Du lịch VN: Đối đầu sức ép cạnh tranh

(ĐTTCO) - Với những lợi thế như có bờ biển dài, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và một nền văn hóa giàu bản sắc, nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thể phát triển đúng với tiềm năng. Du lịch Việt Nam tụt hậu so với thế giới và các nước trong khu vực bởi tồn tại nhiều rào cản làm nản lòng du khách.

(ĐTTCO) - Với những lợi thế như có bờ biển dài, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và một nền văn hóa giàu bản sắc, nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thể phát triển đúng với tiềm năng. Du lịch Việt Nam tụt hậu so với thế giới và các nước trong khu vực bởi tồn tại nhiều rào cản làm nản lòng du khách.

2015: Vượt chỉ tiêu và 6 “nỗi sợ”

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, 11 tháng năm 2015 Việt Nam đón hơn 7 triệu lượt khách quốc tế và 53,8 triệu lượt khách nội địa. Như vậy, so với mục tiêu chiến lược đặt ra cả năm 7-7,5 triệu lượt khách quốc tế và 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa, đến tháng 11 ngành du lịch đã thực hiện vượt mức 6,7% về khách quốc tế và 46% khách nội địa. Ngoài ra, so về mục tiêu của chiến lược thu hút ngoại tệ năm 2015 đạt 10-11 tỷ USD (tương đương 220.000-230.000 tỷ đồng), nhưng thực tế đã vượt hơn 100.000 tỷ đồng (khoảng 44%). Những số liệu này đang minh chứng sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành du lịch khi đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là việc khách quốc tế đến Việt Nam giảm liên tục trong thời gian dài.

Thái Lan có 27-30 triệu khách du lịch nước ngoài/năm với doanh thu khoảng 50-60 tỷ USD, còn với Việt Nam khoảng 8 triệu khách, doanh thu hơn 11 tỷ USD. Trong khi so với Thái Lan, Việt Nam có ưu thế hơn về phong cảnh thiên nhiên và nền văn hóa giàu bản sắc. Chính vì vậy những người làm du lịch Việt Nam cần phải quyết liệt hơn trong việc đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ những rào cản khiến du lịch Việt Nam tụt hậu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Tuy nhiên, phía sau những cái được này vẫn còn rất nhiều hạn chế của ngành, như rào cản khiến khách quốc tế e ngại khi chọn Việt Nam làm điểm đến trong hành trình du lịch của mình. Giữa năm, trong một buổi trao đổi về vấn đề khách quốc tế sụt giảm kéo dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Qua thăm dò ý kiến, có thể thấy khách du lịch đến Việt Nam có 6 “nỗi sợ”, nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề này, không cần tốn tiền mà du lịch cũng lên”.

Thứ nhất, du khách sợ tình trạng làm giá, chặt chém. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng về kinh tế mà quan trọng hơn còn làm cho khách du lịch cảm thấy không được coi trọng, bị coi thường. Thứ hai, sợ giao thông Việt Nam. Thứ ba, sợ tình trạng ăn xin, ăn cắp vặt. Thứ tư, lo ngại an toàn vệ sinh thực phẩm khi họ trực tiếp thấy cảnh khắp vỉa hè, đường phố, người bán bốc thức ăn bằng tay không, việc tối thiểu, đơn giản nhất là đeo bao nilon cũng không có. Thứ năm, sợ về môi trường ở Việt Nam, từ rác thải đến cả chuyện nhà vệ sinh… siêu mất vệ sinh. Ngay ở các khu du lịch trọng điểm cũng thường thấy cảnh rác được xả ra đường, nơi công cộng. Thứ 6, người Việt Nam rất mến khách nhưng cũng có những nơi, có người không thể hiện sự tôn trọng khách. Có thể thấy rõ nhất cảnh khi mua bán, nhiều nơi đon đả mời khách vào mua, nhưng nếu khách xem xong không mua, người bán thể hiện ngay thái độ thiếu tôn trọng.

Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 vừa mới diễn ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết mục tiêu trong năm 2016 ngành du lịch phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016 là tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP, Chỉ thị 14/CT-TTg; hoàn thiện dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), trình thẩm định và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội; triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch; hoàn thành và trình phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL và 3 quy hoạch Khu du lịch quốc gia (Tân Trào, Tuyên Quang, Phong Nha Kẻ Bàng, Quảng Bình, Vịnh Xuân Đài, Phú Yên); tiếp tục triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020, tập trung các hoạt động e-marketing (tiếp thị qua mạng); tăng cường liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy du lịch liên vùng, liên kết sản phẩm du lịch; thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia về du lịch và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia…

 2016: Làm gì để du khách trở lại?

Thoạt nhìn sẽ thấy năm 2016 ngành du lịch sẽ có rất nhiều việc phải làm và đây đều là những chương trình lớn. Trong ngổn ngang những chương trình, ngành du lịch có nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2-7-2015 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của địa phương trong 3 nhóm vấn đề chính: tăng cường quản lý giá cả; bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch; bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng con đường từ chỉ thị đến thực tế liệu có được ngành du lịch rút ngắn hay không chính là điều được nhiều người mong chờ.

Ngành du lịch trong năm 2016 và những năm tiếp theo có rất nhiều công việc phải triển khai thực hiện, để thay đổi cơ bản hình ảnh du lịch Việt Nam, và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Muốn vậy việc quảng bá, xúc tiến du lịch phải đạt hiệu quả, dựa trên 3 yếu tố: nguồn lực tài chính, con người, tận dụng ưu thế công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

Lâu nay, ngành du lịch Việt Nam đứng trước thực tế số lượng khách du lịch nước ngoài trở lại Việt Nam lần 2, lần 3 vẫn còn quá ít. Vậy làm sao để khách quốc tế quay lại Việt Nam đang là một câu hỏi rất lớn. Bình luận về vấn đề này, ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, cho rằng để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam phải giải quyết vấn đề làm sao để khách đến dễ dàng và ở dễ chịu, trong đó giải quyết visa là một trong những chính sách quan trọng quyết định khách du lịch sẽ đến điểm nào. Câu chuyện ông Ken Atkinson, đại diện Nhóm công tác du lịch, kể tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam về cặp vợ chồng người châu Âu đi du lịch Đông Nam Á. Họ dự định đến Việt Nam theo lịch trình, song cuối cùng không đi vì phí visa quá cao. Chi phí xin visa vào Việt Nam bằng chi phí họ ở lại 2 đêm ở Bangkok, vì thế họ quyết định ở lại Thái Lan thay vì tiếp tục đi đến Việt Nam, đã khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Thực tế này đã thôi thúc Chính phủ thực hiện việc miễn visa đơn phương cho khách du lịch đến từ 6 nước châu Âu. Tuy đánh giá cao chương trình này, nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng vẫn còn 2 nút thắt cần tháo gỡ. Thứ nhất, thời gian miễn 15 ngày quá ngắn. Thứ hai, thời gian thực hiện chương trình từ ngày 1-7-2015 đến ngày 30-6-2016 cũng chưa đủ, nên kéo dài hơn. Ngoài ra, nên phát triển mạnh visa online cũng như cải thiện điều kiện cấp visa tại cửa khẩu để hút khách quốc tế nhiều hơn.

 Thách thức từ hội nhập

Chỉ còn vài ngày nữa, Cộng đồng ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành. Ngành du lịch cũng như nhiều ngành khác sẽ phải đứng trước nhiều thách thức nếu không có sự chuẩn bị chu đáo. Mối lo đầu tiên của ngành du lịch là sức ép cạnh tranh trong việc hút khách du lịch. AEC sẽ trở thành điểm đến chung nhưng mức độ hút khách của mỗi nước không giống nhau.

Lâu nay, chúng ta vẫn tự hào Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 điểm đến du lịch hàng đầu khu vực, nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và 3 nước đứng đầu là Malaysia, Thái Lan, Singapore còn rất xa. Và dù tỷ lệ thu hút khách đến Việt Nam từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Nhật Bản khá tương đồng với các nước khu vực, nhưng mức chi tiêu du lịch từ các thị trường này đến Việt Nam vẫn chưa cao. Thêm vào đó, các nước trong khối không có bề dày về năng lực phát triển du lịch, mà đều có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Vì vậy, cùng với tốc độ phát triển du lịch vượt trội, các nước trong khu vực đang tạo ra sức ép rất lớn cho du lịch Việt Nam. Các chi phí du lịch ở Việt Nam nếu đem lên bàn cân so sánh với các nước còn cao hơn rất nhiều. Một thống kê đã chỉ ra rằng chi phí khách sạn của Việt Nam cao hơn 25%, chi phí ăn uống cao hơn 30%, chi phí vận chuyển cũng cao hơn khoảng 25% so với các nước trong khu vực.

Khách du lịch nước ngoài rất thích phong cảnh Việt Nam, nhưng hầu như đi một lần... ngại trở lại. Ảnh: LONG THANH

Khách du lịch nước ngoài rất thích phong cảnh Việt Nam,

nhưng hầu như đi một lần... ngại trở lại. Ảnh: LONG THANH

Trước thực tế trên, song hành với rất nhiều việc cần phải làm để cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam, việc quảng bá, xúc tiến du lịch hết sức cần thiết. Thách thức tiếp theo là nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Nhân lực trong ngành du lịch được dịch chuyển tự do trong AEC, vì thế nếu lao động trong nước không nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành sẽ thua ngay trên chính sân nhà, hậu quả nhiều người sẽ mất việc làm. Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch ASEAN sẽ có nhiều cơ hội thu hút lao động tay nghề cao của Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa nếu doanh nghiệp du lịch trong nước không đổi mới, không phát triển để giữ chân lao động có tay nghề cao, rất dễ xảy ra tình trạng chảy máu chất xám.

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao, cho rằng khi AEC đi vào hoạt động, nếu các nhà cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam không nâng cao chất lượng, bảo đảm mức giá phù hợp với thị trường sẽ rất khó cạnh tranh. Mặt khác, AEC thành lập hệ thống tiêu chuẩn chung về nghề và dịch vụ du lịch trong ASEAN sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong nghiên cứu, xây dựng. Nhưng do xuất phát điểm thấp, việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này không hề đơn giản đối với ngành du lịch hiện nay. 

Các tin khác