Số lượng gần 100 trạm thu phí cũng như lộ trình triển khai từ 2025, tăng so với con số 87 trạm đưa ra trong phương án trước đó, liệu đã phù hợp hay chưa? Phóng viên Kênh VOV Giao thông đã đối thoại với một số chuyên gia.
PV: Thưa ông, dự kiến số trạm thu phí vào nội đô Hà Nội đến năm 2025 là gần 100, ông bình luận gì về con số này?
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: Việc thu phí vào nội đô các nước triển khai từ lâu rồi, Hà Nội cũng đặt ra từ nhiều năm nay rồi. Nhưng khó thực hiện nhất là do mạng lưới giao thông của mình hiện nay nó là sự kết hợp của nhiều mạng lưới giao thông, vừa là mạng lưới ô bàn cờ, vừa là mạng lưới vành đai và trục xuyên tâm.
Vậy nên đề xuất này là chưa thích hợp, tức là làm sao chọn ở những vị trí thích hợp nhất, đầu mối giao thông và đặc biệt phải xác định được các khu vực hạn chế giao thông.
Với đề xuất vừa rồi, tôi thấy chưa thể lọc sạch được ô tô vào nội đô. Bởi trong nội đô hiện nay có những khu vực áp lực rất lớn về giao thông nhưng cũng có những khu vực chưa phải áp lực lớn thì có nên đặt ở đó các trạm kiểm soát thu phí hay không? Đấy là vấn đề cần phải đặt ra.
Tôi nghĩ Hà Nội với mạng lưới giao thông kết nối nhiều mô hình, nhiều thời kỳ khác nhau, trước hết nên lựa chọn thí điểm 4 quận nội đô lịch sử trước và chọn vùng để làm thí điểm đã, sau đó chúng ta sẽ xem xét triển khai tiếp.
PV: Lộ trình mà Hà Nội đề ra đến năm 2025, theo ông đã là phù hợp chưa, đặt trong tốc độ đáp ứng của giao thông công cộng?
- Tôi cho là đã đến lúc phải đặt ra vấn đề kiểm soát phương tiện ô tô vào nội đô rồi và nếu ta thực hiện được chỉ tiêu giao thông công cộng như Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.
Để thực hiện cái này có rất nhiều vấn đề, phải xem xét việc phân bố dân cư, đặc biệt phải xem xét lại việc tổ chức giao thông, bởi hiện nay có rất nhiều tuyến đường một chiều và người ta đã thấy có vấn đề rồi.
Như vậy, phải xem xét lại luồng giao thông để tổ chức những điểm/trạm thích hợp thì mới đảm bảo được, nếu hông hiệu quả sẽ không như mong muốn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cũng liên quan đến đề án thu phí vào nội đô, về điều kiện cần để có thể triển khai đề án này, TS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT) cho rằng, chỉ tính đến thu phí nội đô khi đã có 4 tuyến vận tải khối lượng lớn:
"Đề án này sẽ dẫn đến một số tác động, thứ nhất chuyển đổi từ ô tô sang xe máy, khi thu phí thì người sử dụng ô tô sẽ giảm bớt số lượng chuyến đi bằng ô tô, một số thì chuyển sang giao thông công cộng và giảm những chuyến đi không cần thiết.
Đề án này muốn thành công được, song song với nó phải xây dựng được một hệ thống giao thông công cộng, cụ thể là đường sắt đô thị phải được đẩy nhanh lên. Khi Hà Nội có được 4 tuyến metro, lúc đó chúng ta mới có cơ sở để triển khai và đưa bài toán này vào, bài toán hỗ trợ hạn chế sử dụng xe cá nhân. Cơ bản nhất vẫn là phải có hệ thống giao thông công cộng, nếu chỉ thực hiện riêng đề án này thì đóng góp vào việc giảm ùn tắc giao thông là không đáng kể".