Dự báo lạm phát năm 2022 cao nhất ở mức 3%

(ĐTTCO)-Đó là nhận định của các chuyên gia trong hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến vào ngày 4-1.
Báo cáo của đại diện Viện Kinh tế - Tài chính cho thấy, năm 2021, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát (cuối tháng 4-2021) tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng trưởng kinh tế có mức giảm sâu nhất vào quý III-2021.
Tổng sản phẩm trong nước năm 2021 ước tăng 2,58% so với năm 2020, đây là mức tăng thấp nhất trong một thập niên qua (từ năm 2011 đến nay).
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2016-2021). Trong đó, có 5 tháng giảm là tháng 3, 4, 9, 10 và 12 và có tháng 7 tăng là 1, 2, 5, 6, 7, 8 và tháng 11. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2021 giảm 0,18% so với tháng 11-2021.
Dự báo lạm phát năm 2022 cao nhất ở mức 3% ảnh 1 Các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát năm 2022 sẽ duy trì ở mức thấp
Qua nghiên cứu, dự báo chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%) tức là từ 2-3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.
Giải thích về điều này, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, lạm phát nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp. Nguyên nhân là bởi mặc dù kinh tế đang phục hồi, nhưng sản lượng của năm 2022 sẽ vẫn ở mức dưới tiềm năng.
Nếu tổng sản phẩm trong nước trong năm 2022 chỉ tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra, hay thậm chí tăng 8 - 9% như một số dự báo, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của giai đoạn 2020 - 2022 chỉ ở mức 4 - 5%, thấp hơn khá nhiều so với mức 6% của giai đoạn 2011 - 2020.
Lạm phát năm 2022 sẽ được kiểm soát tốt vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đặc biệt là biến chủng mới xuất hiện, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc.
Bên cạnh đó, trên thế giới thời gian qua hầu hết giá cả các loại hàng hóa đều đạt đỉnh trong nhiều năm trở lại đây, tạo áp lực đối với hàng hóa Việt Nam, nhưng theo đánh giá áp lực không quá lớn, bởi vì sức cầu trong nước vẫn còn yếu.
Một nguyên nhân khác giúp cho lạm phát duy trì ở mức thấp là đà tăng của giá xăng dầu cũng như giá của các nguyên vật liệu sẽ chững lại trong năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế và chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa.

Các tin khác