Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn thị trường vàng, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%.
Điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung - cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.
Do đó, NHNN đã điều chỉnh lại giải pháp điều hành nhằm bình ổn lại thị trường kim loại quý này. Thay vì tổ chức đấu thầu, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 NHTM có vốn nhà nước. Các NH này với mạng lưới rộng khắp sẽ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu, sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước với thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Đồng thời, NHNN cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các nhà băng, doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).
Trên thực tế, những chỉ dấu “bất thường” của thị trường vàng trong nước trong thời gian vừa qua, đã được các chuyên gia phân tích và chỉ rõ. Đầu tiên là hiện tượng “té nước theo mưa” khi giá vàng trong nước “nương theo” giá vàng thế giới để tăng. Điều đáng nói là dù “nương theo”, song giá vàng ở thị trường trong nước vẫn có những phiên “lỗi nhịp”, khi giá tăng phi mã bất thường ngay giữa lúc giá vàng thế giới đi ngang hoặc lao dốc.
Tiếp đó, động lực chính để đẩy giá vàng trong nước tăng cao lại không thực sự đến từ quan hệ cung - cầu (cung không thực sự yếu và cầu không thực sự cao). Dẫn chứng, một báo cáo phân tích mới đây của Think Future về thị trường vàng trong nước cho thấy, thời gian chênh lệch giá vàng tăng nhanh bắt đầu từ khoảng năm 2020 cho đến nay.
Còn trong một thời gian dài từ năm 2014-2020 (cũng là thời điểm sau khi các phiên đấu thầu vàng năm 2013 kết thúc), chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới đã không còn chênh lệch nhiều, thậm chí có thời điểm trở về mức 0 (trạng thái cân bằng).
Điều này cho thấy, bên cạnh yếu tố lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng giảm xuống nên người dân tìm đến kênh đầu tư vàng, thì không thể bỏ qua việc xem xét có yếu tố “thao túng, đầu cơ, làm giá”, từ đó tạo ra “sốt” ảo đối với mặt hàng kim loại quý này.
Từ thượng tuần tháng 4 đến nay, NHNN đã áp dụng trở lại giải pháp đấu thầu vàng miếng nhằm “hạ nhiệt” thị trường. Nhưng giải pháp này đã không phát huy mấy tác dụng, thậm chí thị trường tỏ ra “nhờn thuốc” so với thời điểm trước năm 2013. Nói đúng hơn, đấu thầu vàng vào thời điểm hiện nay chỉ mang tính “trị liệu tâm lý” cho thị trường chứ không thể “bình ổn”. Do đó, hôm 27-5, NHNN đã dừng giải pháp đấu thầu vàng miếng.
Giới phân tích nhìn nhận, giải pháp của NHNN đưa ra mới đây kịp thời và phù hợp với thị trường trong bối cảnh hiện tại. Bởi với giải pháp này, NHNN sẽ đạt được cùng lúc 3 mục tiêu quan trọng: tăng tính minh bạch, kiểm soát được các giao dịch vàng, từ đó đánh giá đúng thực chất thị trường vàng hiện nay,; chấm dứt tình trạng đầu cơ vàng khi xác định được cụ thể khách hàng - người mua vàng thực sự là ai, nhu cầu ra sao,; việc bán vàng miếng cho các NHTM được giao, sẽ giúp Nhà nước thu được lợi nhuận từ phần chênh lệch giá, thay vì chảy vào túi của giới đầu cơ tư nhân.
Câu chuyện giới tài phiệt tìm cách lũng đoạn, thao túng thị trường vàng không phải là mới. Thời gian qua, những dấu hiệu thao túng, làm nhiễu loạn giá vàng trong nước đã thể hiện rõ. Hành vi này càng trở nên nguy hiểm hơn khi dự trữ ngoại hối (chủ yếu là đồng USD) đang trở nên cấp thiết hiện nay, là công cụ hữu hiệu để NHNN can thiệp vào tỷ giá, từ đó giúp điều hành tiền tệ sao cho linh hoạt trong bối cảnh thị trường bên ngoài đầy bất ổn.
Rõ ràng, ở khía cạnh nào đó cho thấy, ở đây không còn đơn thuần là câu chuyện kinh tế, mà nó đã ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia (an ninh tiền tệ).
Ngược dòng thời gian, thời kỳ 2011-2013, thị trường vàng trong nước cũng từng rơi vào tình trạng nhiễu loạn, thậm chí mức độ “vàng hóa” trong nền kinh tế khi ấy rất lớn (các ngân hàng lập sàn giao dịch vàng, cho vay mượn vàng chéo nhau...), khiến việc điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều khó khăn.
Năm 2011 được xem là năm của thị trường vàng. Đánh dấu sự bùng nổ của thị trường vàng là ngày 11-2-2011, sau khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá tăng kỷ lục tới 9,3%. Ngay lập tức, vàng bắt đầu bứt phá lên 36 triệu đồng/lượng. Tính chung cả năm 2011, giá vàng tăng 24,09% so với cuối năm 2010.
Cơn “lên đồng” của thị trường vàng trong nước chỉ “hạ nhiệt” khi NHNN buộc phải can thiệp mạnh tay. Một mặt cho phép đấu thầu vàng miếng để bán ra thị trường, mặt khác đề xuất và trình lên Chính phủ ban hành Nghị định 24 để kiểm soát việc nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng.
Cuối cùng, thị trường vàng trong nước thời điểm ấy chỉ thực sự “hạ nhiệt” và “bình ổn” hoàn toàn, khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án Bầu Kiên (doanh nhân Nguyễn Đức Kiên). Chỉ một thời gian ngắn sau khi Bầu Kiên bị bắt, như một “phép màu thần kỳ”, thị trường vàng trong nước ngừng biến động. Tiếp đó, là suốt một thời gian dài trong khoảng 10 năm (2013-2022), các nhà đầu tư dường như ít quan tâm đến thị trường kim loại quý này khi không còn nhận thấy sự hấp dẫn.
Sau 10 năm bình ổn, năm 2023, thị trường vàng trong nước lại mới bắt đầu “dậy sóng”. Và cơn “địa chấn vàng” vẫn đang kéo dài đến thời điểm hiện tại.
Mới đây, NHNN cho biết đang thanh tra 2 ngân hàng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước. Không rõ sau 45 ngày tới, khi có kết quả thanh tra, có đơn vị nào bị phát hiện vi phạm hoặc vị đại gia nhà băng hay doanh nghiệp nào đó bị xử lý hay không, nhưng giới phân tích nhìn nhận, hẳn sau động thái này, giá vàng trong nước sẽ ít nhiều bớt “nhảy múa” và mặt hàng kim loại quý này cũng sẽ sớm trở về với đúng nhịp của thị trường.
Câu chuyện giới tài phiệt tìm cách lũng đoạn, thao túng thị trường vàng không phải là mới. Thời gian qua, những dấu hiệu thao túng, làm nhiễu loạn giá vàng trong nước đã thể hiện rõ. Hành vi này càng trở nên nguy hiểm hơn khi mà dự trữ ngoại hối đang trở nên cấp thiết để bình ổn tỷ giá.