Sự đóng góp lớn lao của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN đã góp phần đưa nền kinh tế có được vị thế như ngày hôm nay. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên các động lực tăng trưởng của nền kinh tế cần được làm mới và nâng cấp. Đội ngũ doanh nhân được kỳ vọng sẽ gánh vác trọng trách này với tinh thần chủ đạo là nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Gia tăng giá trị nội địa
Nhìn vào xuất khẩu là một động lực quan trọng của nền kinh tế, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 372 tỷ USD, tương đương 91% GDP. Nhưng trong xuất khẩu, các DN trong nước chỉ đóng góp vỏn vẹn 25,6%. Phần lớn còn lại nhờ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Như vậy, nếu DN trong nước có thể tăng thêm 1 điểm phần trăm trong tỷ trọng xuất khẩu, doanh thu của họ từ thị trường xuất khẩu mỗi năm sẽ tăng thêm được 3,7 tỷ USD. Nếu tăng được 10 điểm phần trăm, đó sẽ là con số 37-40 tỷ USD mỗi năm.
Tương tự như vậy ở chiều nhập khẩu, trong tổng số 360,6 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa năm 2022, hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%. Nếu DN trong nước sản xuất được để thay thế cho 10% tư liệu sản xuất phải nhập khẩu, sẽ tương đương với khoản doanh thu khoảng 36 tỷ USD.
Đây thực sự là những con số khiến nhiều doanh nhân trăn trở. Bởi ngoài ý nghĩa về mở rộng thị trường xuất khẩu, khả năng doanh thu, nó còn có ý nghĩa lớn về nâng cao tính tự cường của DN Việt và của nền kinh tế khi hạn chế nhập khẩu.
Cơ hội làm mới động lực tăng trưởng từ xuất nhập khẩu như vậy có thể đến từ việc các DN trong nước nâng cao tỷ trọng trong hoạt động. Từ đó dịch chuyển dần sang mô hình phát triển ngoại thương bền vững, ổn định và tính tự chủ.
Nỗ lực dịch chuyển nâng cao tỷ lệ nội địa của xuất nhập khẩu bằng sự đóng góp lớn hơn của các DN trong nước, sẽ đóng góp mạnh mẽ cho tổng cầu của nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP, không tạo áp lực phải tăng mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu - một mục tiêu sẽ ngày khó khăn hơn do kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mức khá cao so với GDP.
Đồng thời cũng giảm bớt sự phụ thuộc vào việc gia tăng xuất khẩu để tăng trưởng GDP vốn là hạn chế của nền kinh tế. Những khó khăn từ nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 vừa qua đã giúp chúng ta nhận biết được một cách rõ ràng, trực diện hơn.
Phát triển thị trường trong nước
Với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường lớn thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN. Thị trường Việt Nam càng hấp dẫn hơn khi xét tới con số GDP bình quân đầu người 4.160 USD/năm, cũng như việc nhiều tổ chức quốc tế và công ty tư vấn hàng đầu thế giới tính toán rằng mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 1,4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Dự báo trong 25 năm tới, một nửa dân số - nghĩa là hơn 50 triệu người Việt Nam, sẽ được phân loại là người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng đến nay đã đạt mức xấp xỉ 250 tỷ USD và liên tục tăng trưởng với mức khoảng 10% mỗi năm. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, doanh thu từ thị trường bán lẻ và dịch vụ hàng hóa tiêu dùng trong nước sẽ sớm vượt qua doanh thu từ thị trường xuất khẩu.
Đây là một thị trường lớn DN Việt Nam không thể bỏ qua và càng không thể để thua trên sân nhà. Giữ vững, củng cố và phát triển bền vững thị trường trong nước sẽ là cách mà doanh nhân Việt củng cố động lực tăng trưởng bền vững, tự chủ của nền kinh tế không chỉ trong trước mắt mà còn trong dài hạn.
Khẳng định vai trò đầu tư trong nước
Đầu tư là cấu phần quan trọng trong tổng cầu và luôn là động lực cho tăng trưởng trong những năm vừa qua. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ riêng đầu tư của khu vực tư nhân trong năm 2022 đã đạt 78 tỷ USD và tăng đều đặn trong nhiều năm vừa qua. Con số này cao hơn so với mức vốn đầu tư FDI được thực hiện vào khoảng 22 tỷ USD trong cùng năm.
Đầu tư tư nhân trong nước như vậy đã đóng vai trò chủ lực trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Các doanh nhân Việt đã giúp chuyển hóa nhiều nguồn lực quý giá của nền kinh tế thành các hoạt động sản xuất kinh doanh, các dự án đầu tư và biến các nguồn lực này thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhưng động lực tăng trưởng này vẫn có thể làm mới và được gia tăng mã lực, nếu như chất lượng và hiệu quả của các khoản đầu tư này được cải thiện. Vẫn biết nếu xét từ góc độ hiệu quả đầu tư, một đồng vốn đầu tư của DN tư nhân trong nước vẫn tạo ra ít hơn về giá trị gia tăng, về sản lượng và GDP, thấp hơn về năng suất, về thu nhập bình quân cho người lao động khi so với các DN FDI hay các DN ở khu vực tư nhân tại các nước ASEAN-4. Nhưng chúng ta hãy nhìn về dài hạn, về tương lai.
Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân sẽ khiến động lực tăng trưởng chung mạnh mẽ hơn nếu như mối quan hệ đối tác giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân được nâng cao và đẩy mạnh. Những công trình cơ sở hạ tầng lớn của đất nước rất cần có sự tham gia đồng hành của các DN trong nước, hoặc với tư cách là đối tác đầu tư, hoặc là nhà thầu chính, thầu phụ.
Nhiều DN trong nước trong thời gian qua đã đĩnh đạc, tự tin thực hiện vai trò này, nhưng nhu cầu phát triển của đất nước sẽ cần các doanh nhân Việt mạnh mẽ hơn nữa, chủ động hơn nữa để chuẩn bị tâm thế, năng lực để thực sự làm mới động lực đầu tư, đóng góp mạnh mẽ, hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Các doanh nhân thông qua DN mình sở hữu hay điều hành là động lực chính ở phía sau các động lực tăng trưởng của đất nước như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Chúng ta cùng mong chờ những thành tựu và sự hình thành của một mô hình tăng trưởng kinh tế mới hiệu quả hơn, dựa nhiều hơn vào công nghệ, năng suất, sáng tạo, và đổi mới với sự đóng góp vô cùng to lớn của đội ngũ doanh nhân Việt.
Doanh nhân Việt cần mạnh mẽ, chủ động hơn nữa để chuẩn bị tâm thế, năng lực làm mới động lực đầu tư, đóng góp, hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế.