Động lực từ NH tư nhân
Báo cáo phân tích ngành NH vừa được CTCK Sài Gòn (SSI) công bố dựa trên đánh giá về kết quả kinh doanh của 13 NH niêm yết (chiếm 27,4% vốn hóa TTCK), cho thấy hoạt động kinh doanh của các NH đã phần nào được cải thiện trong quý III với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 29.700 tỷ đồng (tăng 6,6% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 86.200 tỷ đồng (tăng 11%). Tương tự các quý trước, NHTMCP tư nhân tiếp tục là động lực chính của lợi nhuận trước thuế trong kỳ với lợi nhuận trước thuế tăng 18,6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận trước thuế của các NHTM có vốn nhà nước chỉ tăng 0,9%.
Mặc dù kết quả trên tương đối thấp so với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ấn tượng của quý II là 24,6% và 9 tháng đầu năm 2019 là 26,9%. Song nếu loại trừ mức giảm lợi nhuận lên đến 21% của ông lớn ngành là NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), lợi nhuận trước thuế của 12 NH trong danh sách của SSI tăng đến 14,7%. Dù ghi nhận được sự chuyển biến đáng kể về lợi nhuận so với những tháng đầu năm, nhưng tăng trưởng tín dụng của ngành lại bị kìm hãm đáng kể so với cùng kỳ 2019 là 13,7%. Tính đến thời điểm đầu tháng 12, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,93% và dự báo sẽ thấp hơn 10% trong cả năm 2020.
Sóng tăng bất thường?
Sóng tăng bất thường?
Nếu cho rằng 2020 là năm thành công với nhóm CP NH cũng không quá lời. Từ những mã đang niêm yết cho đến những mã chuyển sàn hay các mã mới niêm yết đều có sóng. Đà tăng của nhóm CP NH đã trợ giúp cho VN Index tái lập được mốc 1.000 điểm. Đơn cử là tuần giao dịch từ ngày 14-12 đến 18-12, chỉ số này tăng 21,5 điểm với sự đóng góp lớn của các mã NH như TCB (3,4 điểm) và VPB (2,25 điểm). Ở tuần giao dịch trước đó VN Index tăng 18,13 điểm, trong đó VCB đóng góp lớn nhất thị trường là 2,74 điểm. Theo giới phân tích, sự khởi sắc của TTCK cộng với kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo là yếu tố giúp cho nhóm CP NH ghi nhận được sóng tăng khá ấn tượng trong những tháng cuối năm 2020.
Tuy nhiên, sóng tăng của nhóm CP NH vừa qua bị đánh giá là bất thường, khi nhiều mã NH được đẩy mức lên đỉnh dù lợi nhuận sụt giảm. Đơn cử là VCB có thời điểm vượt mốc 100.000 đồng/CP, dù kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong quý III. Tương tự là trường hợp của NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG) từ 20.000 đồng/CP lên 35.000 đồng/CP, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) từ 35.000 đồng/CP lên hơn 45.000 đồng/CP. Điều đáng nói là cả 3 NH này đều ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối kém trong vài năm trở lại đây.
Lơ lửng điềm báo xấu
Lơ lửng điềm báo xấu
Theo giới phân tích, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành NH sẽ hồi phục trong năm 2021. Nguyên nhân là do môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện khi Chính phủ duy trì tốc độ giải ngân đầu tư công cao, còn NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng. Do đó, các NH sẽ là nhóm ngành đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi, nhưng lợi thế không chia đều cho tất cả.
Theo nhận định của CTCK VNDirect (VNDS), chỉ những NH có thế mạnh về quy mô, mạng lưới, chất lượng tài sản và thị phần sẽ tăng trưởng lợi nhuận trở lại từ năm 2021. Sự phục hồi sẽ được thúc đẩy từ tăng trưởng trở lại của hàng loại chỉ tiêu như: tín dụng, biên lãi ròng (NIM), thu nhập từ phí và dịch vụ. Tuy nhiên, tỷ lệ phục hồi sẽ khác nhau giữa các NH do sự khác biệt về chiến lược kinh doanh, danh mục cho vay, cơ sở khách hàng.
Dù môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, nhưng không đồng nghĩa với việc cứ “mua là thắng” đối với nhóm CP NH như thời gian vừa qua. Thực tế, tác động của dịch Covid-19 vẫn chưa qua, thậm chí đang ngấm dần dần vào số dư nợ xấu của các NH. Nợ xấu vẫn là vấn đề nhức nhối của các NH đã bắt đầu “lộ” ra trong mùa báo cáo tài chính quý III vừa qua. Các số liệu phân tích 9 tháng năm 2020 của các NH niêm yết cho thấy nợ xấu đã tăng khoảng 30% và dự kiến nợ xấu nội bảng cả năm 2020 có thể lên đến 3%. Dự báo năm 2021, nợ xấu có thể sẽ lên đến 3,5-4% do độ trễ tác động của nền kinh tế tới lĩnh vực NH.
Nợ xấu tăng lên sẽ tác động lên chi phí trích lập của các NH trong 2 năm 2021 và 2022, do dư nợ vẫn có quy trình 360 ngày chậm trả tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 5. Từ thực tế này, CTCK Rồng Việt (VDSC) khuyến cáo NĐT thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, NĐT cần chú trọng những NH ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn.
Bên cạnh nợ xấu, các NH cũng đang đối mặt khó khăn do chính sách siết lại hoạt động đầu tư trái phiếu (TP). Theo CTCK Vietcombank (VCBS), Nghị định 81/2020/NĐ-CP ảnh hưởng tới hoạt động phân phối bán lẻ TP của một số NH. Thực tế Nghị định 81 sẽ điều chỉnh thị trường TP theo hướng bền vững hơn khi hạn chế việc phân phối TP kém chất lượng tới các NĐT không chuyên nghiệp. Với quy định này, một số NH sẽ bị ảnh hưởng do trước đây thường sử dụng biện pháp phát hành TP riêng lẻ nhiều lần tới nhiều cá nhân.
Đơn cử là việc phát hành riêng lẻ theo quy định cũ chỉ bị hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm, số lượng NĐT hạn chế dưới 100 người, nay có thêm quy định cách nhau tối thiểu 6 tháng giữa các đợt phát hành. Do đó, NH không thể phân phối TP tới nhiều hơn 100 khách hàng tại thời điểm phát hành nếu tiếp tục sử dụng hình thức này. Đáng chú ý, theo Nghị định 81, các quỹ mở đầu tư TP cũng không được phép mua TP phát hành riêng lẻ.
Việc trích lập dự phòng sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến ước tính lợi nhuận và rủi ro tín dụng sẽ vẫn tồn tại trong năm 2021 trở đi. Rủi ro lợi nhuận với các NH bao gồm tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn, nền kinh tế phục hồi chậm hơn ước tính và dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. |