Doanh nhân tuổi Thìn - Mối duyên vàng

Con đường kinh doanh với những bước ngoặt tiền định đã cùng ông kiến tạo nên một tập đoàn vàng bạc đá quý hàng đầu Việt Nam, mà khởi nguồn chính là khát vọng khẳng định bản lĩnh doanh nhân Việt. Năm 2011, Doji tiếp tục bứt phá trên thương trường khi lọt vào top 3 trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. “Tôi luôn cảm thấy mình là một cán bộ mẫn cán chứ không phải ông chủ” - ông Đỗ Minh Phú (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, chia sẻ khi tiếp tôi tại đại bản doanh Ruby Plaza của Doji ở Hà Nội.

Con đường kinh doanh với những bước ngoặt tiền định đã cùng ông kiến tạo nên một tập đoàn vàng bạc đá quý hàng đầu Việt Nam, mà khởi nguồn chính là khát vọng khẳng định bản lĩnh doanh nhân Việt. Năm 2011, Doji tiếp tục bứt phá trên thương trường khi lọt vào top 3 trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. “Tôi luôn cảm thấy mình là một cán bộ mẫn cán chứ không phải ông chủ” - ông Đỗ Minh Phú (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, chia sẻ khi tiếp tôi tại đại bản doanh Ruby Plaza của Doji ở Hà Nội.

Ngã rẽ tiền định

 

Trước buổi gặp, cô nhân viên PR của Doji cảnh báo: “Sếp em cuốn hút lắm, anh phải có bản lĩnh mới giữ nhịp được bài phỏng vấn. Ở Doji, sếp Phú được anh em trong tập đoàn gọi là “người truyền lửa” đấy!”.

Quả vậy, suốt gần 2 giờ trao đổi, những câu chuyện về con đường và triết lý kinh doanh, về khát khao khẳng định và cống hiến của ông Đỗ Minh Phú khiến tôi bị chinh phục.

Chợt nghĩ, mong muốn xây dựng lực lượng “doanh nghiệp dân tộc” lớn mạnh như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhắc tới, chắc chắn sẽ trở thành sự thật khi đất nước có những doanh nhân đầy nhiệt huyết và bản lĩnh như vậy.

Sinh năm 1952, tuổi Nhâm Thìn, xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh, nhưng thời đi học, cậu học trò Đỗ Minh Phú lại ấp ủ hoài bão khác. Học giỏi, khi tốt nghiệp phổ thông Đỗ Minh Phú đạt đủ điểm đi học nước ngoài.

Phú dự tính sẽ chọn học ngành đóng tàu hoặc khai thác mỏ ở Liên Xô (cũ) hoặc một nước Đông Âu. Nhưng vì một sự nhầm lẫn, danh sách cử sinh viên học nước ngoài lại thiếu tên Đỗ Minh Phú. Để bù đắp sai sót này, đích thân ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thời bấy giờ gọi ông lên, viết giấy cho phép chọn bất cứ khoa nào của Trường Đại học Bách khoa.

Phú đã chọn nơi tuyển điểm cao nhất, “hot” nhất là khoa vô tuyến điện tử. Ra trường, Đỗ Minh Phú về làm công tác xử lý ảnh vệ tinh chụp mặt đất, phục vụ công tác điều tra thăm dò tài nguyên, biến đổi khí tượng tại Viện Khoa học Việt Nam.

Cuối năm 1988, với chủ trương đổi mới kinh tế của đất nước, nhìn thấy khả năng kinh doanh tiềm ẩn của Đỗ Minh Phú, GS. Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam lúc đó, đã giới thiệu Đỗ Minh Phú sang làm giám đốc một công ty nước ngoài. 2 năm sau, ông Phú lại chuyển về làm phó giám đốc một công ty trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam.

Thời điểm đó, nhiều thương nhân nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu về nguồn đá quý. Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực này, Viện Khoa học Việt Nam đã liên kết với đối tác lập công ty liên doanh đá quý.

Cũng theo gợi ý của GS. Nguyễn Văn Hiệu, Đỗ Minh Phú được cử làm Tổng giám đốc Công ty liên doanh Kỹ nghệ đá quý Việt Nam. “Thuở ấy tôi đeo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, nhưng do sự phân công, tiến cử, nghiệp kinh doanh đến với tôi như mối duyên. Bây giờ nhìn lại, tôi cảm ơn nghề vì đã chọn mình” - ông Đỗ Minh Phú chia sẻ.

