Liên kết cùng các địa phương
Phạm vi điều chỉnh trực tiếp bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM, với diện tích 2.095km2 và 28,7km2 khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Phạm vi điều chỉnh gián tiếp bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP và các tỉnh thuộc vùng TPHCM (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, với diện tích khoảng 30.404km2. Mục tiêu của quy hoạch là từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TPHCM và các địa phương lân cận, cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của TPHCM một cách chiến lược, trọng điểm và phát huy hiệu quả.
Các mục tiêu tiếp theo gồm phát triển đô thị TPHCM thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Đảm bảo yêu cầu mối quan hệ hài hòa, hữu cơ, kết nối chặt chẽ giữa phát triển mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu. Hình thành các hạt nhân của các trung tâm chính và trung tâm phụ về tài chính, thương mại dịch vụ, y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục đào tạo của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị. Củng cố cấu trúc đô thị đa cực, giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan TP, đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng, phát triển quỹ đất cây xanh trong các khu vực hiện hữu…
Đến năm 2040 khoảng 13-14 triệu người (tầm nhìn đến 2060 là 16 triệu người) được nghiên cứu phân bổ hợp lý trong quá trình lập đồ án. Dự kiến khu vực nội thành cũ 4,5-5 triệu người; khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (TP Thủ Đức) 1,9 triệu người (tầm nhìn đến 2060 là 3 triệu người); khu nội thành phát triển 2,2-2,9 triệu người; khu ngoại thành 4,2-5,6 triệu người, trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người, riêng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người. Quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000-110.000ha; trong đó khu nội thành cũ 14.000ha; khu nội thành phát triển 35.000ha và khu ngoại thành 50.000-60.000ha.
TP sẽ hình thành các hạt nhân của trung tâm tri thức, trung tâm y tế, văn hóa, giáo dục của vùng đô thị và hạt nhân các khu đô thị mới, củng cố cấu trúc đô thị đa cực. Người dân được đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng. Phát triển cây xanh trong các khu vực hiện hữu để có môi trường không khí đảm bảo sức khỏe người dân. Người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch giá rẻ của nền nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao… TPHCM sẽ là TP đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương, có môi trường làm việc hấp dẫn, đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề xuất phân khu chức năng và cơ cấu tổ chức không gian TP với khu dân dụng, gồm khu nội thành cũ, khu nội thành phát triển, khu ngoại thành, các khu dân cư nông thôn thì tập trung cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Khu mới gồm TP Thủ Đức, các khu đô thị cảng Hiệp Phước, Tây Bắc, Bình Quới - Thanh Đa, du lịch biển Cần Giờ… đầu tư theo hướng bền vững.
Quy hoạch phải thực tế và cụ thể
Quy hoạch phải thực tế và cụ thể
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, hiện nay TPHCM có nhiều đề án quy hoạch, nhưng số liệu chênh nhau. Do đó chúng ta cần tích hợp lại để có sự thống nhất về số liệu, định hướng thời gian phát triển, nếu không mỗi ngành sẽ nói một kiểu. Chúng ta quy hoạch tầm nhìn đến 2060, với thời gian dài như vậy nên đưa ra vài nội dung với tính chất là chân lý phát triển. Làm thế nào để những thế hệ lãnh đạo sau phải tiếp tục chân lý ấy. Thí dụ, Singapore xác định chân lý phát triển là dịch vụ và cho đến nay họ vẫn làm dịch vụ. Về dân số họ có sự khống chế, phát triển dân số chất lượng cao… Những chân lý đó hiện nay họ vẫn không thay đổi.
Chúng ta quy hoạch TPHCM phải đặt trong bối cảnh quan hệ với ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam bộ. Khi hình thành Vùng đô thị TPHCM chúng ta quan niệm TPHCM như đô thị mẹ, các đô thị xung quanh là TP vệ tinh hay đô thị phụ thuộc vào TPHCM. Thực tế hiện nay cho thấy quy hoạch này đã lạc hậu. Bởi Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là những cực tăng trưởng đối trọng với TPHCM. Tốc độ phát triển hay vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của những địa phương này tăng rất nhanh. Nhiều tập đoàn bất động sản của TPHCM như Novaland, Nam Long, Vingroup… đã và đang đầu tư vào các tỉnh này rất nhiều.
Bên cạnh đó, TPHCM cơ cấu kinh tế là thương mại- dịch vụ- công nghiệp và nông nghiệp. Nhưng phải xác định nông nghiệp có còn hay không? Xóa hay giữ? Rất nhiều nước tái hiện nông thôn trong đô thị, ở Việt Nam lại có quan niệm khác biệt nông thôn và đô thị rất rạch ròi. Hay nếu TPHCM dân số lên 16 triệu trong điều kiện hạ tầng như thế này sẽ vỡ trận. Dân số 16-18 triệu, quy hoạch cần phải tính lại. TPHCM cũng nên tính toán vấn đề khống chế dân số chỉ có thể 10-12 triệu, bởi nếu hơn nữa sẽ không đủ nguồn lực để nuôi, phát triển đô thị cũng có ngưỡng của nó.
TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia về hàng không cho rằng, chúng ta nói về giấc mơ trung tâm tài chính, đô thị thông minh, đô thị sáng tạo… Nhưng tôi e rằng chúng ta gặp rất nhiều trắc trở về quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông. Câu chuyện mô hình đô thị cần được chú trọng đúng mực và trả lời một cách mạch lạc. Chúng ta hay nói những TP lớn ở nước ta đều đất chật người đông. Thực ra không phải, TPHCM với diện tích 2.100km2, lớn gấp 3 lần diện tích Singapore và dân số gấp 1,5 lần Singapore. Nhưng Singapore không thiếu đất như ta. Về hạ tầng giao thông Singapore bình quân 4,9km đường/1km2 diện tích, trong khi TPHCM chỉ 2,1km đường/1km2. Đường Singapore nhiều làn xe hơn ta, diện tích cây xanh của họ cũng hơn ta rất nhiều.
Vì thế, câu chuyện mô hình đô thị phải trả lời cho được là việc chúng ta chuyển dịch từ thực trạng hiện nay sang cái đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường trong một lộ trình cụ thể. Nếu chúng ta không rõ ràng về vấn đề này sẽ vướng rất nhiều. Chúng ta phải nói thẳng ra mô hình đô thị Sài Gòn - TPHCM hiện nay là mô hình gì? Theo tôi, nói một cách trực quan đó là mô hình đô thị thấp tầng dựa trên phương tiện giao thông cá nhân. Mô hình này có thể và có đáng duy trì nữa không? Tôi cho rằng là không. Tôi tin rằng TPHCM sẽ phát triển như các đô thị hiện đại ở châu Á, bởi chúng ta bắt buộc phải phát triển theo hướng các đô thị đó. Đó là các đô thị cao tầng dựa trên giao thông công cộng như Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bắc Kinh, Singapore… Nếu không mạch lạc chúng ta sẽ vướng, không lấy đâu ra đất để làm đường, để làm các công trình công cộng.