Du hí cung đường trên mây

(ĐTTCO) - Mây bay lững thững trên đầu, bản làng bình yên giữa khung cảnh hoang sơ tựa chốn tiên bồng… Đó là những gì du khách có thể cảm nhận được khi trải nghiệm cung đường từ Vân Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) sang Lũng Cao (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều người đến đây mà cứ ngỡ như đang lạc trong Sapa mờ sương đầy mới mẻ, lôi cuốn.
Mây bay lững thững trên đầu, bản làng bình yên giữa khung cảnh hoang sơ tựa chốn tiên bồng… Đó là những gì du khách có thể cảm nhận được khi trải nghiệm cung đường từ Vân Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) sang Lũng Cao (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều người đến đây mà cứ ngỡ như đang lạc trong Sapa mờ sương đầy mới mẻ, lôi cuốn.
Vi vu miền sơn cước
Từ Hà Nội, chúng tôi chạy xe ra Quốc lộ 6 hướng thẳng tới Hòa Bình. Đi qua các địa danh Mường Khến, ngã ba Lồ chúng tôi rẽ vào đường tỉnh lộ hướng lên vùng núi cao. Trên đường mỗi lúc một vắng bóng xe cộ. Khung cảnh yên bình hiện ra với những thửa ruộng, nương ngô xanh ngút ngàn.
Nép dưới chân núi lưa thưa vài nếp nhà sàn bình dị mái ngả màu đất. Mỗi khi lên tới độ cao mới, mọi người lại ồ lên suýt xoa bởi cảnh sắc hùng vĩ và choáng ngợp hiện lên. Thời tiết ở dưới xuôi đã chính hè vô cùng nóng nực, nhưng lên đến đây không khí thoáng đãng, mát mẻ rất dễ chịu.
Sau vài giờ rong ruổi từ Hà Nội, chúng tôi đã đặt chân tới trung tâm xã Vân Sơn (Tân Lạc). Cái tên Vân Sơn gợi cho ta liên tưởng về một vùng núi cao, quanh năm mây bay lãng đãng. Đến khu chợ Lũng Vân ở trung tâm xã, chúng tôi dừng xe bên đường bắt chuyện, hỏi thăm những người Mường bản địa. Người dân ở đây cho biết, Vân Sơn là xã vùng cao mới được thành lập sau khi sáp nhập 3 xã Lũng Vân, Nam Sơn và Bắc Sơn. Hiện dân tộc Mường chiếm hơn 90% dân số toàn xã. Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con đường nhựa nhỏ hẹp, khúc khuỷu để đến những bản làng, vùng đất heo hút nhất. 
Du hí cung đường trên mây ảnh 1
Cảm giác sảng khoái dâng trào khi chúng tôi phóng tầm mắt từ trên cung đường xuống thung lũng xanh, những thửa ruộng bậc thang thoai thoải chạy suốt lên đến chân núi nhìn vô cùng quyến rũ. Mảng xanh của lúa non, cỏ dại hòa cùng những khóm tre, khóm trúc khiến ai nấy như đang thưởng lãm một bức tranh sơn cước của vẻ đẹp riêng Việt Nam.
Điểm tô trong phong cảnh núi non, ruộng đồng là bản làng nho nhỏ với những nếp nhà sàn mọc lên bên sườn núi theo từng cụm. Đa số người Mường ở các thôn, bản tại Vân Sơn vẫn giữ gìn và xây mới nhà sàn bằng gỗ truyền thống để bảo tồn nét văn hóa. Một số ngôi nhà sàn lâu đời mái ngả màu nâu sẫm, là nơi sinh sống của 3-4 thế hệ từ ông bà, đến con cháu, chắt…
Mọi người thích mắt khi nhìn thấy những giàn su su xanh mướt được trồng khắp lòng chảo thung lũng. Khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp nên su su, lúa nương và một số cây trồng, vật nuôi khác sinh sôi nảy nở rất tốt. Gần như 100% nông sản, đồ ăn thức uống hàng ngày của người Mường tại Vân Sơn đều tự cung tự cấp. 
Đang mải ngắm cảnh, chúng tôi tình cờ gặp một bà lão vừa đi hái măng rừng về. Biết chúng tôi đi khám phá, bà vui vẻ bắt chuyện và mời mọi người về nhà tham quan, trải nghiệm cuộc sống thực tế. Bà lão giới thiệu tên Hà Thị Thiết, 76 tuổi, nhưng nhìn dáng bà vẫn thoăn thoắt đi làm nương, lên rừng như mấy phụ nữ trẻ.
Ngồi bên hiên, nhấp ngụm nước trà xanh mát lạnh mới lấy trong tủ ra, bà Thiết tâm sự: “Đây là đất Mường Bi (ở Hòa Bình có 4 xứ Mường là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động nổi tiếng lâu nay). Người Mường chúng tôi ở đây quanh năm sống dựa vào thiên nhiên, cây cỏ. Được cái ông trời ưu ái nên mọi người đều sống khỏe, sống thọ”. Quả thực, ở thôn bản Vân Sơn có nhiều người sống thọ trên 100 tuổi, cá biệt có một số cụ sống đến 112-115 tuổi và gia đình nay đã phát triển thành 5 đời.
 Những ngọn núi cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, sừng sững chở che cho bản làng bình yên. Từ điểm dừng chân, chúng tôi tiếp tục lên đến điểm cuối cung đường, để từ đấy cùng nhau vọng cảnh. Tới bản Bắc Sơn, nơi được ví như nóc nhà của xứ Mường, mọi người đều cảm thấy không gian và thời gian như lắng đọng.
Du hí cung đường trên mây ảnh 2
Đến trưa mà những đám mây trắng vẫn chưa chịu tan, cứ ôm ấp lên từng mỏm núi tạo ra tiên cảnh giữa chốn nhân gian. Nếu muốn trải nghiệm hết nét văn hóa thú vị hơn ở vùng đất xứ Mường xã Vân Sơn, du khách nên ngủ lại bản một đêm.
Tuy dịch vụ du lịch chưa được phổ biến, nhưng nếu có nhu cầu thưởng thức các món dân dã, bản địa như: ngọn su su xào, cá suối nướng, gà núi… gia chủ rất sẵn lòng phục vụ với giá cả bình dân. Đặc biệt mỗi nhà ở đây thường có hũ da trâu, da bò muối chua. Đây món ăn truyền thống của bà con xứ Mường có hương vị vô cùng đặc biệt mọi người nên thưởng thức.

