Gánh nặng lao động làm việc nước ngoài

(ĐTTCO)  - Bắt đầu từ ngày 1-1-2016, tất cả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, có khoảng 80.000-100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm sẽ phải đóng BHXH bắt buộc với mức đóng 22% của 2 lần mức lương cơ sở.

(ĐTTCO)  - Bắt đầu từ ngày 1-1-2016, tất cả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, có khoảng 80.000-100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm sẽ phải đóng BHXH bắt buộc với mức đóng 22% của 2 lần mức lương cơ sở.

Băn khoăn đóng 2 lần BHXH

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Theo đó, quy định người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động phải tham gia bảo hiểm bắt buộc từ 1-1-2016 thay cho quy định của Luật BHXH 2006, tức chỉ lao động làm việc ở nước ngoài mà trước đó đã đóng BHXH bắt buộc mới phải tham gia.

NLĐ trong nước được hưởng 5 chế độ khi đóng BHXH bao gồm: hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thai sản, chế độ ốm đau, trong khi lao động làm việc ở nước ngoài chỉ được hưởng tử tuất và hưu trí. Đây là một điểm nghẽn thiếu thuyết phục nhất cần được tháo gỡ sớm.

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH

Một lao động đang làm việc ở Hàn Quốc cho biết, để chạy được suất đi Hàn Quốc làm việc phải mất 13.000-14.000USD (hơn 300 triệu đồng), đa phần đều là khoản chi phí ngoài hợp đồng với DN thực hiện dịch vụ xuất khẩu lao động. Nếu công việc thuận lợi, khoảng hơn 1 năm là trả hết nợ, nhưng nếu làm ăn không thuận lợi hết hạn lao động cũng chưa chắc đã đủ tiền để trả. Nay Luật BHXH 2014 đưa những người như anh vào diện bắt buộc tham gia BHXH, khiến anh rất lo lắng về gánh nặng tài chính. Trong khi đó, NLĐ khi làm việc ở nước ngoài cũng đã cùng với DN sở tại đóng một khoản phí (có tính chất) BHXH không nhỏ. Thông thường đó là các khoản BHXH ngắn hạn (bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm y tế). Nhưng cũng có nước, như Nhật Bản, quy định phải đóng cả bảo hiểm hưu trí (sau khi hết hợp đồng về nước, NLĐ sẽ nhận bảo hiểm một lần). Như vậy, với việc thực hiện Nghị định 115, NLĐ làm việc ở nước ngoài phải tham gia BHXH 2 lần trong cùng một thời điểm.

Tương tự, đón nhận thông tin bắt buộc phải đóng BHXH khi đi làm việc ở nước ngoài, một lao động Việt Nam ở Nhật Bản cho biết chị được trả 15 triệu đồng tiền lương 1 tháng, tức 1 năm thu nhập 180 triệu đồng. Nhưng chi phí trả trước cho công ty xuất khẩu lao động 140-200 triệu đồng, tương đương gần 1 năm lương. Vì thế, nếu đóng thêm BHXH trong nước, NLĐ sẽ mất thêm khoản chi phí không nhỏ và quyền lợi chưa biết sẽ được hưởng như thế nào.

Quy định bắt buộc NLĐ phải đóng BHXH khi đi làm việc ở nước ngoài cũng khiến DN đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài lo lắng. Phần lớn DN khi được hỏi đều cho rằng việc này sẽ tạo sức ép lớn cho NLĐ khi phải chịu thêm một loại phí nữa với thủ tục rất rườm rà, trong khi để được đi làm việc tại nước ngoài, họ đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Việc buộc NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH với một tỷ lệ rất lớn, lên tới 22% lương, trong khi NLĐ làm việc trong nước chỉ đóng 10,5% (do được người sử dụng lao động đóng cùng) một mặt thể hiện sự bất công về nghĩa vụ đối với NLĐ làm việc ở nước ngoài. Mặt khác, dù phải đóng BHXH với tỷ lệ cao hơn nhưng NLĐ làm việc ở nước ngoài lại chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, không phải 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thai sản, ốm đau) như lao động làm việc trong nước. Đây là sự bất bình đẳng về quyền lợi nếu so sánh với tương quan mức đóng - mức hưởng giữa NLĐ trong và ngoài nước với nhau.

 

Cần sớm có hướng dẫn cụ thể

Về việc NLĐ làm việc ở nước ngoài lại chỉ được hưởng 2 chế độ thay vì 5 chế độ như NLĐ trong nước, theo một chuyên gia về BHXH, quy định này được ngầm hiểu, đối với 250 đơn vị dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm phải thu số tiền BHXH của NLĐ. Song, đối với trường hợp NLĐ đi làm việc thông qua Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành phố hoặc đi theo hình thức hợp đồng cá nhân, Nghị định 115 vẫn chưa nêu rõ ai là người chịu trách nhiệm thu khoản tiền BHXH bắt buộc này. Hơn nữa, bản thân người lao động khi làm việc cho một DN ở nước ngoài, họ đã có trách nhiệm đóng BHXH cho nước sở tại, nay họ lại phải đóng cho nước nơi mình có quốc tịch trên cùng một thời điểm, đồng nghĩa họ phải đóng 2 lần, giải thích như thế nào cho NLĐ hiểu trong trường hợp này là hết sức cần thiết. Vì vậy, cần phải có thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này tránh trường hợp gây ra tâm lý xáo trộn cho NLĐ và DN.

Giải thích về vấn đề NLĐ làm việc ở nước ngoài chỉ được hưởng 2/5 chế độ khi đóng BHXH bắt buộc, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng thực tế, NLĐ làm việc ở nước ngoài nhưng theo quy định NLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc trong nước vì đây là “nhóm đặc thù riêng”, chỉ gắn với tích lũy dài hạn để sau khi về nước NLĐ tiếp tục tham gia, chứ không gắn với quan hệ lao động hàng ngày.

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Qua đó, quy định hướng NLĐ đến việc tích lũy tiền đóng BHXH khi còn trẻ, để sau này khi về già họ sẽ được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống. “Việc thu BHXH với lao động đi làm ở nước ngoài không phải mới, chỉ mở rộng đối tượng tham gia. Theo đó, trước đây những lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia BHXH trong nước nhưng chưa nhận BHXH 1 lần, sẽ phải tiếp tục tham gia. Luật BHXH 2014 mở rộng thêm đối tượng đi làm ở nước ngoài nhưng trước đây chưa tham gia BHXH trong nước. Đặc biệt để tránh cho lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần, chúng ta đang xúc tiến ký hiệp định tương hỗ về BHXH với một số nước, như Đức, Hàn Quốc. Trước mắt, chưa có hiệp định nào được ký nên NLĐ vẫn đóng bảo hiểm” - bà Nga khẳng định. Theo bà Trần Thị Thúy Nga, phương thức đóng BHXH của đối tượng này cũng linh hoạt hơn, có thể đóng một lần cho toàn bộ thời gian làm việc ở nước sở tại với đối tượng có điều kiện, hay đóng một lần trong 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 1 năm với đối tượng không có điều kiện. Đồng thời, họ cũng được lựa chọn đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH hay đóng qua DN.

Các tin khác