Bên cạnh đó là hình ảnh những dãy xe du lịch xếp hàng dài, chật cứng đường đi dưới chân tháp bà Ponagar; sự bát nháo, ngột ngạt và nóng bức tại bến Cầu Đá khi du khách xếp hàng rồng rắn để lên tàu tham quan các đảo…
Trong khi đó, tôi cũng được biết ở Phú Quốc, du khách đến kéo theo giá cả leo thang, kèm theo đó là rác thải đổ bừa bãi. Hàng loạt bãi biển đẹp như bãi Dài, bãi Trường, bãi Thơm, bãi Khem, mũi Đất Đỏ... đã trở thành đất của các resort, người dân địa phương và cả du khách nếu không ở tại các cơ sở lưu trú này rất khó tiếp cận những bãi biển đẹp của đảo Ngọc.
Hay trong những câu chuyện về thu hút du khách, đô thị cổ Hội An ở Quảng Nam là một điểm sáng về tăng trưởng lượng khách du lịch, nhưng với hàng triệu du khách đến mỗi năm, đô thị nhỏ này đang trở nên ngột ngạt. Khoảng chục năm trước, đến đây vào buổi tối, khách phương xa có thể cảm nhận được không gian yên ả của phố cổ, nhìn thấy những đứa trẻ thoải mái chơi nhảy dây, các bà các chị tụm năm tụm ba trò chuyện trên phố. Những hình ảnh đó nay đã ít dần, các con phố trở nên chật chội hơn với những bước chân du khách. Ước tính lượng du khách đến những địa danh du lịch như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc... thời gian gần đây đã tăng hơn gấp đôi so với cách nay 5 năm, mang lại nguồn thu lớn cho các địa phương này, nhưng mặt khác là sự gia tăng những lời phàn nàn về giao thông trở nên khó khăn, sự ồn ào, chi phí đắt đỏ...
Một người bạn vừa đi du lịch Đài Loan kể cho tôi câu chuyện hòn đảo này: Thời gian gần đây Đài Loan mở cửa cho khách du lịch Việt Nam (trước đó hạn chế cấp visa), do khách Trung Quốc bị siết lại nên phải tìm cách hút khách Việt Nam.
Vì sao lại có chuyện ngược đời này. Theo anh bạn, do du khách đến Đài Loan những năm gần đây quá đông, khiến người dân nơi đây cảm thấy phiền hà bởi sự ồn ào, cuộc sống của họ bị thay đổi, chi phí sinh hoạt trở nên đắt đỏ hơn. Liên hệ với nước ta, những năm trở lại đây, du lịch cộng đồng phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, kéo theo đó là không ít mặt trái, trong đó đáng báo động là nhiều nét văn hóa truyền thống đang mất đi. Đặc biệt, tại các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, mỹ thuật thủ công, âm nhạc, lễ hội, đời sống cộng đồng là yếu tố chính để phát triển du lịch đang dần phai nhạt.
Trong khi đó, một thực tế đáng buồn là người dân - chủ nhân của du lịch cộng đồng - được hưởng lợi rất ít. Hầu hết các hộ dân làm homestay phụ thuộc vào hướng dẫn viên của doanh nghiệp lữ hành. Hộ nào chi phần trăm lợi nhuận cho hướng dẫn viên hộ dân đó mới đón được khách, bán được sản phẩm lưu niệm.
Được biết, du lịch cộng đồng đang là hướng phát triển tiềm năng, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ người dân tại các điểm du lịch lại ít hoặc không được hưởng lợi từ hình thức này.
Thúc đẩy phát triển du lịch đang là mục tiêu của nhiều địa phương, nhưng trong chính sách phát triển du lịch, các nhà quản lý hoạt động ngành cần chú ý những nỗ lực làm hài lòng du khách, phải hài hòa với lợi ích của người dân địa phương. Du khách có quyền hưởng thụ những dịch vụ tốt nhất để vui chơi, thư giãn, thì người dân địa phương cũng phải được sống thoải mái và được thụ hưởng đúng nghĩa những thành quả từ sự phát triển du lịch. Như vậy mới là phát triển bền vững.
Du lịch là một ngành kinh tế khá nhạy cảm. Vì vậy, muốn phát triển du lịch cộng đồng cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực: Cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt, khí hậu… Mặt khác, du lịch cộng đồng phải thực sự là mô hình do người dân thực hiện và vì cuộc sống của người dân. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi, lúc đó du lịch cộng đồng mới phát triển. Lúc đó du khách vui và người dân cũng hoan hỉ.
(TPHCM)