25 năm qua, sau khi được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Tĩnh phát hiện trong những cánh rừng sâu giữa đại ngàn và các hang đá ở dãy Trường Sơn, đưa về hòa nhập với thế giới văn minh, đồng bào người dân tộc Chứt (ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê), đến nay tuy vẫn còn không ít phong tục mang tính tự nhiên, hoang dã nhưng cũng bắt đầu có nhiều sự đổi mới ngoạn mục.
Bộ đội Biên phòng tặng quà cưới cô dâu Hồ Thanh Mai và chú rể Lê Xuân Công |
Hai đám cưới “lịch sử”
25 năm qua, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh cùng với BĐBP luôn đau đáu phải làm sao xóa bỏ được tình trạng hôn nhân cận huyết thống (con anh em, con chú bác, con cô cậu, con dì dượng… lấy nhau) trong cộng đồng người dân tộc Chứt. Đã có rất nhiều chính sách tuyên truyền, hỗ trợ song vẫn không hiệu quả, khiến người Chứt đối mặt với nguy cơ suy thoái giống nòi, con cái sinh ra bị dị dạng, dị tật, chết non... Năm 2015, thực sự là năm đánh dấu bước ngoặt kỳ diệu đối với người dân tộc Chứt khi lần đầu tiên trong cộng đồng có hai thiếu nữ người Chứt kết hôn với hai chàng trai người Kinh. Đám cưới của họ được mọi người gọi là sự kiện lịch sử.
Ngày 7-4-2015, Hồ Thanh Mai (23 tuổi, sơn nữ dân tộc Chứt, trú tại bản Rào Tre, xã Hương Liên) và Lê Xuân Công (23 tuổi, người Kinh, trú tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê) được BĐBP Hà Tĩnh, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức đám cưới sau 4 năm yêu nhau. Công sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ ly hôn khi Công mới 2 tuổi. Năm 2009, Công nhập ngũ tại Đồn Biên phòng Bản Giàng, thuộc BĐBP Hà Tĩnh. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về xã Phúc Đồng sống với mẹ. Còn Mai là chị cả trong gia đình có 4 chị em và là một trong số rất ít thiếu nữ ở bản Rào Tre học đến lớp 11 tại Trường Nội trú ở thị trấn Hương Khê.
Câu chuyện tình của Công và Mai bắt đầu từ năm 2011, khi đó Công đang là chiến sĩ BĐBP tham gia đêm giao lưu thắm tình quân dân tại bản Rào Tre do Đồn Biên phòng Bản Giàng phối hợp với xã Hương Liên tổ chức. Tại đây, Công gặp và đem lòng yêu thương Mai. Gia đình Công lúc đầu phản đối kịch liệt nhưng tình yêu chân thành giữa đôi trai gái cùng sự kiên trì làm “cầu nối” của các cán bộ Đồn Biên phòng Bản Giàng, cuối cùng đã thuyết phục được mọi người chấp nhận.
Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác BĐBP cắm bản Rào Tre, cho biết: “Đây là đám cưới lịch sử, khi lần đầu tiên cô dâu là thiếu nữ dân tộc Chứt, còn chú rể là chàng trai khác làng và lại là người Kinh. Chuyện tình của Công và Mai được coi như chuyện cổ tích kỳ diệu giữa đại ngàn. Sau bao thành kiến, ngăn cản cuối cùng hai em cũng đến được với nhau”.
Năm tháng sau, ngày 30-9, cũng tại bản Rào Tre, thêm một đám cưới “lịch sử” nữa được BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Đó là lễ thành hôn của cô dâu người dân tộc Chứt Hồ Thị Mỹ Duyên (20 tuổi) và chàng rể người Kinh Nguyễn Đình Nhân (20 tuổi). Tại lễ cưới, Nhân và Duyên đã nhận được những lời chúc mừng hạnh phúc và nhiều món quà có ý nghĩa. Trong đó có tiền mừng 30 triệu đồng của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Riêng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh, Đồn Biên phòng Bản Giàng, các cơ quan đoàn thể địa phương cũng tặng hai em tiền và quà trị giá trên 10 triệu đồng.
Không giấu được sự xúc động, Trung tá Dương Thanh Tịnh (người đã mấy chục năm qua được ví như người thân của đồng bào dân tộc Chứt) chia sẻ: “Đây không chỉ là niềm vui riêng của gia đình Công và Mai, Nhân và Duyên nữa mà còn là ngày đại hỷ của cả bản Rào Tre. Hiện đã có thêm một chàng trai người Kinh tên Nguyễn Văn Tiệp (24 tuổi) đang hẹn hò với một cô gái người Chứt là Hồ Thị Bình Xuân (22 tuổi), dự kiến đám cưới sẽ tổ chức vào năm 2016. Hy vọng tương lai không xa, hôn nhân cận huyết thống ở bản Rào Tre không còn nữa. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cũng dự kiến mở con đường dài hơn 15km, nối bản làng người Chứt ở Rào Tre với người Chứt ở tỉnh Quảng Bình. Khi có sự giao lưu thì người Chứt ở bản Rào Tre sẽ kiếm vợ, kiếm chồng dễ dàng hơn.
