Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra trên toàn cầu, người dân trên hầu hết thế giới đều hạn chế sử dụng các phượng tiện công cộng để tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 10 vừa qua, Pakistan vừa khánh thành tuyến đường sắt đô thị do Trung Quốc xây dựng trị giá 1,6 tỷ USD tại thành phố Lahore
Tuyến đường sắt này được tài trợ bởi chính phủ Pakistan với khoản vay 1,6 tỷ USD từ Ngân hàng Exim Trung Quốc. Dự án được thi công bởi nhà thầu Norico International là một trong những nhà thầu kỹ thuật lớn nhất của Trung Quốc, bên cạnh đó, dự án còn có sự tham gia của tập đoàn Metro Quảng Châu và Deawo Pakistan. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt này tiếp tục được vận hành bởi công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Orange Line được thiết kế có khả năng vận chuyển được 1/4 triệu người dân ở thành phố Lahore, thành phố đông dân thứ 2 tại Pakistan, ngoài ra còn giúp hạn chế thời gian di chuyển trong nội thành thành phố Lahore, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Tuyến đường sắt với chiều dài 27 km này là một trong những dự án lớn nhất nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Orange Line đã gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng, từ việc bị cáo buộc quá trình thi công gây ảnh hưởng đến một di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới cho đến việc chính phủ bị cáo buộc phá dở những khu nhà cấp thấp dọc theo tuyến đường sắt. Hơn thế nữa, vào tháng 1/2017, có đến 7 công nhân thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương vì một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu nhà trọ của những công nhân xây dựng. Sau khi hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng khác như một công nhân bị điện giật khi cần cẩu va vào dây cáp điện cho đến một người đàn ông bị tảng bê tông đè trong khi đang ngủ đã khiến cho công nhân xây dựng tuyến đường sắt này thực hiện đình công. Vào tháng 7/2016, một số công nhân đã đình công vì cho rằng chính phủ ưu tiên tốc độ hoàn thành của dự án hơn là tính mạng của công nhân.
Ngoài vấn đề về người lao động, dự án này còn bị chỉ trích vì những vấn đề về tài chính xung quanh nó. Chính phủ cầm quyền Pakistan gọi tuyến đường sắt này là “con voi trắng” (“White elephant” là một thuật ngữ dùng để chỉ những vật sở hữu tốn kém nhiều chi phí nhưng không mang lại lợi nhuận) giữa lòng thành phố Lahore.
Trước khi trở thành thủ tướng Pakistan, ong Imran Khan đã chỉ trích chính phủ tiền nhiệm vì đã đầu tư vào tuyến đường sắt này thay vì xây dựng bệnh viện và các thiết bị y tế cần thiết. Vào năm 2018, thủ tướng Imran Khan đã đưa các vấn đề tài chính mập mờ của một loạt dự án trong đó có Orange Line trở thành trọng tâm của chiến dịch chống tham nhũng của mình, khởi động một ủy ban điều tra cách thức các hợp đồng được thông qua, chi phí liên quan và mức độ minh bạch.
Mặc dù Thủ tướng Imran Khan đã đưa ra hàng loạt chỉ trích, chính phủ Pakistan trong những năm gần đây nhằm tái thiết lại hệ thống giao thông yếu kém của quốc gia đã tiếp tục mạnh tay vay đến 60 tỷ USD từ Trung Quốc, tài trợ cho các dự án phát triển có giá trị lớn. Đây là điều mà các nhà quan sát cho rằng sẽ đẩy đất nước Hồi giáo này rơi vào vũng lầy nọ nần. Nợ nước ngoài của Pakistan hiện nay đã chiếm đến gần 45% GDP của nước này.
Hiện tại, Pakistan đang cần phải thanh toán khoản nợ 6,7 tỷ USD cho Trung Quốc trong thời hạn đến năm 2022, trong khi đó số tiền mà họ phải trả cho IMF chỉ bằng 50% của khoản nợ trên. Từ năm 2017, Pakistan đã nợ chính phủ Trung Quốc 7,2 tỷ USD. Đến năm 2018, số tiền này đã lên đến 19 tỷ USD và tăng đến 30 tỷ USD vào năm 2020. Hầu hết khoản nợ của Pakistan đều đến từ dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.