Chạm tới Pù Luông
Lại một ngày mới bắt đầu, chúng tôi tạm biệt Vân Sơn để sang ngả đường đi Thanh Hóa. Cung đường khoảng gần 20km từ trung tâm xã Vân Sơn sang đất Thanh Hóa để lại nhiều cảm giác choáng ngợp cho người đi. Đoàn xe của chúng tôi phải vượt qua vài con dốc dựng đứng vắt ngang những mỏm núi.
Sau khoảng 1 giờ vừa đi vừa dừng chân ngắm cảnh, chúng tôi đã có mặt tại vùng cao Son Bá Mười (hay còn gọi là Cao Sơn). Thực ra đây là 3 thôn, gồm thôn Son, thôn Bá, thôn Mười. Đây là nơi cao nhất mà cư dân của xã Lũng Cao sinh sống. Trước đây chưa có đường nhựa từ trung tâm huyện Bá Thước lên hoặc từ Tân Lạc sang thì Son Bá Mười coi như vùng đất bị bỏ quên của xứ Thanh. Những con người sống trên đó gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.
Mấy năm nay sau khi đường sá được làm, xe cộ có thể đi tới từng thôn nên cuộc sống của người dân đã đổi thay, khấm khá hơn. Không chỉ có vậy, Son Bá Mười bỗng trở thành chốn thiên đường nghỉ dưỡng mới của xứ Thanh cho du khách thập phương. Son Bá Mười được ví như cửa ngõ để du khách tiến vào Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông theo hướng từ Hòa Bình sang.
3 thôn tạo thành một tiểu khu ở trên nền địa hình cao khoảng 1.300-1.400m, được các đỉnh núi cao chót vót như đỉnh Pù Luông (1.704m), đỉnh Pa Hé, Pha Chiến và rải núi Cúc Phương bao bọc xung quanh. Du khách có thể thỏa thích ngắm cảnh khi chạy xe dọc theo cung đường uốn lượn lúc lên cao, lúc xuống thấp xuyên 3 thôn. Cảnh xanh tươi của rừng trúc, rừng vầu với từng cây vươn lên thẳng tắp, xen lẫn nương ngô, giàn mướp đắng sai trĩu quả. Thấp thoáng giữa nương ngô là vài ngôi nhà sàn nhỏ xinh. 
Du hí cung đường trên mây ảnh 3
Dừng chân bên vệ đường ở lưng chừng dốc, nhìn xuống phía dưới lòng thung lũng, mọi người đều phải thốt lên bởi khung cảnh đẹp, hùng vĩ. Trời hửng nắng, trong trẻo với những đám mây trắng đang lững lờ trôi trên thảm xanh bao la của vùng núi Pù Luông, xa xa tít dưới chân núi chính là Phố Đoàn, Cổ Lũng (huyện Bá Thước). Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hùng vĩ với những dải núi xanh thẳm biến thành bức tranh toàn cảnh trong tầm mắt. 
Khác với vùng đất Vân Sơn xứ Mường giáp ranh, chủ nhân của tiểu khu Son Bá Mười đa số lại là người Thái đen. Nhiệt độ ở tiểu khu này chẳng bao giờ vượt qua ngưỡng 30oC dù vào thời điểm chính hè. Nhưng mùa đông đến rất sớm, lạnh giá, thỉnh thoảng có năm xuất hiện băng tuyết.
Du hí cung đường trên mây ảnh 4 Bản đồ cung đường du lịch khám phá mới Vân Sơn-Lũng Cao. 
Tiết trời mát mẻ của mùa hè và lạnh giá của mùa đông rất thích hợp để Son Bá Mười phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng như ở Tam Đảo, Sapa. Bên cạnh đó, người Thái đen ở đây vẫn còn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống để thu hút du khách. Những bộ trang phục dân tộc đẹp mắt, cùng điệu múa Khập Thái (hay gọi là điệu hát tỏ tình) của những cô gái xinh đẹp luôn quyến rũ du khách.
Hiện nay, du khách tới đây có thể tìm đến các điểm du lịch homestay như: Son Bá Mười homestay, Pha Hé Bamboo, Tiên Son homestay… để nghỉ ngơi, trải nghiệm văn hóa, phong cảnh. Buổi tối của hành trình, chúng tôi đã tìm đến khu nhà sàn lợp lá mang tên Pha Hé Bamboo để nghỉ.
Nhóm thực khách được phục vụ những món ăn dân dã đậm chất bản địa, trên mâm có cơm nếp nương, gà nướng, canh mướp đắng, măng ngâm ớt, rượu ngô… tất cả đều là sản phẩm sạch sản xuất tại địa phương. 

Các tin khác