Để duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động DN phải tìm nhiều giải pháp như chuyển đổi mặt hàng, tìm thị trường mới và đẩy mạnh thị trường nội địa. Thế nhưng, “hàng nhà có tiêu thụ trên sân nhà” cũng không hề dễ dàng.
Ráo riết với thị trường nội
Ngành gỗ là một trong những ngành xuất khẩu chịu tác động đầu tiên từ việc sụt giảm đơn hàng từ 2 thị trường lớn là Mỹ và châu Âu. Sau 6 tháng đầu năm tất bật với đơn hàng kín mít thì từ tháng 7 đơn hàng bắt đầu giảm mạnh, thậm chí nhiều đối tác nước ngoài còn đột ngột hủy đơn hàng khi DN đang sản xuất mà không hề báo trước. Điều này đẩy DN vào thế khó, bởi phải duy trì chi phí sản xuất, trả lãi ngân hàng, còn dòng tiền thu về rất chậm. Tìm hướng đi trong lúc khó khăn là điều DN nào cũng phải tính tới.
Trong một cuộc họp của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM hồi cuối tháng 8, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc CTCP XNK hàng Việt (VietProducts) cho biết, thị trường nội địa là đầu ra duy nhất của DN lúc này, công ty đang ráo riết làm lại thị trường “trên sân nhà”. Lợi thế ở thị trường nội là VietProducts đã có sẵn một siêu thị nội thất khá lớn ở thành phố Thủ Đức (TPHCM).
Cùng với gỗ thì dệt may, da giày cũng là 2 ngành hàng xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng từ việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn. Cho công nhân nghỉ việc, giảm giờ làm đang trở thành nỗi ám ảnh của không ít DN. Nhiều DN để duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động, phải tìm kiếm khách hàng ở các thị trường trước đây ít được chú ý như Australia, Canada… và không bỏ qua bất cứ đơn hàng nào dù nhỏ, thậm chí làm không có lợi nhuận. Song hành với tìm kiếm thị trường mới, một vài DN kết nối với nhau sản xuất một số mặt hàng cung ứng cho thị trường nội địa.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho biết, trong 30 năm qua Tổng Công ty May 10 liên tục cho ra đời nhiều nhãn hiệu thời trang công sở cho thị trường nội như May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra. Nay gần như “đứt” với hàng xuất khẩu, May 10 mở rộng thêm các cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý toàn quốc, cũng đang đẩy mạnh kinh doanh online nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa.
Gian nan chiếm thị phần
Một trong những câu nói thường thấy khi nói về thị trường nội đó chính là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ, sức mua lớn, người tiêu dùng chi tiêu ngày càng mạnh tay hơn. Đó có lẽ cũng là lý do khi xuất khẩu gặp khó bài toán quay về thị trường nội địa lại được nhắc đến nhiều. Thế nhưng mọi chuyện liệu có đơn giản như thế?
Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, nghe 100 triệu dân thì đúng là thị trường tiềm năng, nhưng thực tế sức tiêu thụ so với hàng xuất khẩu vẫn hết sức khiêm tốn, các DN dù đẩy mạnh hơn thị trường nội cũng chỉ bù đắp một phần rất nhỏ khó khăn, giúp duy trì việc làm cho người lao động.
Chưa kể người Việt Nam hiện cũng bắt đầu thắt chặt chi tiêu hơn do lo ngại lạm phát, nên sức mua những nhóm ngành không thiết yếu như nội thất, quần áo, giày dép… cũng không quá mạnh. Nhìn lại các DN ráo riết làm lại thị trường nội, cho thấy đa phần là đã từng làm song song cả hai mảng nội địa và xuất khẩu trước đây, chứ nếu thuần xuất khẩu mà nay quay lại thị trường nội không ai làm nổi.
Nguyên do thứ nhất hàng làm cho xuất khẩu và nội địa có mẫu mã, chất liệu, tiêu chuẩn không giống nhau, nên không thể lấy hàng xuất khẩu tồn kho bán cho thị trường nội địa. Điều này dẫn tới khó khăn thứ hai, muốn bán hàng ở thị trường nội phải lựa chọn phân khúc, đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế, tìm hiểu thói quen tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, đầu tư chuỗi cửa hàng, quảng bá… chứ không phải có hàng đưa ra thị trường là bán ngay được. Ngay như May 10 để cho ra mắt thương hiệu thời trang nam Generos, DN này đã có 2 năm chuẩn bị, chứ không phải xuất khẩu khó là quay ngay sang làm thương hiệu trong nước được.
Chưa kể cạnh tranh ở thị trường bán lẻ nội địa cũng hết sức gay gắt. Đơn cử như hàng dệt may trên thị trường hiện có đủ loại thương hiệu trong và ngoài nước, phân khúc nào cũng có từ cao cấp, trung cấp đến giá rẻ. Nhiều thương hiệu thời trang lâu năm trong nước cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại trên sân nhà.
Thực tế đã có một DN dệt may xuất khẩu rất mạnh, vài năm gần đây đẩy mạnh phát triển thị trường nội, đầu tư không ít cho quảng bá thương hiệu thông qua nhiều chương trình, trong đó có cả tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu nhưng rồi sự phát triển cho đến nay cũng còn rất khiêm tốn, thậm chí phải đóng cửa hàng ở vị trí đắc địa trước đó.
Đây là điều mà DN nào cũng nhìn thấy, nên câu nói xuất khẩu khó quay về nội địa chỉ là một cách nói cho suôn, nhưng dường như nhắc rồi để đó. Còn nhớ trong một lần trò truyện với giám đốc một DN xuất khẩu da giày nhiều năm, vị này cho biết mỗi DN có định hướng riêng, những câu nói như đừng bỏ ngỏ thị trường nội địa tiềm năng không phải phù hợp với mọi DN. Do vậy để DN vượt qua giai đoạn khó khăn này cần hơn hết là chính sách từ Nhà nước, chứ không phải cứ khó lại ngó về thị trường nội địa.
Khi thị trường xuất khẩu đang giảm cầu, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ cao lắm 10% khả năng sản xuất của DN xuất khẩu trong nước. Trong tương lai, nếu chúng ta phát triển được giới trung lưu, như Văn kiện Đại hội Đảng là đến năm 2030 trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500USD/năm), mới kỳ vọng mở rộng thị trường nội địa. TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ |