Độc đáo lộc bình

Từ những khúc gỗ vô tri, qua bàn tay tài hoa của người thợ mỹ nghệ, những tác phẩm lộc bình dần dần được hình thành với những nét tinh tế và đẹp lạ lùng. Khắp từ vùng rừng núi Bù Đốp, Bù Gia Mập cho tới Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những người thợ làm lục bình như vậy.

Từ những khúc gỗ vô tri, qua bàn tay tài hoa của người thợ mỹ nghệ, những tác phẩm lộc bình dần dần được hình thành với những nét tinh tế và đẹp lạ lùng. Khắp từ vùng rừng núi Bù Đốp, Bù Gia Mập cho tới Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những người thợ làm lục bình như vậy.

Vẻ đẹp sự giản đơn

Mặc dù chưa có một làng nghề quy hoạch tất cả xưởng mộc ở trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhưng với hàng trăm cơ sở khác nhau, những người thợ tài hoa gắn bó với nghề, nghề làm mộc đặc biệt là đẽo lộc bình từ lâu đã được coi là một nghề truyền thống ở nơi đây. Hàng năm có hàng trăm ngàn sản phẩm được tạo bôn ba khắp nẻo thị trường. Đến xưởng mộc của anh Hai Thành, 43 tuổi ở Bù Nho (thị xã Phước Long), chúng tôi bắt gặp anh đang nhễ nhại mồ hôi bên chiếc máy gọt chạy xè xè.

Nghỉ tay một chút, anh Hai kể: Nhà anh ở xã Long Hà bên cạnh nhưng từ hồi lấy vợ chuyển qua bên này để sinh sống và làm ăn. Sẵn có nghề làm mộc từ lúc trẻ, anh mở một cơ sở làm đồ gỗ mỹ nghệ. Ban đầu, cũng làm một số sản phẩm thông thường như bàn, ghế, giường, tủ… nhưng cách đây chừng chục năm, khi thấy thú vui chơi đồ gỗ lộc bình nở rộ, anh chuyển sang chuyên làm lộc bình. Các sản phẩm ở đây có đủ loại chất liệu từ gỗ xà cừ, gỗ thông cho tới căm xe, kền kền, trầm…

 Anh Hai Thành đang miệt mài với công việc của mình.

Anh Hai Thành đang miệt mài với công việc của mình. 

Nhìn căn nhà đơn sơ nằm ngay mặt đường tỉnh lộ nối từ Phước Long qua Lộc Ninh, chúng tôi thấy hàng trăm chiếc lộc bình đã hoàn thành hoặc vẫn còn đang dang dở với đủ loại kích cỡ. Màu sắc của sản phẩm khá phong phú nhưng vẫn giữ màu nền nguyên bản của gỗ, điển hình là những đường vân, thớ gỗ vẫn in hằn sau những tạo tác của bàn tay con người. Vừa giới thiệu sản phẩm anh Hai Thành vừa giải thích cho tôi, những người chơi lộc bình sản phẩm phải có đôi, có cặp, như sự hòa hợp âm dương, trời đất.

Ngoài mẫu mã lộc bình, chất liệu gỗ cũng là vấn đề khách hàng quan tâm. Hiện nay, do gỗ tự nhiên khá khan hiếm và phần nhiều phải nhập từ bên kia biên giới nên giá thường khá cao. Kể về kỹ thuật làm lộc bình, anh Hai Thành vui vẻ cho biết: “Ban đầu nhìn vào, tưởng lộc bình là dạng đồ mỹ nghệ sơ sài, dễ chế tác nhưng thực sự không phải như vậy. Với đồ mỹ nghệ cái gì càng đơn giản càng khó để làm cho đẹp, có hồn, thu hút được thẩm mỹ khách hàng.

Lộc bình cũng vậy. Để tìm được nguyên liệu làm một cặp lộc bình đồng nhất rất nan giải do gỗ tự nhiên thường nhiều hình thù khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tạo tác cặp lộc bình đó. Bên cạnh kỹ thuật đục đẽo, cưa mài bình thường, người làm lộc bình cần phải kiên trì và nhẫn nại bởi không như nhiều đồ mỹ nghệ khác, lộc bình càng mài kỹ càng bóng đẹp”.

