Đừng trông chờ nhà băng

(ĐTTCO) - Dịch bệnh bùng phát nhiều lần, sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN) ngày càng giảm sút, song chính sách hỗ trợ chính yếu đến nay lại vẫn chỉ xoay quanh ngành ngân hàng (NH) như cơ cấu nợ, giảm lãi vay thay vì mong chờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách tài khóa.
Báo cáo tại buổi thông tin hoạt động 6 tháng đầu năm 2021, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành NH tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng từ 5,5-6%. Cụ thể các giải pháp hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tính đến cuối tháng 5, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 337.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng…
Đó là nỗ lực của ngành NH. Nhưng “thuốc” hỗ trợ của ngành NH thực hiện thời gian qua vẫn chưa đủ liều để người dân và DN vượt qua khó khăn dịch bệnh. Giữa tháng 6, đại diện Chi hội tàu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết các DN sở hữu hơn 500 tàu du lịch của tỉnh này đã gửi đơn tới Thủ tướng Phạm Minh Chính vì kinh doanh trở nên khó khăn nhưng vẫn phải trả chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là tiền vay NH (vốn vay chiếm đến 70% vốn đầu tư cho các dự án), dẫn đến nguy cơ phá sản.
Hay thống kê mới nhất của Sở Du lịch TPHCM cho thấy, chỉ còn khoảng 50% số DN lữ hành trên địa bàn hoạt động, có đến 90% DN lữ hành vừa và nhỏ, DN lữ hành chuyên kinh doanh thị trường đưa khách nước ngoài đến Việt Nam đã tạm ngưng hoạt động. Hiệp hội Du lịch TPHCM đã có công văn gửi NHNN và các Bộ ngành, kiến nghị có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho các DN trong lĩnh vực du lịch.
Nhìn rộng hơn, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay có hơn 70.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tính trung bình mỗi tháng có 11.700 DN rút lui khỏi thị trường. Năm nay, khá nhiều DN lớn cũng đã chủ động “cài số lùi” kế hoạch lợi nhuận so với năm ngoái. 
Chính phủ cũng nhìn thấy điều đó. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí, đồng thời NHNN nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp tín dụng để hỗ trợ cho DN, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Phải nói rằng, các gói gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất đã được triển khai cũng có hỗ trợ DN. Tuy nhiên, tác động của phần này là rất nhỏ đến việc vượt qua khó khăn trong đại dịch. DN cần tiền, cần thanh khoản để duy trì hoạt động. Các kiến nghị gửi đến Chính phủ cũng đều đề cập đến tiền vay, cần hỗ trợ cơ chế vay, giảm lãi… Các NH lại đang ở trong thế khó. Dịch Covid-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại do nhiều DN gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ.
Thông tư 03/2021 của NHNN giúp DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nhưng khi NH cho vay mới nếu không cẩn trọng sẽ rơi vào tình trạng hạ chuẩn cho vay vì nhóm này vốn không có khả năng thanh toán nợ trước đó. Đó là vấn đề có lẽ các NH cũng cân nhắc và vốn vào sản xuất kinh doanh cũng bị ảnh hưởng.
Như vậy, hỗ trợ DN cần có các chính sách tổng thể hơn. Một số chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần cắt giảm chi thường xuyên, tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi (không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp) nếu có từ các tổ chức quốc tế với mục tiêu phòng chống và khắc phục hậu quả của bệnh dịch và thiên tai. Bên cạnh đó có thể đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp trong điều kiện hệ thống tài chính dư thừa thanh khoản hiện nay, để tạo ra nguồn hỗ trợ DN từ chính sách tài khóa. 
Còn lại phía các NH sẽ tập trung vào nhóm các DN ít hoặc không bị ảnh hưởng hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, tạo ra một guồng hỗ trợ đồng bộ. Có như vậy, các DN mới có năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài, từ đó nền kinh tế mới có thể tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng chịu đựng. 

Các tin khác