Gỡ "nút thắt"
Việc tăng giá vé máy bay ảnh hưởng lớn nhất đến khách hàng khi mùa cao điểm cận kề. Để giảm thiểu tình trạng giá biến động, khiến tua nội địa đắt đỏ hơn tua quốc tế, một số chuyên gia nhận định, cần sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị để điều tiết thị trường.
TS. Đỗ Trần Phương, Phó trưởng Khoa Du lịch Trường ĐH Văn hoá Hà Nội, nhận định, trong cơ cấu chi tiêu của du khách, chi phí cho máy bay thường chiếm 30-50% trong tổng giá thành tua. Chính vì vậy, giá máy bay quá cao sẽ đẩy giá tua lên cao. Điều này ảnh hưởng lớn tới quyết định mua tua, du lịch của người dân. Khách sẽ thay đổi điểm đến, chọn những tuyến đi gần hơn, hoặc những tuyến có phương tiện giao thông khác thay thế, thậm chí chọn du lịch nước ngoài.
“Để giảm thiểu tình trạng trên, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và các công ty du lịch, lữ hành. Các bên cùng bàn thảo để đưa ra một kế hoạch tổng thể, đảm bảo lợi ích hài hoà của các bên và đặc biệt là thúc đẩy được quyết định mua của du khách”, ông Phương đề xuất.
Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn những năm gần đây. Ảnh: Nhật Huy |
Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng, các cơ quan nhà nước và các hãng hàng không cần làm việc chặt chẽ với nhau để ổn định thị trường, tránh việc giá máy bay tăng đột biến. “Cần hợp tác, bàn thảo sâu sắc giữa hai bên, đặc biệt là vào mùa cao điểm du lịch để giải quyết những vấn đề tồn đọng, từ đó đem lại lợi ích đôi bên. Đây là câu chuyện vĩ mô và dài hạn, hai ngành không chỉ hợp tác mà còn hỗ trợ nhau khi khó khăn”, ông Chính nói.
Ông đề xuất xây dựng một cơ quan, đơn vị có trách nhiệm như một “nhạc trưởng” định hướng các doanh nghiệp lữ hành phát triển đồng đều, giảm tác động của các biến động thị trường.
Cần chất lượng hơn số lượng
Bà Xa Doãn Hồng Thủy, Giám đốc kinh doanh lữ hành Công ty cổ phần Du lịch Vitours Đà Nẵng, cho rằng, dịp nghỉ lễ sắp tới, lượng khách tham gia các tua trọn gói dài ngày sẽ tăng, nếu giá tua hợp lý. “Để làm được điều này, dịch vụ vận chuyển nói chung và hãng hàng không nói riêng nên có chính sách điều tiết, bình ổn về giá cả. Đó không những là mong muốn của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành mà còn là bài toán đặt ra cho các lãnh đạo của ngành hàng không”, bà Thủy nói.
Bà Thủy khẳng định, sau dịch COVID-19, du khách có xu hướng du lịch an toàn, du lịch “chậm”. Nhiều người lên kế hoạch từ sớm trước chuyến đi, kể cả du lịch vào dịp lễ như 30/4, 1/5.
“Hiểu đặc điểm của thị trường, chúng tôi chuẩn bị cho giai đoạn này bằng các sê-ri vé máy bay đặt chỗ trước từ sớm (đặt cọc từ đầu năm 2023). Về dịch vụ lưu trú, ăn uống và vận chuyển, ngoài hệ thống tự cung ứng của công ty, chúng tôi liên hệ với đối tác thân thiết để đàm phán giá cả và giữ dịch vụ”, bà Thuỷ nói.
Ở các nước du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore, cơ quan quản lý du lịch của họ có sự điều tiết nhịp nhàng. Tổng cục Du lịch Singapore, sau đại dịch nhanh chóng tổ chức khảo sát tại Việt Nam để tìm hiểu nhu cầu, xu hướng của du khách Việt. Từ kết quả này, họ xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch đúng và trúng. Tổng cục Du lịch Singapore làm đúng vai trò dẫn dắt của nhạc trưởng.
“Nhạc trưởng phải làm trước các nghiên cứu thị trường, đưa ra các chiến lược và kế hoạch phù hợp, điều phối các bộ ngành, các doanh nghiệp thực hiện theo các kế hoạch này. Nhạc trưởng còn phải tìm ra những điểm nghẽn, rào cản kỹ thuật để tháo gỡ ngay”, một chuyên gia chia sẻ với phóng viên Tiền Phong. Thực tế, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Việt Nam chưa thực sự làm được điều này.
Theo Tiền Phong