Du lịch đường thủy TPHCM: Khai thác chưa xứng tiềm năng

(ĐTTCO) - Ngày 14-12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường chủ trì hội nghị chuyên đề phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy do UBND TPHCM tổ chức.

Du khách chèo SUP tại huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Du khách chèo SUP tại huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Thêm sản phẩm du lịch mới đón tết

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Quý Mão 2023, hàng loạt tour tuyến mới đón xuân đã và đang được doanh nghiệp lữ hành triển khai. Chia sẻ tại hội nghị, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Khối Du lịch quốc tế lữ hành Saigontourist, nhấn mạnh, các sản phẩm du lịch tham quan TPHCM bằng đường sông rất được du khách quan tâm. Chẳng hạn tour “Sài Gòn rong ca” chiều thứ bảy là chương trình kết hợp buýt 2 tầng với buýt sông cùng ẩm thực Bình Quới và chương trình “rong ca” dọc các tuyến đường của TPHCM. Lữ hành Saigontourist cũng liên kết với các địa phương lân cận TPHCM và kết nối với Campuchia để đưa khách tham quan theo tuyến TPHCM - ĐBSCL, xuất phát từ TPHCM đi Phnom Penh và ngược lại. Đây là tuyến tham quan được nhiều du khách ưa thích.

Hay như BenThanh Tourist đang có sản phẩm “Chèo SUP, lướt sông Sài Gòn” được nhóm khách quốc tế, doanh nhân, người yêu thích thể thao đặt nhiều. Các kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn khách cách thăng bằng trên SUP (Standup Paddle Board - lướt ván đứng) trước khi thực hành dưới nước. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt, cho biết, các tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được khách quốc tế thích thú. Các đoàn học sinh thuộc các trường cũng chọn tham quan, tìm hiểu về lịch sử thông qua các cây cầu, cách xử lý ô nhiễm môi trường… Tuần tới, doanh nghiệp cũng chính thức triển khai tour từ Tam Thôn Hiệp qua đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ).

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TSTtourist, cho biết, tour “TPHCM - TP Thủ Đức” là một trong những tour du lịch đường sông tạo dấu ấn cho khách tham quan. Lộ trình gồm tham quan Đền tưởng niệm các Vua Hùng, Bảo tàng Áo dài, Khu giới thiệu lịch sử Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, chùa Bửu Long - ngôi chùa được Tạp chí National Geographic bình chọn là một trong 10 công trình Phật giáo có thiết kế đẹp nhất thế giới… 

Thông tin thêm về các sản phẩm du lịch đường sông hiện có của TPHCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng Phòng Phát triển sản phẩm du lịch, Sở Du lịch TPHCM, cho biết, hiện các doanh nghiệp đã đưa vào khai thác 3 nhóm tuyến du lịch gồm, tuyến du lịch tầm ngắn dưới 10km có Bạch Đằng - Khu du lịch Bình Quới; Tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tuyến du lịch đi quận 5, quận 6 và quận 8 (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm). Với tuyến tầm trung, từ 10 đến 60km có tuyến Bạch Đằng - Củ Chi; Bạch Đằng - Cần Giờ. Tuyến du lịch đường thủy tầm xa, từ 60km trở lên, khai thác từ TPHCM đến các tỉnh khu vực ĐBSCL… 

Du lịch đường thủy TPHCM: Khai thác chưa xứng tiềm năng ảnh 1Du khách tham quan bến Phú Định, quận 8, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Vướng quy hoạch hạ tầng, bến bãi…

Mặc dù sản phẩm du lịch đường sông được khách trong nước cũng như quốc tế quan tâm nhưng nhiều đại biểu cũng chỉ ra thực tế phát triển còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, 11 tháng qua TPHCM đón hơn 3,1 triệu lượt khách quốc tế, 27,9 triệu khách nội địa nhưng chỉ có 342.800 lượt khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy (chiếm hơn 1%).

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng bến cảng, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách còn hạn chế; chưa có cơ chế giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hành khách du lịch. 

Tiếp đó, tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng thủy nội địa hành khách khu vực TPHCM chỉ quy hoạch ở phạm vi khu vực, chưa xác định rõ quy hoạch vị trí, tuyến sông, quy mô, cỡ tàu, công suất cụ thể của các cảng thủy nội địa hành khách. Muốn định hướng, xây dựng các sản phẩm du lịch, đầu tiên là phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm bến, bãi, luồng, tuyến.

Tuy nhiên, bến thủy nội địa được yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch khác, trong khi hiện nay quy hoạch ngành không có. Hiện thành phố có 411 vị trí bến thủy nội địa, Sở GTVT đã nhiều lần đề nghị cập nhật vào quy hoạch từng quận, huyện nhưng sau nhiều năm vẫn chưa nhận được phản hồi. Điều này dẫn đến tình trạng có những bến tồn tại từ rất lâu, hoạt động thực tế đáp ứng yêu cầu nhưng do chưa có trong quy hoạch nên tạm thời phải đóng cửa.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các sở ngành về việc tìm cách phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy trên địa bàn TPHCM. Tinh thần chung là vướng mắc đến đâu, gỡ đến đó. Thành phố sẽ triển khai nhiều nhóm việc theo thứ tự ưu tiên, gồm hoàn thiện quy hoạch chung, tạo cơ sở hoàn tất quy hoạch bến bãi ven sông, kêu gọi nhà đầu tư khai thác; có cơ chế về giảm, miễn thuế để nhà đầu tư mua sắm phương tiện; cải tạo môi trường nước, nâng độ tĩnh không thông thuyền một số cầu thấp… Qua đó, giúp cho ngành du lịch TPHCM cũng như vận tải thủy ngày càng phát triển.

Các tin khác