Bỏ chỗ “ngon”, tìm nơi “chát”

Thời gian làm việc ở công ty liên doanh đã tạo cơ hội cho ông Phú bén duyên với đá quý. Nhưng cũng từ đây đã khiến ông đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp. Năm 1994, Đỗ Minh Phú khiến nhiều người ngạc nhiên khi rời khỏi chức tổng giám đốc công ty liên doanh lương 300USD/tháng để cùng một nhóm cộng sự thành lập Công ty TNHH Phát triển công nghệ và Thương mại TTD của riêng mình.

Hẳn những ai từng sống thời đó đều nhớ, dù kinh tế đất nước đã khởi sắc, nhưng mức lương hàng trăm USD vẫn “khủng” và là điều mơ ước của nhiều người. Vì thế, việc rời bỏ một vị trí “ngon lành” như vậy của ông Đỗ Minh Phú để lập một công ty tư nhân được cho là quá mạo hiểm. Nhất là khi ấy, vẫn còn quan niệm phải làm việc trong cơ quan nhà nước hay liên doanh mới được trọng vọng.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm DOJI. 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm DOJI. 

Ông Phú kể: “Thời gian làm việc ở công ty liên doanh, tôi cảm thấy cơ chế đó, cách làm việc đó không hợp với mình, khá gò bó và thiếu công bằng”. Khi đó, vị phó tổng giám đốc người Hoa Kỳ của liên doanh được hưởng lương 6.600USD/tháng, được xe đưa đón và có chế độ nhà ở.

Trong khi đó, Đỗ Minh Phú - người đứng đầu liên doanh - chỉ được nhận thù lao tổng cộng 550USD, sau khi nộp về cho nhà nước chỉ còn 300USD/tháng, chỉ bằng 1/20 lần lương cấp phó của mình. “Mức lương không phải là điều khiến tôi suy nghĩ. Vấn đề ở chỗ tôi nhận ra người Việt Nam có thể làm việc tốt hơn các chuyên gia nước ngoài, nhất là về xử lý đá quý”. Vì thế, ông Phú nghĩ rằng cách tốt nhất là tự làm, thay vì phải liên doanh.

- Phải chăng ông làm vậy là do sự tự tôn dân tộc? - tôi thắc mắc.

- Thực ra tôi chỉ nghĩ đơn giản là người nước ngoài làm được, tại sao người Việt lại không làm được? Sau này, khi những sản phẩm do mình làm ra được khách hàng quốc tế công nhận và thích thú, tôi mới hiểu dòng máu Lạc Hồng vẫn đang cuộn chảy trong mình - ông Đỗ Minh Phú tự hào.

Dù xuất phát điểm thấp, nhưng sau này sự phát triển của TTD đã chứng minh quyết định của ông Phú là sáng suốt và đúng đắn. Giai đoạn đầu chèo lái TTD, mặc dù vấp phải nhiều khó khăn, nhưng kết quả quan trọng nhất Đỗ Minh Phú thu được - như ông nói - là “nuôi dưỡng được tinh thần tự lập”.

Đó cũng chính là bệ phóng để nghiệp kinh doanh của doanh nhân Đỗ Minh Phú phát triển mạnh mẽ về sau. Năm 1996, khi ở Việt Nam tìm ra nguồn đá quý đặc biệt là Ruby Sao tại Yên Bái, ông Phú và các đồng sự ở TTD đã mạnh dạn đưa sản phẩm này ra thị trường quốc tế và đã xác lập một thương hiệu đá quý Việt Nam (VSR - ký hiệu quốc tế cho dòng đá quý Ruby Sao).

Mối duyên vàng

Không như nhiều doanh nhân thành đạt khác, ông Đỗ Minh Phú hoàn toàn không có những thú vui thường thấy như chơi golf, tennis..., vì quá bận rộn. Cách giải trí duy nhất của ông là xem quảng cáo trên tivi, nhưng không phải vì thích những âm thanh, hình ảnh vui nhộn, mà để học hỏi kinh nghiệm marketing, quảng bá hình ảnh.