Tự tin làm kinh tế
Hơn 2 năm về trước, vào đầu tháng 7-2013, chúng tôi về bản Rào Tre dự lễ khánh thành công trình Trạm xá quân dân y Rào Tre, do Công ty Pepsico Việt Nam tài trợ hơn 500 triệu đồng thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức. Khi đó, chúng tôi chứng kiến trong cộng đồng người Chứt vẫn còn rất nhiều tập tục lạc hậu, cuộc sống khi đó chủ yếu dựa vào BĐBP Hà Tĩnh, từ chỗ ở đến cái ăn, khám chữa bệnh, chăn nuôi, trồng trọt… Thế nhưng, cuối tháng 9-2015, khi chúng tôi trở lại nơi đây thì đã có nhiều đổi thay rõ rệt.
Khu đất rừng hơn 3,2ha dưới chân dãy núi Cà Đay, phía sau 38 nóc nhà của 137 nhân khẩu người Chứt mấy năm trước còn bỏ hoang, nhưng nay trên mảnh đất ấy đã có hơn 1.500 gốc cây chuối cao sản (giống chuối lấy ở tỉnh Lào Cai) cùng với cây gió trầm, keo tràm, mít, sắn, bắp… xanh mướt. Cánh đồng bên cạnh thượng nguồn dòng sông Ngàn Sâu đang bước vào vụ thu hoạch lúa mùa, ruộng nhà nào cũng nặng trĩu hạt chín vàng. Đang hì hục vác bó tre nứa vừa chặt trong rừng về để làm dây thừng buộc lúa, anh Hồ Hải (33 tuổi) phấn khởi khoe: “Mấy năm trước, nhờ có BĐBP động viên, hướng dẫn nên bà con dân bản mới biết sơ khai việc cày cấy, trồng lúa, bón phân... Còn nay bà con đã có thể tự làm thành thạo rồi. Mùa lúa ni, nhà mình thu hoạch được nhiều hạt chắc lắm”.
Cạnh đó, ông Hồ Nam (50 tuổi) cũng vừa đi gặt lúa ngoài đồng về, trước sân nhà lúa được cột chặt từng bó lớn chất thành đống, hạt nặng trĩu. Ông hào hứng dẫn chúng tôi đi ra phía góc vườn - nơi có chuồng heo mới xây dựng, khoe trong chuồng có 5 con heo béo tốt đang chuẩn bị xuất bán. “Nhà mình được cán bộ biên phòng và đoàn thể hướng dẫn xây dựng chuồng trại sạch để nuôi đàn heo từ đầu năm 2015, trong tháng 5 vừa rồi đã xuất bán 5 con heo lứa đầu tiên được nhiều tiền lắm. Còn 5 con heo này cũng chuẩn bị bán được rồi. Cuộc sống của nhà mình và bà con dân bản đã khá lên nhiều rồi, trong nhà có lúa, có heo, trâu… Tất cả đều nhờ có cán bộ biên phòng và chính quyền hỗ trợ”, ông Hồ Nam vui vẻ nói.
Không chỉ bắt đầu biết tự tích lũy kinh tế từ việc sản xuất lúa, nuôi heo, trâu, gà, trồng cây, rau màu… mới đây, gần 40 người Chứt còn được tham gia khóa học nghề mây tre đan truyền thống. Dự kiến sau thời gian 2 tháng học, người Chứt sẽ tự sản xuất được các mặt hàng phục vụ sinh hoạt gia đình như, rổ, rá, nong, nia, thúng, chổi đót... và các sản phẩm này sẽ được trường trung cấp nghề bao tiêu theo giá thị trường, như vậy người Chứt sẽ có thêm công ăn việc làm tại chỗ, xóa đói giảm nghèo…
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy - bác sĩ Nguyễn Nam Giang (người đã hơn 4 năm gắn bó với bản Rào Tre) cho biết, trước đây người Chứt sống trong rừng, sau khi đưa về bản nhưng nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn được duy trì, nhất là khi có bệnh đều chỉ tin vào thầy mo, chữa bệnh bằng lá cây rừng. Từ khi có BĐBP, đặc biệt nhờ có Trạm xá quân dân y Rào Tre, đã tạo ra bước ngoặt, giúp khám chữa bệnh hiệu quả cho người Chứt nên họ dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu... Tại trạm xá, bình quân mỗi tháng có 300 lượt người đến khám và điều trị, không chỉ có người Chứt mà còn cả người Kinh ở xã Hương Liên, Hương Lâm…
|