghiệp phải hội đủ “5 mạnh” là: nội lực tài chính, nguồn lực con người, khả năng điều hành, năng lực thiết bị, tạo dựng bản lĩnh kinh doanh đa năng với tính chuyên nghiệp cao. Tổng công ty 36 kiên trì mục tiêu đó và đã đạt được “5 mạnh”. Nhờ đó chúng tôi đã vượt qua được những thời khắc khó khăn nhất trong hoạt động kinh doanh để vươn lên.
Doanh nhân áo lính ảnh 4

Đại tá NGUYỄN ĐĂNG GIÁP,
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 36, Bộ Quốc phòng

Giờ đây, Tổng công ty 36 đã trở thành một nhà thầu đa năng mang tính chuyên nghiệp cao, có năng lực đầu tư kinh doanh bất động sản và tổ chức thi công nền móng công trình; xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp đến hạng A; đường giao thông thủy lợi, thủy điện; cung ứng và lắp đặt điều hòa không khí trung tâm, thang máy, thang cuốn, tầng hầm...

Ngoài ra, tổng công ty còn sản xuất các loại bê tông thương phẩm và các sản phẩm khác để phục vụ xây dựng. Trong đó, phải kể đến công nghệ mới nhất được áp dụng tại công trình 105 đường Trường Chinh (Hà Nội); phát minh móng và 2 đường hầm ép cừ đối tải ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; công nghệ đắp đê quây ngăn lũ, “tường mềm trong đất” ở Thủy điện Khe Bố...

Rất nhiều công trình xây dựng lớn của đất nước trong thời gian qua mang dấu ấn của doanh nghiệp này: Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Khe Bố, đường Trường Sơn Đông, hội trường Bộ Quốc phòng…

Dự án “Nhà B6 Giảng Võ” của Hà Nội đã tốn không ít giấy mực và tài chính của các cơ quan chức năng, nhưng không “gỡ nổi”. Thế nhưng, khi Tổng công ty 36 vào cuộc, chỉ trong thời gian ngắn, đã được triển khai.

Hiện nay, nơi các công trình do tổng công ty này đảm nhiệm, mọi người dễ dàng nhận thấy “chất” chuyên nghiệp ngay cả trong sinh hoạt của công nhân. Chẳng hạn, tại công trình Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, công nhân Tổng công ty 36 không phải ở lán trại tạm bợ như nhiều đơn vị khác, mà có nhà ở, nhà bếp, nhà ăn xây dựng khang trang, ô tô đưa đón công nhân đi làm tận nơi, nhiều khu nhà có cả máy điều hòa nhiệt độ.

Tổng công ty 36 hiện có quy mô phát triển gấp hơn 20 lần so với 7 năm về trước, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.200 CBCNV quốc phòng và hơn 7.000 lao động với mức lương bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh chăm lo đời sống CBCNV, Tổng công ty 36 tích cực tham gia các hoạt động xã hội, mỗi năm  dành hàng tỷ đồng đóng góp các chương trình xã hội, từ thiện.

- Đối với anh, những bí quyết thành công là gì? - tôi hỏi.

- Tôi cho rằng mọi thành hay bại ở mỗi đơn vị đều khởi nguồn từ người lãnh đạo. Để thành công, người lãnh đạo phải biết quên mình, cấp độ lãnh đạo càng cao, đòi hỏi về sự quên mình càng lớn. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi chiêm nghiệm ra rằng vượt khó không khó, khó nhất là vượt qua chính mình - Nguyễn Đăng Giáp chia sẻ.

Ngày 11-9-2010, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Giám đốc Tổng công ty 36, do có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

Các tin khác