Đưa hàng vào Trung Quốc, không thể 'hời hợt'

(ĐTTCO) - Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, thị trường Trung Quốc rất lớn, rất nhiều cơ hội cho rau quả Việt Nam. Nhưng muốn đứng vững ở thị trường này cần nhiều việc phải làm.

Chanh dây là loại trái cây tiếp theo của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Chanh dây là loại trái cây tiếp theo của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

PHÓNG VIÊN: - Trung Quốc vừa đồng ý mở thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, đặc biệt xem xét mở cửa cho trái bơ và chanh dây. Điều này có tác động như thế nào đến xuất khẩu rau quả Việt Nam thời gian tới, thưa ông?

Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN: - Trước hết cần khẳng định bất cứ loại trái cây nào được phía Trung Quốc mở cửa đều là thông tin tích cực, bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ nông sản rất lớn. Song để nói về tác động của việc mở cửa cho bơ và chanh dây đến xuất khẩu rau quả, có lẽ trong thời gian ngắn sẽ chưa nhiều. Với chanh dây khi cánh cửa mở ra quy mô xuất khẩu sẽ vào khoảng 100 triệu USD.

Nguyên nhân khiến kim ngạch còn khiêm tốn như vậy là diện tích trồng tại Việt Nam hiện nay còn ít, giống chanh dây đang trồng hiện nay phù hợp làm sản phẩm chế biến hơn là xuất khẩu tươi. Muốn tận dụng cơ hội từ việc mở cửa của nước bạn thì chanh dây Việt Nam cần cải tạo giống để mẫu mã đẹp hơn, phù hợp với việc xuất tươi nhiều hơn.

Tương tự với trái bơ, theo tính toán của chúng tôi khi thị trường Trung Quốc mở, kim ngạch xuất khẩu cũng sẽ mang về khoảng 50 triệu USD. Bởi lẽ, khi thị trường Trung Quốc mở cửa chúng ta sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ nhiều quốc gia, trong khi chất lượng, mẫu mã của họ khá vượt trội.

Nghiên cứu thị trường Trung Quốc không chỉ để hiểu rõ các đối thủ cạnh tranh, còn nắm được mùa vụ của hàng nội địa Trung Quốc, để khi xuất khẩu không bị cảnh “dội hàng”.

Năm nay ngành rau quả kỳ vọng Trung Quốc sẽ ký nghị định thư cho sầu riêng đông lạnh và trái dừa tươi của Việt Nam. Nếu có, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho xuất khẩu rau quả năm 2024. Chúng tôi cũng vẫn đặt kỳ vọng rất lớn vào việc tăng tốc xuất khẩu sầu riêng với mức kim ngạch khoảng 3-3,5 tỷ USD, từ đó đóng góp chung vào mục tiêu của toàn ngành 6-6,5 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm phần lớn kim ngạch.

- Được biết Trung Quốc sẽ cho phép thêm một số nước khác xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này, liệu sầu riêng Việt có bị cạnh tranh nhiều, thưa ông?

- Như tôi đã nói, Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ nông sản rất lớn. Trong năm 2023 mặc dù chúng ta ghi nhận kỷ lục xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này, nhưng thực tế cung vẫn không đủ cầu. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của người dân ở đây còn rất nhiều và dù có thêm các quốc gia như Malaysia hay Philippines đưa sầu riêng vào, cũng chưa chắc đã đủ cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường tỷ dân này.

Vì thế thêm đối thủ sẽ có thêm cạnh tranh nhưng không quá gay gắt, đó là chưa muốn nói sầu riêng của Việt Nam còn có không ít lợi thế.

Thứ nhất, sầu riêng Việt Nam rải vụ quanh năm, trong khi các nước như Thái Lan thu hoạch theo thời vụ.

Thứ hai, Việt Nam gần Trung Quốc nên thời gian vận chuyển ngắn, giữ được độ tươi ngon cho sản phẩm, lại thêm chi phí logistics thấp nên tính cạnh tranh về giá tốt hơn. Tất nhiên, chúng ta cũng còn nhược điểm là mẫu mã và chất lượng giống thua Thái Lan, nên thời gian tới rất cần đầu tư cho công tác chọn giống để có những sản phẩm cạnh tranh hơn.

Cũng cần khẳng định thêm rằng, khi phía Trung Quốc có những đòi hỏi cao hơn về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhà vườn và doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đáp ứng khá tốt. Chúng ta cũng đang có nhiều chuyển động tích cực để nắm bắt tốt thị trường màu mỡ này.

Song bên cạnh chất lượng, tiêu chuẩn, mẫu mã đang không ngừng được cải thiện, để cắm rễ sâu vào thị trường, xuất khẩu ổn định đừng quên công tác nghiên cứu thị trường. Nghiên cứu không phải chỉ để hiểu rõ các đối thủ cạnh tranh, còn nắm được mùa vụ của hàng nội địa Trung Quốc để khi đưa qua không bị cảnh “dội hàng”.

Có những sản phẩm nông sản hiện Trung Quốc có sản lượng lớn, nếu chúng ta đưa hàng đúng vụ họ thu hoạch, khó khăn sẽ không ít.

- Năm nay ngành rau quả đặt mục tiêu đầy tham vọng, và ngay tháng đầu năm dường như đã có được bước đệm tốt, khi kết quả xuất khẩu rất khả quan?

- Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi dựa trên số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả tháng đầu tiên năm 2024 đạt khoảng đạt 459 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023 tăng trên 89% và so với tháng liền kề trước đó (tháng 12-2023) tăng trên 12%.

Có thể nói đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng. Nguyên nhân, Trung Quốc cũng đang vào dịp cao điểm mua sắm cho Tết âm lịch, nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm hoa quả tăng cao. Trong đó đáng chú ý sầu riêng, thanh long và chuối dịp này được tiêu thụ khá mạnh.

Sầu riêng được chọn làm sản phẩm quà biếu giá trị cho dịp Tết nên cũng đắt hàng, còn chuối và thanh long hiện hàng nội địa của Trung Quốc không đủ cung cấp nên phải tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam.

Đặc biệt, thời điểm này các đợt lạnh liên tục khiến nguồn cung chuối nội địa của Trung Quốc hạn chế. Nhiệt độ xuống thấp, trái chuối trên cây bị bầm đen không bán được. Thị trường Trung Quốc khan hàng giúp hoạt động xuất khẩu chuối Việt Nam thuận lợi hơn. Ngoài ra, giữa năm, thanh long Trung Quốc dồi dào, nay đang hết vụ.

Theo truyền thống, người Trung Quốc rất thích dùng quả thanh long làm vật phẩm thờ cúng trong Tết nên nhu cầu tăng cao. Mùa tiêu thụ thanh long của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc thường kéo dài từ đầu năm đến cuối tháng 5 hàng năm. Chưa hết, do căng thẳng Biển Đỏ nên cước tàu vận chuyển tăng cao, thời gian vận chuyển dài khiến cho trái cây từ nhiều thị trường xa khi vận chuyển đến Trung Quốc cũng mất tính cạnh tranh, lúc này hàng Việt với ưu thế ở gần đã nhanh chóng chiếm được lợi thế.

Với những thông tin tích cực ngay trong tháng đầu tiên của năm mới, hy vọng sẽ tạo đà tốt để ngành rau củ ghi thêm nhiều thành tích mới trong năm 2024. Năm nay, bên cạnh thị trường chính Trung Quốc với nhiều tín hiệu sáng, các thị trường khác như Mỹ, EU, Australia… cũng sẽ mở cửa thêm cho nhiều loại trái cây của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác