FTA thế hệ mới: Cần xây dựng các doanh nghiệp "đại bàng" Việt

(ĐTTCO) - Việc xây dựng các DN mang tính chất đầu tàu, các "đại bàng" Việt phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột.

Tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiến trình hội nhập sẽ mở ra cơ hội cho các DN phát triển thương mại, dịch vụ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Song bên cạnh những cơ hội mới từ các FTA mang lại, nhiều DN cũng sẽ đối mặt với những khó khăn trong cạnh tranh khi sản phẩm hàng hóa đa phần còn sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả có những mặt hàng còn leo cao hơn so với các nước.

Bên cạnh đó, hàng Việt ít được cải tiến mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt… khâu trung gian và lưu thông phân phối còn chiếm tỷ trọng cao dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế.

FTA thế hệ mới: Cần xây dựng các doanh nghiệp "đại bàng" Việt ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Đông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hoa Lan (Hưng Yên).

Khó cạnh tranh với hàng ngoại kém chất lượng

Bày tỏ quan điểm của mình trước xu hướng hội nhập trong các FTA, bà Nguyễn Thị Đông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hoa Lan (Hưng Yên) cho rằng, việc mở rộng thị trường là vô cùng quan trọng khi các FTA chắc chắn sẽ mang lại cho các DN nhiều cơ hội hợp tác cùng các đối tác mới.

Tuy nhiên trong năm 2020 này, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cũng như nhiều DN Việt khác, DN Hoa Lan vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu cũng như quá trình tiêu thụ sản phẩm. Đến thời điểm này dù nguyên liệu đã được cung ứng một phần từ các tỉnh, thành lân cận, nhưng ở khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nan giải.

Chỉ ra nguyên nhân khiến quá trình tiêu thụ sản phẩm khó khăn, theo bà Đông, sản phẩm của DN đang phải cạnh tranh với nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng từ nước ngoài đưa vào. Lấy ví dụ ngay với ngành hóa mỹ phẩm, bà Đông cho hay ở Việt Nam ngõ ngách nào cũng thấy hàng Thái Lan. Mới đây các DN Thái Lan nói họ chỉ đưa vào thị trường Việt Nam chưa đến 10% hàng hóa, nhưng thực sự họ đã đưa vào Việt Nam đến 90% hàng hóa nhưng lại chủ yếu được nhập từ Trung Quốc.

“Dù trong cơ chế hội nhập mở cửa hàng hóa, song Nhà nước vẫn cần phải tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường để làm sao giúp cho các DN Việt Nam giảm bớt được cạnh tranh trước sự du nhập của hàng ngoại kém chất lượng. Nếu việc kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu không được làm tốt, sẽ gây khó khăn rất lớn cho các DN sản xuất trong nước”, bà Đông bày tỏ.

Đánh giá việc hỗ trợ từ phía Nhà nước cho các DN Việt trong quá trình hội nhập, bà Đông nhìn nhận, việc các Sở Công Thương hỗ trợ đưa hàng Việt Nam vào tất cả các thôn, xóm gần như miễn phí chính là sự ủng hộ và giúp đỡ thiết thực nhất cho các DN. “Tuy nhiên, Nhà nước cần hỗ trợ các DN về mặt chính sách, giảm và chậm nộp thuế, đặc biệt là đối với các DN nhỏ và vừa khi đầu ra sản phẩm của họ còn đang gặp rất nhiều khó khăn và phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu thuế suất thấp”, bà Đông nói.

Nhãn hiệu hàng hóa cần được bảo vệ

Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp chia sẻ, việc tham gia các FTA mang lại nhiều lợi thế và thách thức cho DN ở cả góc độ kinh tế và pháp luật. Do đó, việc tận dụng các lợi thế và hạn chế những thách thức đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ nhiều chủ thể khác nhau.

Theo kinh nghiệm của ông Thắng, để có thể đối mặt với áp lực cạnh tranh trong hội nhập và chinh phục được các thị trường khó tính trong FTA, bên cạnh sự chuẩn bị kỹ càng về chất lượng hàng hóa, các DN còn cần có tấm vé nhãn hiệu được bảo vệ.

“Cụ thể là việc đầu tư cho công tác chống hàng giả và sở hữu trí tuệ cần phải được các DN coi là vấn đề cốt lõi và chú trọng, nhằm bảo vệ thương hiệu và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe từ các FTA. Ngay lúc này, các DN cần sớm áp dụng quy trình xác thực chống hàng giả qua QR code, điều này còn giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được thông tin hàng hóa”, ông Thắng chia sẻ.

FTA thế hệ mới: Cần xây dựng các doanh nghiệp "đại bàng" Việt ảnh 2

Tham gia FTA, hàng hóa Việt Nam phải được bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa.

Ông Thắng cũng cho hay, với tâm thế hội nhập, các DN nên tìm kiếm khách hàng và triển khai các kênh bán hàng online. Sản phẩm của DN không chỉ xuất hiện trên các kênh phân phối truyền thống, khách hàng còn có thể biết và mua sản phẩm trên website, fanpage cũng như tại các sàn thương mại điện tử.

Ở bình diện khác, theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Trần Đình Thiên, muốn nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho DN Việt trong hội nhập kinh tế sâu rộng, phải đặt việc xây dựng lực lượng DN Việt thành một chương trình, chiến lược hành động quốc gia được ưu tiên hàng đầu.

Trong đó, việc xây dựng các DN mang tính chất đầu tàu, các "đại bàng" Việt phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột. Nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường đúng nghĩa; nhanh chóng đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “xin – cho” vì đây là nguồn gốc cơ bản và trực tiếp của hệ thống tham nhũng, lãng phí, làm méo mó toàn bộ cấu trúc thị trường.

“Các yếu tố nêu trên vận hành trong không gian công khai, minh bạch sẽ là nền tảng để phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh, cái mà các DN Việt Nam cần nhất hiện nay”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Các tin khác