Từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều tập đoàn công nghệ lớn quan tâm và đang chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực về thu hút đầu tư.
Kết quả này không chỉ khẳng định môi trường kinh doanh có nhiều điểm tương đối hấp dẫn, mà Việt Nam được lựa chọn trở thành địa chỉ mới trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của các quốc gia, các tập đoàn, DN hàng đầu thế giới. Một số tập đoàn tuy chưa đầu tư trực tiếp, nhưng đã hướng đến khu vực sản xuất của Việt Nam để đặt hàng cung ứng nguyên liệu, thiết bị đầu vào cho sản xuất, như Apple, Amazon.
Trong giai đoạn từ 2021-2023, có 63% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sử dụng công nghệ ở mức độ trung bình. Dự báo trong những năm tới, có 94% DN FDI dự định áp dụng công nghệ từ thấp đến rất cao.
Do đó, khi tìm kiếm đối tác ở Việt Nam, mức độ đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ hiện đại luôn là yếu tố hàng đầu. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng, liên kết theo hướng R&D (nghiên cứu và phát triển) để tạo ra những công nghệ và giải pháp mới, chất lượng cao. Đây cũng chính là cơ hội để DN Việt Nam phát triển bền vững.
Tuy nhiên, xu thế coi Việt Nam là điểm đến sản xuất, DN FDI xét ở cả 3 góc độ vĩ mô và vi mô. Nhìn ở góc độ các chỉ số so sánh, chúng ta thấy mức độ phức tạp của nền kinh tế Việt Nam nói chung chưa cao. Từ nền kinh tế có mức độ phức tạp được đánh giá yếu từ 10 năm trước, đến nay mức độ này được cải thiện, nâng lên xếp hạng trung bình. Song mức độ đánh giá này vẫn còn chưa bằng các nước có trình độ tương đồng trong khu vực.
Mức độ phức tạp của nền kinh tế được quy định bởi trình độ công nghệ, đổi mới công nghệ trong các DN, nhất là các DN nội địa, nhưng hiện nay tỷ trọng này tại các DN còn thấp. Giá trị tăng thêm trong các ngành công nghiệp, đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến chế tạo đòi hỏi trình độ cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng còn thấp.
Thí dụ, ngành dệt may phần giá trị tăng thêm có thể đạt được 50%, nhưng ngành điện tử, máy móc thiết bị lại chưa đạt được con số như vậy. Những ngành sản xuất công nghệ cao, thiết bị thông minh chỉ đâu đó tham gia được khoảng 10%, đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu từ các nước Đông Bắc Á, Trung Quốc phục vụ cho lắp ráp, chế tạo và xuất khẩu.
Thực trạng trên cho thấy, dù có cơ hội nhưng việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của DN Việt còn gặp không ít thách thức. Chúng ta có lợi thế về nguồn nhân lực, nhưng chủ yếu bị các DN FDI thu hút. Chưa kể, cơ sở vật chất của các DN nội địa cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, bao gồm nhà xưởng, kho hàng, thiết bị máy móc, công nghệ cao và phương tiện vận chuyển.
Một số DN gặp khó khăn với các tiêu chuẩn về xử lý chất thải môi trường, đặc biệt là DN quy mô nhỏ không thể đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải hiện đại. Chúng ta đã có quỹ hỗ trợ tín dụng dành cho các DN vừa và nhỏ tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ, nhưng quy mô tín dụng chưa lớn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của DN còn gặp không ít khó khăn.
Thực tế, theo phản ánh của DN, họ thường mất rất nhiều thời gian để thực hiện hồ sơ tiếp cận vốn tín dụng từ nguồn quỹ. Qua nghiên cứu, có thể nhận thấy, cần phải đổi mới thủ tục này để hỗ trợ DN tham gia chuỗi hiệu quả hơn, từ đó tạo nguồn lực “ra tấm ra món” để DN đầu tư đổi mới công nghệ, đáp ứng các điều kiện của nhà sản xuất lớn mới có thể tham gia chuỗi cung ứng.
Tiếp tục cải cách thủ tục, phê duyệt hồ sơ nhanh, kịp thời là cần thiết bởi đơn đặt hàng của DN FDI thường yêu cầu đúng hạn, thời gian thực hiện từ 2-3 tháng.