Thậm chí, ngay khi ăn ở nhà hàng hoặc xem nhạc kịch, ông cũng luôn quan sát học hỏi về cách tổ chức, bài trí để có thể áp dụng vào công việc liên quan của Doji. Nhiều người băn khoăn, nếu không có giải trí, thư giãn thì ông tái tạo sức lao động và sáng tạo thế nào? Đỗ Minh Phú giải thích, thú vui của ông là công việc. Nếu công việc được hoàn thành tốt, cảm xúc thăng hoa của thành công sẽ giúp ông không còn mệt mỏi.

Doanh nhân tuổi Thìn - Mối duyên vàng ảnh 3Năm 2012, dự báo hoạt động kinh doanh vàng miếng trở nên khó khăn khi Nhà nước siết chặt quản lý, mặt hàng vàng miếng sẽ do NHNN độc quyền sản xuất. Tôi cho rằng điều này là cần thiết. Vàng miếng là một nhân tố tạo sự đột phá trong kinh doanh của Doji, nhưng kinh doanh mặt hàng này doanh số lớn nhưng lợi nhuận biên rất thấp, chưa kể rủi ro bởi sự bấp bênh của giá vàng. Vì thế, vẫn phải có những hoạt động kinh doanh khác bổ trợ cho vàng miếng. Chính hoạt động kinh doanh trang sức của Doji, kết hợp với vàng và đá quý mới tạo nên một thế trận liên hoàn, làm nên sức mạnh của chúng tôi.
Doanh nhân tuổi Thìn - Mối duyên vàng ảnh 4

Ông ĐỖ MINH PHÚ,
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji

Bước đầu đạt được thành công với đá quý, nhưng Đỗ Minh Phú vẫn luôn trăn trở trước vấn đề đá quý đẹp và tiềm năng rất lớn, nhưng khó phát triển ở thị trường nội địa. Vì thế, ông ấp ủ ý tưởng mang tính chiến lược là xây dựng những trung tâm vàng bạc đá quý, trang sức lớn.

Lặng lẽ chuẩn bị nhiều năm và đột phá trong sự nghiệp đã đến với Đỗ Minh Phú vào năm 2004, khi ông dồn hết mọi nguồn lực xây dựng một trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý, mang tên Ruby Plaza tại Hà Nội. Cùng thời điểm đó, TTD tập trung đầu tư sản xuất hàng trang sức, bắt đầu từ những cơ sở nhỏ.

Mối duyên thực sự với vàng của vị doanh nhân tuổi Thìn đầy khát vọng được chắp nối khi Ruby Plaza chính thức đi vào hoạt động vào năm 2007. Thời điểm này TTD được đổi tên thành Doji và tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn. Đó cũng là lúc ông Phú nhìn thấy tiềm năng của thị trường vàng, mà đồ trang sức chỉ là một phân khúc.

Cũng đúng thời điểm đó, khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Thay vì thoái vốn như những nhà đầu tư khác, ông Đỗ Minh Phú cho rằng "khó khăn chính là cơ hội" và nhanh tay thâu tóm những công ty kinh doanh vàng như SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty Đá quý và Vàng Yên Bái.

Bước chân vào thị trường vàng khá muộn so với đồng nghiệp, nhưng chỉ trong ít năm, kinh doanh vàng đã giúp cho doanh thu của Doji từ hơn 1.000 tỷ đồng năm 2007 lên trên 20.000 tỷ đồng vào năm 2010. Chỉ trong khoảng 4 năm qua, từ chỗ là một tên tuổi mới Doji đã trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng hàng đầu Việt Nam.

- Lâu nay, quan niệm của người Á Đông cho rằng con rồng thường gắn với màu vàng, màu của quyền quý, giàu sang. Ông có nghĩ mình sinh nhằm năm Nhâm Thìn, tuổi con Rồng nên có cơ duyên với nghiệp kinh doanh vàng? - tôi chợt hỏi.

- Kinh doanh vàng là đối mặt với rủi ro và đòi hỏi sự quyết đoán. Tôi nghĩ có lẽ vì người tuổi Thìn có sự mạnh mẽ, nhạy bén và quyết đoán, nên có khả năng thành công trong lĩnh vực này - Và ông Phú kể cho tôi nghe về nhiều doanh nhân, nhà chính trị tuổi Thìn thành đạt, mà theo ông đều là những người có ý chí và tính cách mạnh mẽ, dám đương đầu với khó khăn để thành công. 

Các tin khác