Bên cạnh những mô thức lộc bình cũ, ngày nay người nghệ nhân ở Bình Phước còn sáng tạo thêm nhiều loại lộc bình độc đáo, phục vụ nhu cầu thay đổi của cuộc sống. Theo đó, những cặp lục bình có khảm trai, khắc chữ, khắc tranh, họa tiết… được làm ra theo nhu cầu thị trường. Theo anh Thành, đa phần những kiểu lộc bình mới do khách hàng ở TPHCM, Thủ Dầu Một, Biên Hòa… đặt làm. Để chế tác những sản phẩm này đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, tay nghề và độ thẩm mỹ, nếu không lộc bình làm ra trông rất vô hồn.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Tại một cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ khác ở ngã tư Chơn Thành (huyện Hớn Quản) bác Đặng Văn Thái, 52 tuổi, đang chăm chú tìm cặp lộc bình để mua. Bác Thái cho biết, mới sửa lại căn nhà nên muốn mua một cặp lộc bình gỗ trầm về trưng vừa để tỏa hương thơm. Giá những cặp lộc bình như vậy khá cao, loại 0,8-1m giá 4,2 triệu đồng, còn loại cao 1,5m giá lên đến 5,5 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay rất khó tìm được những cặp lộc bình như thế bằng nguyên liệu gỗ ưa thích.

Thế nhưng, với những người đam mê lộc bình, sản phẩm càng hiếm, càng quý lại càng kích thích sự tò mò. Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều loại lộc bình làm từ gỗ quý đang rất được khách hàng chuộng mua. Một thú chơi khác không kém phần độc đáo là săn tìm những cặp lộc bình theo tuổi của gỗ. Họ săn lùng những cặp lộc bình làm từ những gốc cây cổ thụ, có tuổi đời hàng trăm năm. Từ những gốc gỗ to xù xì để chế tác thành những chiếc lộc bình thon nhỏ, nhẵn mịn, tinh tế cần một kỳ công.

Dù chỉ là những loài gỗ thường như xà cừ, găng… nhưng nếu nghệ nhân nào làm thành những cặp lộc bình đẹp, giá cũng rất cao. Những chiếc lộc bình này thường có nhiều đường vân, hoa văn của gỗ trên bề mặt. Có những gốc gỗ cổ thụ, đường vân hàng trăm sợi chỉ mảnh, như đám mây cuồn cuộn bao quanh thân chiếc lộc bình. Đặc biệt, nếu lộc bình kiểu này có cả một đôi, tìm được 2 gốc gỗ tương đương nhau, giá bán có thể lên đến vài chục triệu, nhưng vẫn có nhiều khách hàng đặc biệt đam mê.

Theo một thợ làm lộc bình lâu năm ở thị trấn Chơn Thành, hiện nay ngoài những cặp lộc bình bằng gỗ có kích thước lớn trang trí ở phòng khách, đại sảnh, phòng họp, trụ sở công ty… nhiều khách hàng tìm mua lộc bé nhỏ, kích cỡ như chiếc lọ hoa để đặt trên bàn làm việc, góc tủ, kệ sách. Đây là xu hướng chơi lộc bình mới, chủ yếu của giới trẻ ở thành phố.

Dường như, chỉ đến khi chứng kiến những người thợ tỉ mẩn, miệt mài làm những chiếc lộc bình, chúng tôi mới thấy hết giá trị của nó. Sản phẩm làm ra không đơn giản chỉ là đồ vật trang trí của cuộc sống mà còn gửi gắm về niềm tin vào cuộc sống của những người thợ. Đó chính là sự khác biệt để những người am hiểu, đam mê những chiếc lộc bình phân biệt với những sản phẩm được làm từ gỗ ép bởi máy móc vô tri.

Các tin khác