Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, dù các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được dỡ bỏ hoặc giảm thuế chống bán phá giá, nhưng để duy trì lợi thế đạt được rất cần sự nỗ lực, đồng lòng cũng như ý thức đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng bền vững của các DN.
Giảm rào cản, vẫn còn nguy cơ
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) về kết quả đợt xem xét hành chính lần 5 vụ kiện tôm và đợt xem xét lần 7 vụ kiện cá tra, nhiều DN thủy sản Việt Nam được giảm thuế chống bán phá giá so với các lần trước.
Cụ thể, đối với mặt hàng tôm, CTCP Nha Trang Seafood được giảm thuế về bằng 0% so với mức thuế trước đó là 4,89%; Công ty Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Canimex) được giảm thuế từ 3,92% xuống 0,83%; Xí nghiệp Chế biến thủy sản Minh Phú được giảm thuế từ 2,95% xuống 1,15%; và 29 DN được hưởng thuế suất riêng rẽ có mức giảm thuế từ 1,52% xuống 1,04%.
Đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu, CTCP Vĩnh Hoàn đang có khả năng là DN đầu tiên thoát khỏi vụ kiện bán phá giá của Hoa Kỳ nếu kết quả xem xét hành chính lần 7 DN này vẫn có mức thuế 0%, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong tháng 3-2012.
Do vẫn bị EC giám sát nên ngành da giày Việt Nam phải rất cẩn trọng. Ảnh: LÃ ANH |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhận định: Các mức thuế chống bán phá giá có dấu hiệu giảm là do trong các tháng qua DN thủy sản nước ta đã đồng loạt tăng giá các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, trong đó so với cùng kỳ năm 2010 giá mặt hàng tôm tăng 1,05USD/kg lên mức 10,58USD/kg; giá mặt hàng cá tra tăng 0,64USD lên mức 3,73USD/kg.
DN tăng giá bán nên khi so sánh mức giá của Việt Nam với quốc gia thay thế, biên độ bán phá giá đã giảm nhiều, do vậy mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho các mặt hàng này cũng giảm đi. Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục sử dụng Banglades làm quốc gia thay thế để tính mức thuế chống bán phá giá, mặt hàng thủy sản Việt Nam có nhiều hy vọng sẽ được giảm thuế chống bán phá giá hơn nữa.
Ngành da giày Việt Nam cũng xuất khẩu thuận lợi hơn, do đã được dỡ bỏ thuế chống phá giá đối với các loại giày mũ da xuất khẩu vào thị trường EU. Được biết, hiện tại vẫn còn nhiều nước như Thái Lan, Bangladesh, Malaysia, Trung Quốc... bị áp mức thuế chống bán phá giá cao tại thị trường EU.
Tuy nhiên Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo ngành da giày cần cẩn trọng, bởi dù đã được dỡ bỏ thuế chống phá giá nhưng vẫn còn bị Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giám sát trong vòng 1 năm. Theo đó, EC sẽ giám sát xem số lượng mặt hàng giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu có tăng đột biến hay không; giá có thấp hơn nhiều so sánh với mức giá chung; và Việt Nam có nhập khẩu giày từ các nước bị áp thuế chống bán phá giá để tái xuất khẩu hay không nhằm kiểm soát tình trạng chuyển tải bất hợp pháp và trốn thuế bán phá giá.
Trong thời gian bị giám sát, công ty nào vi phạm sẽ bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao. Nếu có vi phạm nhưng không xác định được đơn vị cụ thể, EC sẽ áp dụng các mức chế tài lên cả ngành da giày Việt Nam. Như vậy, vẫn còn rất nhiều nguy cơ đe dọa ngành da giày Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ động tăng giá trị xuất khẩu
Các mặt hàng được sản xuất, chế biến để xuất khẩu ở Việt Nam giá rẻ nên dễ bị kiện bán phá giá. Chính vì vậy, các DN cần xem xét lại giá cả hàng xuất khẩu. Trước đây, nhiều DN tưởng rằng hạ giá sản phẩm sẽ tạo ra nhiều cơ hội bán hàng hơn, vì vậy trong ngành thủy sản đã xảy ra việc các DN cạnh tranh bằng cách hạ giá bán, gây ra nhiều tổn thất cho ngành thủy sản trong thời gian qua.
Việc tăng giá bán sẽ tăng giá trị xuất khẩu, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và tránh bị các nước áp thuế vô tội vạ. Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý: Cùng với việc tăng giá xuất khẩu để tránh bị đánh thuế chống phá giá, các DN trong nước nên trọng chất hơn lượng, tìm đến những đơn hàng có giá bán hợp lý, giá trị cao, hơn là những đơn hàng số lượng lớn nhưng giá trị thấp.
Nếu hàng xuất khẩu vào các nước có số lượng quá lớn, DN dễ rơi vào “sổ đen” của các thị trường khó tính như Hoa Kỳ và châu Âu. Khi thực hiện những đơn hàng có giá trị cao, DN sẽ được lợi về giá cả lẫn uy tín.
Để đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra, DN cần áp dụng biện pháp nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước thường xuyên áp thuế chống bán phá giá cho các mặt hàng xuất khẩu của nước ta như Hoa Kỳ hay EU. Như vậy, nếu có xảy ra các vụ kiện, các đơn vị cung cấp nguyên liệu tại các nước này sẽ có chương trình hỗ trợ và tư vấn cho EC hoặc DOC khi họ tiến hành điều tra chống bán phá giá.
Khi đó, DN Việt Nam sẽ tránh được nhiều rắc rối. Hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh đã triển khai hệ thống cảnh báo sớm, DN có thể sử dụng để theo dõi tình hình xuất khẩu chung về số lượng, giá cả, giá trị xuất khẩu hàng tháng, hàng quý, hàng năm để cân đối nguồn hàng và giá cả phù hợp với yêu cầu và lợi ích chung của từng ngành để tạo ra hiệu quả kinh tế cao.