Động thái mới nhất này là lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp trong chiến dịch kéo dài một năm nhằm dập tắt tình trạng lạm phát quá cao, ngay cả khi những lo ngại về suy thoái kinh tế làm dấy lên đồn đoán rằng đợt tăng lãi suất này có thể là lần cuối cùng của hành trình giải quyết lạm phát cao kể từ tháng 7/2022.
“Lạm phát tiếp tục giảm nhưng vẫn được cho là sẽ duy trì ở mức quá cao trong thời gian quá dài”, ECB cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (27/7).
Dữ liệu cho thấy lạm phát toàn phần đã giảm xuống còn 5,5% trong tháng 6 từ 6,1% trong tháng 5, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB.
Trong khi thị trường đã dự đoán mức tăng 25 điểm cơ bản, vẫn còn rất nhiều dự đoán về cách tiếp cận sau mùa hè của ECB. Lạm phát đã giảm bớt và câu hỏi đặt ra là liệu chính sách tiền tệ có đang đẩy khu vực này vào suy thoái kinh tế hay không.
Một cuộc khảo sát của ECB cho thấy các khoản vay của công ty trong khu vực đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7.
“Hội đồng quản trị sẽ tiếp tục tuân theo cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để xác định mức độ và thời gian hạn chế phù hợp”, ECB cho biết.
Dữ liệu hoạt động kinh doanh của khu vực đồng Euro được công bố vào đầu tuần này đã chỉ ra sự sụt giảm ở các nền kinh tế lớn nhất của khu vực, bao gồm Đức và Pháp. Theo các nhà phân tích tại ngân hàng ING, những con số này làm tăng khả năng xảy ra suy thoái trong khu vực đồng euro trong năm nay.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong tuần này rằng, khu vực đồng euro có khả năng tăng trưởng 0,9% trong năm nay, nhưng đó là yếu tố dẫn đến suy thoái ở Đức với GDP dự kiến sẽ giảm 0,3%.
Động thái của ECB diễn ra sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất cơ bản lần thứ 11 trong 17 tháng. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã không công khai về việc liệu có thể có thêm các đợt tăng lãi suất khác hay không, mặc dù lạm phát ở Mỹ hiện thấp hơn so với ở châu Âu.