Đừng để mục tiêu chỉ mãi là giấc mơ

(ĐTTCO) - Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 đã qua, nhưng nhìn về hiện tại của 2023 và quá khứ gần của vài năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt trải qua nhiều khó khăn từ nội tại đến ngoại lai.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Còn ở tương lai thời gian tới năm 2030 càng gần lại, mục tiêu có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65% càng trở thành thách thức. Nhưng thách thức hơn, là đất nước đang cần những DN trụ cột để cạnh tranh, là khu kinh tế tư nhân vẫn đang trong hành trình tiến tới trở thành động lực của nền kinh tế.

Hơn 35 năm, kể từ khi Đổi mới, Việt Nam đã có hơn 900.000 DN, hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 30.000 hợp tác xã, và đang có gần 30.000 DN FDI đang hoạt động. Nhìn về quá trình phát triển cũng như vai trò và sự đóng góp của lực lượng DN, cho thấy cộng đồng DN liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng và đang từng bước trở thành lực lượng trung tâm của nền kinh tế.

Thế nhưng, nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và sẽ tiếp tục mở, trong khi thế giới sẽ biến động khó lường hơn. Do vậy việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và có sức chống chịu đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Một trong các yếu tố quyết định sức chống chịu của nền kinh tế là có cộng đồng DN mạnh. Nhưng ngay cả về số lượng DN cũng chưa đủ đông, quy mô nhỏ, đặc biệt 3 khu vực DNNN, DN tư nhân trong nước và DN FDI đang bị phân mảnh, không gắn kết để tạo thành một thể thống nhất. Vì thế nền kinh tế bị phân mảnh.

Nhìn ra bối cảnh thế giới và thực trạng Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: Nền kinh tế cần sự phát triển theo trục liên kết, thiết kế theo chuỗi sản xuất với sự kết nối các DN ở các quy mô khác nhau, các loại hình kinh doanh khác nhau. Trong chuỗi liên kết này, các tập đoàn kinh tế mạnh đóng vai trò trụ cột, dẫn dắt và kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng hiện tại, về mặt cấu trúc, độ liên kết giữa DN lớn với DN nhỏ, giữa DNNN với DN tư nhân, giữa DN trong nước và DN FDI quá kém.

Điều rất lo ngại hiện nay là sự phát triển của lực lượng DN Việt đang chậm lại về tốc độ, nhỏ dần về quy mô, trong khi số DN rời khỏi thị trường lại tăng lên. Nhìn vào những con số thống kê về DN ông Thiên trầm ngâm: “DN ra đi nhiều như thế, tương đương 70-75% số DN mới ra đời. Như vậy số DN Việt “sống thọ” không nhiều, phần lớn trong đó chưa kịp lớn đã ra đi. DN Việt Nam giỏi chống chịu nhưng chậm lớn, khó lớn, khó trưởng thành. Khu vực tư nhân là động lực quan trọng nhưng suy yếu như thế này, rất đáng lo ngại”.

Thực trạng trên càng cho thấy đất nước đang cần những DN trụ cột, cần một lực lượng DN mạnh để cạnh tranh. Nền kinh tế đang cần thúc đẩy, khơi thông các động lực tăng trưởng, tích cực tận dụng sự chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu để nâng cao chất lượng. Nhưng DN nội địa cũng phải có nhiều “đại bàng”, để đủ sức “hợp đàn” với “đại bàng quốc tế". Theo đó, một cộng đồng DN khỏe là động lực cho tăng trưởng cao bền vững, là động lực làm cho nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau các biến động lớn, bất thường từ bên ngoài.

Thực tế, DN Việt không ngần ngại lao vào cạnh tranh và học cách lớn lên, họ cũng đang lớn lên. Song để thực sự lớn mạnh là cả câu chuyện đầy thách thức. Thách thức bởi hệ thống thể chế không còn phù hợp. DN đang bị trói buộc bởi nhiều rào cản, nhiều điều kiện nên khó lớn, thậm chí không thể lớn được. Quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh chưa thực sự được bảo đảm. Còn nhiều rào cản, nhiều rủi ro, không chỉ là rủi ro thị trường, DN còn hứng chịu nhiều rủi ro chính sách.

Đã 1 lần mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN đang hoạt động không đạt được, và mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025 cũng không thể đạt được. Không thể để con số 2 triệu DN mãi là giấc mơ. Đất nước đang cần năng lượng và sức sáng tạo, đang cần nguồn lực từ cộng đồng DN mạnh mẽ, để có được động lực tăng trưởng trong bối cảnh vô vàn cơ hội nhưng cũng đầy thách thức.

Các tin khác