Đón đọc ĐTTC số 240 phát hành thứ hai ngày 8-4

(ĐTTCO) - Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 240 phát hành ngày 8-4 với nhiều chuyên mục:

Bia DTTC- so240-vang.jpg

- Họ đang thăm dò, nghiên cứu, chần chừ…: Sau những cam kết ở mức độ cao nhất cấp Nhà nước và ngoại giao, đại diện nhiều tập đoàn lớn của Mỹ và EU đã đến Việt Nam để tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh. Song dường như các doanh nghiệp “đại bàng” này vẫn đang dừng lại ở mức độ “thăm dò” thị trường chứ chưa vội “đổ bộ”.

- Để phát thải bằng 0 hãy hành động đi: Chưa bao giờ các thông điệp xanh lại nhiều trên truyền thông, các diễn đàn và các nghị trường. Tham gia Hội báo xuân 2024 tại TPHCM, có hơn 1.000 ấn phẩm xuân hầu như các tờ báo đều nói đến “kinh tế xanh”, “xã hội xanh”, “môi trường xanh”… Cóthể nói xanh trở thành tư tưởng chủ đạo, nhất là sau khi Việt Nam cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. (TS. Nguyễn Minh Hòa)

- Tiến lên thành phố xe đạp được không?: Đến nay đã tròn 2 tháng (1-2 đến 1-4), Hà Nội khai trương 2 tuyến đường dành riêng cho xe đạp. Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) Hà Nội gọi là tuyến, nhưng thực tế là một khúc hay một đoạn vì nó quá ngắn. Vì mới khởi đầu nên tạm gọi là dự án thí điểm, nhằm rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng ra, và quan trọng hơn Hà Nội hy vọng sau thí điểm này sẽ đưa xe đạp vào một trong số các loại hình giao thông kết nối với mạng lưới metro, đường sắt trên cao. (Nguyễn Minh)

- Đâu là kẽ hở thiếu an toàn và bền vững khi chỉnh sửa Nghị định 24?: Nghị định 24 (NĐ24) quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhất, mang tính quyết định dẫn đến sự ổn định thị trường vàng, hạn chế “vàng hóa” và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô hơn 12 năm qua. Vậy vì sao phải xem xét chỉnh sửa NĐ24? (GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TPHCM)

- Hãy để cho Nghị định 24 ngủ yên?: Chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng, nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho độc quyền thị trường vàng miếng SJC bằng Nghị định 24/2012 (NĐ24), làm thiếu hụt nguồn cung. Do vậy bỏ độc quyền vàng SJC là điều nên làm, nhưng bỏ độc quyền bằng cách sửa NĐ24, và sửa như thế nào để không gây ra những hệ lụy cho chính sách tỷ giá, cũng như tránh trục lợi từ việc sửa chính sách này, là điều các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cần tính đến. Hãy để cho NĐ24 ngủ yên, vì giá vàng lên xuống tạo chênh lệnh giá trong nước và thế giới sẽ có lúc phải xuống. (TS. Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM)

- Điều chỉnh quy định quản lý thị trường vàng: Bỏ độc quyền, đừng để trục lợi chính sách: Ngày 20-3, trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh lại định hướng quản lý của thị trường vàng: “Bảo đảm quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp nhu cầu thực tế của người dân”. Trong số các biện pháp đề cập đến điều đó, có câu chuyện sửa đổi Nghị định 24/2012 (NĐ24). Thực ra NĐ24 ra đời trong bối cảnh hoạt động huy động và cho vay vàng còn nhiều phức tạp, tỷ giá hối đoái khó lường và áp lực lạm phát cao. Hiện tại tình hình đã khác, nên đã có nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sửa đổi NĐ24 và những giải pháp sắp tới cần hướng vào đâu để đạt được “an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân”? (TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại Học Bristol, Anh)

- Thiếu bóng dáng các “đại bàng”, FDI chưa thể lạc quan: Theo số liệu Tổng cục Thống kê (TCTK), trong quý I-2024, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Đây có thể xem là “điểm sáng” của kinh tế Việt Nam khi dòng vốn đầu tư FDI trên thế giới đang có xu hướng suy giảm do những yếu tố bất định địa chính trị, cũng như sự thay đổi cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, những con số đó vẫn chưa đủ để lạc quan… (Lưu Thủy)

- Cơ hội thuận lợi để hút FDI từ Mỹ: Cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư FDI từ Mỹ không lúc nào rõ ràng và thuận lợi hơn lúc này, khi 2 bên đã có sự tin tưởng, nâng cấp quan hệ ngoại giao và có những cam kết cấp cao, cùng với đó là sự quan tâm đến Việt Nam từ các nhà đầu tư Mỹ. Vấn đề còn lại là Việt Nam cần có sự mạnh mẽ hơn trong việc thực thi chính sách đón “đại bàng”. (TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương-VNCPEC)

- FDI công nghệ cao “lưỡng lự” với Việt Nam: Từng được đánh giá đứng trước cơ hội hiếm có để thu hút dòng vốn FDI chất lượng lĩnh vực công nghệ cao, nhờ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, song đến nay dường như các doanh nghiệp FDI “đại bàng” vẫn đang “lưỡng lự” với thị trường Việt Nam. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023 Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD do thiếu điện, tương đương 0,3% GDP. Do vậy, không đủ điện hiện nay đang là yếu tố lớn khiến nhiều doanh nghiệp FDI, đặc biệt công ty công nghệ cao chần chừ khi rót vốn đầu tư vào Việt Nam. (Thanh Hà)

- Tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá: Tính đến ngày 4-4, tỷ giá chính thức đã tăng 2,87% so với cuối năm 2023, lên đỉnh lịch sử là 24.740 VNĐ/USD. Đây là mức tăng đáng kể so với cùng kỳ của nhiều năm trước và gần bằng mức tăng trong cả năm 2023. Còn tính từ đầu năm 2022 đến nay, tức là trong vòng 28 tháng, tỷ giá đã tăng đến 9,42%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ giá, nhưng lý do chính là chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD. (Nguyễn Đức Hùng Linh)

- TPHCM thúc đẩy kinh tế bằng đầu tư công: Theo tính toán, 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra trong giai đoạn này, sẽ thu hút được khoảng 6,8-9,54 đồng vốn đầu tư từ xã hội. Chính vì vậy, việc giải ngân đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. (Đỗ Trà Giang)

- Phía sau thành tích xuất khẩu gạo: Xuất khẩu gạo lập kỷ lục về sản lượng, giá trị và giá bán tăng cao, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại kêu khó và than lỗ; ngân hàng thừa vốn, nhưng người cần vẫn kêu thiếu… Đây là những nghịch lý mà ngành gạo đang đối mặt. (Trần Hữu Hiệp)

- Thích ứng biến đổi khí hậu cho ĐBSCL: Tháng 8-2023, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã công bố gói hỗ trợ Aus4Adaptation mới trị giá 94,5 triệu đô la Australia (AUD), về thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây được coi là dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước, kỳ vọng sẽ đóng góp vào khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp ĐBSCL trước biến đổi khí hậu. (Xuân Hạnh)

- Tín dụng thoát âm, nhưng không dễ tăng: Tháng 3-2024, tín dụng đã thoát được xu hướng tăng trưởng âm, thậm chí kéo cả quý I dương trở lại. Trên thị trường, làn sóng ngân hàng (NH) tung gói tín dụng lãi suất ưu đãi cũng ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, câu chuyện bao giờ dòng tín dụng được khơi thông vẫn khó dự đoán khi cung cầu vẫn lệch pha. (Cát Tường)

- Dòng vốn nhỏ lẻ khuynh đảo thị trường: Nhà đầu tư (NĐT) cá nhân lần đầu tiên gây ấn tượng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán (TTCK) vào cuối năm 2021, khi góp phần làm nghẽn cả hệ thống giao dịch sàn HoSE. Và từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, dòng vốn này một lần nữa khuynh đảo, hấp thụ cả khối lượng chốt lời khổng lồ của NĐT nước ngoài. Đây là hệ quả của môi trường lãi suất thấp, khiến tiền đồng trở nên “rẻ” từ góc độ đầu tư sinh lời. (Nguyên Hà)

- Nghịch lý Lộc Trời: Doanh thu 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận 16,5 tỷ đồng: Năm 2023, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) ghi nhận mức doanh thu cao nhất trong lịch sử, với hơn 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số khiến cho nhà đầu (NĐT) bất ngờ đó là lợi nhuận sau thuế chỉ 16,5 tỷ đồng. (Kim Giang)

- Du lịch 30-4: Tour ngoại vẫn hút khách: Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, tour nước ngoài vẫn được du khách Việt chọn lựa nhiều hơn các tour trong nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến lựa chọn này, là do giá vé máy bay đang tăng nóng. (Thanh Lâm)

- Du lịch nội mất khách vì giá vé máy bay: Giá vé của nhiều chặng bay trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cũng như trong dịp cao điểm hè sắp tới, đang neo ở mức cao khiến nhiều du khách ngần ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hút khách du lịch nội địa. (Đức Mạnh)

- Những danh ca ấn tượng dòng nhạc Trịnh: Ca sĩ hát nhạc Trịnh rất nhiều, bởi mức độ phổ cập của nhạc Trịnh trong đời sống, nhưng rất ít gương mặt để lại ấn tượng cho công chúng. Liệu hàng trăm ca sĩ hát nhạc Trịnh, có mấy người đồng cảm với nỗi bâng khuâng gửi gắm “nơi em về trời xanh không em, nơi em về ngày vui không em”? (Tuy Hòa)

- 7 bãi biển thiên đường “xứ ngàn đảo” Philippines: Đặt chân đến “xứ ngàn đảo” Philippines, du khách sẽ được mở ra cánh cửa của hơn 7.100 hòn đảo lớn nhỏ tạo một nên quốc đảo xinh đẹp nằm độc lập ở phía Đông của Đông Nam Á. Quốc gia này có hàng ngàn bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn trải rộng đến vô cực, nước biển trong vắt bơi lượn cùng đàn cá đa sắc cùng vô vàn hoạt động du lịch trải nghiệm cả ngày lẫn đêm. (Fahoka Xê Dịch)

- Thương mại điện tử Hàn Quốc bị Trung Quốc “hạ đo ván trên sân nhà”: Trong số báo ra ngày 26-3, ĐTTC đã có loạt bài phản ánh “Cuộc tổng tấn công hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Việt Nam”. Trên thực tế, Việt Nam không phải là thị trường duy nhất đang bị đe dọa bởi làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc, thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mà ngay cả Hàn Quốc hiện đang đứng trước nguy cơ bị “đo ván trên sân nhà” bởi các nền tảng đến từ Trung Quốc. (Vinh Trang)

- Benjamin Netanyahu: Thủ tướng gắn liền với các cuộc chiến tranh?: Ông Benjamin Netanyahu là thủ tướng tại vị lâu nhất, cũng là nhà lãnh đạo quyền lực có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, ông lại đi vào lịch sử với tư cách là nhà lãnh đạo gắn liền với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất của Israel. (Ánh Vân)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác