Cùng với các hoạt động kỷ niệm 15 năm dịch vụ internet chính thức được cung cấp ở Việt Nam (1997-2012), lần đầu tiên Sách trắng internet Việt Nam được công bố. Nhìn lại chặng đường 15 năm, theo nhiều chuyên gia, internet là một trong những công cụ, phương tiện giúp Việt Nam phát triển về mọi mặt trong thời gian qua và kể cả trong tương lai.
Chỉ tiến, không có lùi
Theo Sách trắng internet Việt Nam do Trung tâm Thông tin mạng internet Việt Nam (VNNIC), Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) phát hành, sau 15 năm phát triển Việt Nam có gần 32 triệu người sử dụng internet, chiếm tỷ lệ 35% dân số.
Hiện Việt Nam đứng thứ 18/20 quốc gia có số người dùng internet lớn nhất thế giới, đứng thứ 8 khu vực châu Á và thứ 3 ở ASEAN. So với năm 2000, số lượng người dùng internet tăng hơn 15 lần.
Bộ TT-TT đã trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý internet. Trong đó xác định thời gian tới sẽ thúc đẩy phát triển nội dung, các ứng dụng trên internet. Internet là thế giới phẳng, không thể khoanh môi trường internet trong nước tách biệt quốc tế. Do vậy, các cơ quan quản lý sẽ chú trọng tới việc làm sao để có môi trường pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, vươn ra toàn cầu. Ông LÊ NAM THẮNG, |
Bên cạnh đó, trải qua 15 năm kết nối với mạng internet toàn cầu, tài nguyên internet (gồm tên miền .vn, địa chỉ IP, số hiệu mạng) đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đồng hành với sự phát triển của internet Việt Nam.
Đến cuối năm 2012, số lượng tên miền .vn không dấu duy trì thực tế trên mạng gần 226.000, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 172%/năm, tăng 416 lần so với số tên miền quốc gia năm 2000 (chỉ có khoảng 543 tên miền), trong đó bao gồm 14.786 tên miền .vn được đăng ký bởi các chủ thể nước ngoài, chiếm 9% tổng số tên miền .vn.
Việt Nam là nước đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia. Trong đó, tên miền cấp 2 (.vn) chiếm 47,95% số lượng tên miền quốc gia, sau đó đến các tên miền cấp 3 như .com.vn (chiếm 41,66%), .edu.vn (3,51%)…
Hành trình để Việt Nam chính thức tham gia mạng internet toàn cầu bắt đầu từ tháng 12-1996, khi lần đầu tiên tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần 2 (khóa VIII) bàn về internet và đã đưa ra quyết định cho phép mở cửa internet vào Việt Nam.
Đây là một dấu ấn đặc biệt, thể hiện sự sáng suốt và nhạy bén của Đảng trong việc nhận thức vai trò, tương lai phát triển của internet và quyết tâm ứng dụng internet vào các ngành kinh tế - xã hội nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau 1 năm, Chính phủ hoàn thiện các thủ tục và Việt Nam chính thức kết nối internet với mạng toàn cầu vào ngày 19-11-1997. Từ đó đến nay, trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác vẫn còn thua kém nhiều quốc gia vài chục năm phát triển, chẳng hạn như hạ tầng giao thông, cảng biển, bệnh viện... riêng viễn thông Việt Nam đã đuổi kịp các quốc gia tiên tiến nhất.
Những tiện ích, hiệu quả mà inernet mang lại đối với kinh tế - xã hội nước ta là điều không phải bàn cãi. Theo các chuyên gia, internet đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển về mọi mặt của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, TS. Mai Liêm Trực cho rằng chúng ta không thể chỉ mạnh về công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông, internet mà phải dùng cơ sở hạ tầng này để đuổi kịp các nước phát triển.
Theo đó, viễn thông - internet chính là công cụ, phương tiện giúp Việt Nam mạnh lên và đuổi kịp các cường quốc 5 châu, nói cách khác là trở thành nước mạnh bằng CNTT-TT.
Đưa CNTT về vùng sâu, vùng xa
Đại diện các doanh nghiệp lớn như VNPT và Viettel đều cho biết đang tiếp tục đầu tư phát triển thêm nhiều dịch vụ internet mới để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết khát vọng của Viettel là mỗi người dân Việt Nam sẽ có một chiếc smartphone có thể truy nhập internet, mỗi gia đình sẽ có 1 đường truy nhập internet băng rộng (ít nhất 10Gbps).
Từ một quốc gia có cơ sở hạ tầng viễn thông nhỏ bé, lạc hậu sau chiến tranh, qua hơn 20 năm mở cửa, Việt Nam đã trở thành một nước mạnh về viễn thông - internet. Công nghệ viễn thông - internet Việt Nam hiện nay tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới. Việt Nam đã có cáp quang biển, kéo cáp quang về tận các xã, phát triển 3G mạnh mẽ. TS. MAI LIÊM TRỰC, |
Để góp phần hiện thực hóa khát vọng này, Viettel đang nỗ lực đưa internet đến trường học, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dự kiến đến năm 2015, Viettel sẽ quang hóa gần như 100% số xã trên cả nước, cung cấp dịch vụ internet tốc độ siêu cao (từ trên 100Mbps đến hàng chục Gbps) cho các hộ gia đình, kể cả ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến năm 2020 sẽ giúp 70% hộ gia đình có truy nhập tốc độ cao trên 100Mbps.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Dân, thành viên Hội đồng thành viên VNPT, khẳng định suốt 15 năm qua VNPT đã nỗ lực thiết kế, quy hoạch, đầu tư và xây dựng hệ thống mạng lưới viễn thông internet dựa trên kỹ thuật công nghệ cao, dung lượng lớn, phủ khắp lãnh thổ Việt Nam.
Với trách nhiệm là doanh nghiệp đi tiên phong trong triển khai internet tại Việt Nam, chiếm thị phần khống chế (trên 70% thị trường internet Việt Nam), VNPT đặt mục tiêu phát triển đến năm 2015 sẽ trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp lớn nhất cung cấp dịch vụ internet và viễn thông trên khu vực châu Á…
Tuy nhiên, theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, khi nào internet về nông thôn và số đông nông dân sử dụng được, chúng ta mới thực sự tự hào về sự phát triển internet. "Chúng tôi mong muốn bà con được sử dụng internet với chi phí rẻ nhất, phù hợp điều kiện kinh tế. Mong các nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ lợi nhuận, ưu tiên đầu tư về nông thôn; doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ về kinh tế để bà con có thể sử dụng internet" - ông Liên nhấn mạnh.
Đoàn viên Thanh niên VNPT phổ cập tin học và internet |
Theo TS. Mai Liêm Trực - một trong những người được xem có công lớn đối với việc “mở cửa” internet ở Việt Nam, trong giai đoạn đầu, tư duy quản lý internet được định hướng “quản đến đâu thì mở đến đấy”, quản từ từ, chưa quản được chưa cho mở.
Chính vì tư duy này, dù chúng ta mở internet từ năm 1997 nhưng do sự quản lý của các cơ quan không theo kịp, nên 2-3 năm sau vẫn không cho mở cà phê internet, đại lý internet... khiến số lượng người sử dụng internet rất hạn chế.
Để đẩy mạnh tốc độ phát triển internet, năm 2000, Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị đã đưa ra một tư duy quản lý đổi mới, đó là “quản lý phải theo kịp sự phát triển chứ không hạn chế sự phát triển”. Tuy nhiên, cùng với đà phát triển mạnh mẽ của internet hiện nay, tư duy quản lý internet không chỉ dừng ở mức "cởi trói", "theo kịp sự phát triển", mà phải tiếp tục thay đổi hơn nữa theo quan điểm mới “quản lý phải thúc đẩy sự phát triển”.
Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng cho rằng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của internet, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải thay đổi tư duy quản lý theo hướng “quản lý thúc đẩy sự phát triển”.
Theo đó, để thúc đẩy phát triển internet, cần áp dụng tổng thể nhiều giải pháp. Chẳng hạn, về biện pháp kỹ thuật, 15 năm trước, chúng ta áp dụng tường lửa, cắt đường truyền… nhưng những cách thức này hiện không còn phù hợp.
Ngày nay, biện pháp kỹ thuật phải được thực hiện bởi từng người dân, từng hộ gia đình, doanh nghiệp và toàn xã hội chứ không phải chỉ từ mệnh lệnh hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, phải tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, để tất cả biết sử dụng và phát huy hiệu quả nhất những mặt tốt đẹp, lợi ích mà internet mang lại.
Những cột mốc phát triển
|