(ĐTTCO)-Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Đảng về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đã và đang tạo lên diện mạo nông thôn mới của Hà Nội, với những cánh đồng lớn thẳng cánh cò bay, hệ thống thủy lợi nội đồng hiện đại, những con đường liên thôn liên xóm được bê tông hóa, những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia...
Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính, cái được lớn nhất của Hà Nội là phát triển toàn diện về nhiều mặt, trong đó đáng chú ý là kinh tế tăng trưởng cao và thu nhập bình quân của người dân tăng khá.
Từ những băn khoăn
Theo Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh có hiệu lực từ ngày 1/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được nhập về Hà Nội.
Từ diện tích gần 1.000 km2 và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích 3.324,92 km2 và dân số trên 6,2 triệu người với 29 đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm 10 quận, 19 huyện, 1 thị xã).
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tây khi đó, ông Bùi Xuân Hộ thẳng thắn: "Người dân băn khoăn nhất là về Hà Nội liệu có được lâu không? Đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc của tỉnh lo lắng sau khi sáp nhập, liệu có được chính quyền quan tâm sâu sát không?"
Ngoài ra, không ít ý kiến của các nhà văn hóa, kiến trúc, người dân cũng bày tỏ sự lo lắng về sự xô lệch văn hóa xứ Đoài, phá vỡ không gian làng... khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội. Và ngược lại là sự xô lệch của văn hóa Hà Thành...
Vấn đề đặt ra cho lãnh đạo Hà Nội lúc bấy giờ là cần có chính sách, chế độ ưu đãi, đầu tư sao cho phù hợp với văn hóa xứ Đoài và phát triển được các vùng ngoại thành theo kịp với vùng nội thành.
Việc triển khai thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU ngày 29/8/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XV) về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân, giai đoạn 2011-2015" được Hà Nội triển khai rất quyết liệt với sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị.
Ông Hồ Quang Lợi, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, những kết quả từ xây dựng nông thôn mới đem lại cho người dân đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện có hiệu quả Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đã giúp người dân có cuộc sống đủ đầy hơn, giúp nông thôn có sự đổi mới và phát triển bền vững hơn.
Để hoàn thành nhiệm vụ, các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung thực hiện một cách chủ động, đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo. Đặc biệt, trong triển khai xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, cá nhân giỏi làm giàu trên địa bàn.
Đầu tư nguồn lực "khổng lồ"
Sau 7 năm mở rộng địa giới hành chính, ông Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá: Kinh tế Thủ đô tăng trưởng theo hướng tích cực, GDP chiếm hơn 10% cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân cả năm đạt 9,5%, cao hơn 1,5 lần mức bình quân cả nước, thu nhập bình quân của người dân nông thôn hiện nay tăng gấp 2,6 lần so với năm 2008...
Hằng năm, Hà Nội đã dành nguồn lực "khổng lồ," chiếm lớn nhất trong các lĩnh vực với tối thiểu 35%, tương đương hàng chục ngàn tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; trong đó đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp từ 6-8%. Đó là đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Phú Xuyên (hơn 216 tỷ đồng), công trình xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống (hơn 238 tỷ đồng), các trạm cung cấp nước sạch tập trung ở các huyện...
Ngoài ra, các huyện còn huy động các nguồn lực trong dân xây dựng hạ tầng phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập, củng cố hợp tác xã, phát triển nông nghiệp hàng hóa... Đến nay, tất cả các trạm y tế xã đều có bác sỹ, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch tăng lên gần 92% và 100% xã có đường ô tô đến trụ sở xã, đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa...
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 2,89%. Một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thường Tín, Phúc Thọ... Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn thành phố trên 30 triệu đồng/người/năm. Nhiều địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức trên như huyện Đông Anh, Thanh Trì...
Để có được thành công trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã tạo được sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền trong công tác dồn điền đổi thửa. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt nhận định: "Đất đai là vấn đề nhạy cảm, rất khó để chia, chia làm sao cho công bằng và được người dân chấp nhận. Muốn làm được điều đó, trước hết cán bộ chính quyền địa phương phải tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dồn điền đổi thửa. Bên cạnh đó, cán bộ chính quyền địa phương phải gương mẫu đi đầu trong công việc này, nhất là phải cương quyết, quyết liệt không né tránh cả nể. Cuối cùng, mô hình nào làm tốt cần nhân rộng để các địa phương khác cùng học hỏi, rút kinh nghiệm."
Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cho biết, Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình chuyên canh, vùng sản xuất lớn tập trung, không ít nơi thu lãi hàng tỷ đồng. Thời gian tới, Hà Nội chọn khâu đột phá là dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho các hộ đầu tư vốn, cơ giới hóa để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hiện nay, thách thức lớn nhất của Hà Nội là có vùng nông nghiệp rộng lớn, vẫn còn khoảng cách chênh lệch về nguồn thu giữa nội thành và ngoại thành. Trong khi đó ở ngoại thành, đa số nông dân vẫn sống dựa vào nông nghiệp là chủ yếu.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng đến khâu đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ cơ sở; đồng thời sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn theo mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh.