Trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao
- Phóng viên: Nội dung nào trong Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Thành ủy mà huyện tâm đắc nhất, thưa đồng chí?
Đồng chí LÊ MINH DŨNG: Nghị quyết 12 xác định mục tiêu đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Quan điểm phát triển huyện Cần Giờ cũng được nêu rõ, là nhằm khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng biển để Cần Giờ trở thành một trong những không gian mới, động lực mới thúc đẩy phát triển TPHCM.
Nghị quyết 12 ra đời thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TPHCM đối huyện. Điều đó cũng đặt ra trách nhiệm của lãnh đạo huyện trong việc xây dựng, phát triển huyện xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM dành cho huyện.
- Sự phát triển của Cần Giờ trong thời gian qua đã tương xướng với tiềm năng, lợi thế của huyện?
Huyện Cần Giờ có tiềm năng rất lớn, có vị trí chiến lược rất quan trọng, là cửa ngõ của TPHCM ra hướng ra Biển Đông, là huyện duy nhất của TPHCM có biển với đường biển dài hơn 23km. Huyện còn có rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới, là lá phổi xanh của thành phố, nơi bảo tồn đa dạng sinh học.
Đây là tài sản vô giá của TPHCM nói chung, người dân Cần Giờ nói riêng. Huyện cũng có đầu mối giao thông quan trọng, kết nối với các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Nai. Đó là những cơ hội, tiềm năng, nguồn lực rất lớn để phát triển.
Khoảng 10 năm trở lại đây, Cần Giờ đã thay đổi diện mạo, không ngừng phát triển, đời sống người dân ngày một nâng cao. Dù vậy, huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Như dù có lợi thế phát triển kinh tế biển nhưng chưa có khu đô thị biển, chưa có dịch vụ hậu cần logistics.
Nhìn chung, đến nay, Cần Giờ vẫn là một huyện nông thôn mới. Đời sống người dân còn khó khăn. Hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế.
Phát huy lợi thế có biển
- Vậy những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nào sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian tới để giải quyết những khó khăn đó cũng như cụ thể hóa Nghị quyết 12?
- Mục tiêu, giải pháp phát triển Cần Giờ đã được nêu rất cụ thể. Chúng tôi đã quán triệt và ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện với quyết tâm cao. Cụ thể, huyện nỗ lực tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân và từng bước phát triển huyện theo như mong muốn.
Quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch vùng huyện theo phương án quy hoạch hài hòa giữa “Ý tưởng quy hoạch phân khu 1/5000 huyện Cần Giờ” và tình hình thực tế theo hướng hiện đại, sát thực tiễn làm cơ sở lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.
Cần Giờ phối hợp khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch vùng huyện Cần Giờ, quy hoạch sử dụng đất; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút được nguồn nhân lực, nhà đầu tư đến đầu tư. Huyện cũng phối hợp tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo đột phá phát triển kinh tế, trong đó có các dự án giao thông kết nối giữa các cực phát triển của huyện với trung tâm TPHCM và với các tỉnh lân cận.
Đó là dự án xây cầu Cần Giờ, nút giao thông kết nối đường Rừng Sác với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng những tuyến phà liên kết với các tỉnh như phà Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Giờ - Vũng Tàu. Huyện cũng sẽ nâng cấp thêm 2 phà chở khách tại bến phà Bình Khánh loại 200 tấn để giải quyết nhu cầu đi lại, nhất là vào dịp lễ hoặc những ngày cuối tuần.
- Còn việc phát huy tiềm năng, lợi thế biển đưa Cần Giờ trở thành một động lực mới thúc đẩy phát triển TPHCM thì sao, thưa đồng chí?
Huyện phối hợp với Sở Du lịch TPHCM triển khai một số mô hình du lịch sinh thái như mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An); phát triển nông nghiệp gắn với các điểm đến du lịch như ở các khu sản xuất muối, khu nuôi trồng thủy sản...
Huyện cũng phối hợp nâng cấp các di tích văn hóa lịch sử như Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Rừng Sác, Di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ, Di tích kiến trúc nghệ thuật Lăng Ông Thủy Tướng Cần Thạnh, Lễ hội Nghinh Ông.
Đặc biệt, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là một dự án, công trình đột phá, tạo cơ hội để huyện tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác. Dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và đang chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/5000. Hiện nay, huyện tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư tiến hành những thủ tục đẩy nhanh tiến độ dự án.
Để xây dựng, phát triển Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường, trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn như Nghị quyết 12 xác định, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và xử lý chất thải là rất quan trọng.
Do đó, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để có quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước thật tốt cũng như xây dựng một khu xử lý chất thải hiện đại, thân thiện môi trường dành riêng cho Cần Giờ.
Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ LÊ MINH DŨNG: |