Đây là thời cơ để Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong danh sách bạn hàng những công ty nhập khẩu gạo của Anh. Bởi lẽ với cộng đồng hơn 5,5 triệu người gốc Á, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Anh rất lớn, trong khi quốc gia này hoàn toàn không trồng lúa, toàn bộ nhu cầu tiêu dùng đều phải nhập khẩu.
Năm 2021, Anh nhập gần 652.000 tấn gạo, trị giá gần 575 triệu USD. Năm 2022, nhập khẩu gạo tăng 4,1% lên hơn 678.000 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 7% lên hơn 603 triệu USD. Trong đó Anh đã nhập khẩu 3.399 tấn gạo từ Việt Nam năm 2022, tăng 24,5% so năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt hơn 3,7 triệu USD, tăng 34% so năm 2021.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 14 vào Anh, tuy nhiên thị phần còn rất khiêm tốn (0,6%). Trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu gạo nhiều sang Anh năm 2022, Việt Nam có đơn giá bình quân cao nhất (1.093USD/tấn), trong khi đơn giá bình quân gạo Thái Lan, Campuchia và Myanmar lần lượt 916, 915 và 435USD/tấn.
Ấn Độ được biết đến là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất tại thị trường Anh, chiếm tới gần 27% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này. Do vậy, việc đột ngột dừng xuất khẩu sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo tại Anh trong nửa cuối năm 2023.
Điều này đồng nghĩa các nhà nhập khẩu gạo của Anh sẽ chuyển sang mua gạo Việt Nam và Thái Lan. Và đây là thời cơ để Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong danh sách bạn hàng của các công ty nhập khẩu gạo của Anh.
Mặc dù thị trường Anh không có khái niệm nhất quán về gạo ngon, vì mỗi loại gạo đều gắn với thị hiếu tiêu dùng của từng cộng đồng sắc tộc, nhưng có một số tiêu chuẩn chung cho gạo ngon, như hạt gạo có chiều dài từ 7mm trở lên, hạt gạo có hàm lượng đạm khoảng 10-11%, hạt gạo khi nấu thành cơm phải dẻo, mềm, không dính và thơm. Ngoài ra, gạo phải sạch và không có tồn dư hóa chất hay chất bảo quản.
Do vậy, nếu tích cực tiếp thị một cách chuyên nghiệp, bao gồm việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông sở tại bằng tiếng Anh, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ tăng thị phần tại Anh. Trong đó có phân khúc thị trường là các nhà hàng phục vụ khách du lịch châu Á, vốn chiếm lượng không nhỏ trong tổng số hàng chục triệu khách du lịch đến Anh mỗi năm.
Trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung và gạo Việt Nam có chất lượng tốt, cũng như lợi thế cạnh tranh nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), các nhà xuất khẩu cần tận dụng cơ hội “vàng” để yêu cầu các nhà phân phối gạo tại Anh sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam, thay vì thương hiệu của nhà phân phối, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Anh về gạo Việt Nam.
Bởi trong nhiều năm qua, mặc dù là nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nhưng gạo Việt Nam xuất sang Anh cũng như nhiều nước khác thường được bán dưới thương hiệu của các nhà phân phối, khiến người tiêu dùng không nhận biết được nguồn gốc gạo từ Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để gạo Việt Nam duy trì thị phần tại Anh, một khi chất lượng gạo Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng.
Để tận dụng cơ hội này, Bộ Công Thương cần khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký kết các hợp đồng cung ứng dài hạn, trên cơ sở cân đối giữa an ninh lương thực trong nước với nhu cầu xuất khẩu. Còn NHNN xem xét tăng tín dụng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng lúa áp dụng Global G.A.P để sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo đáp ứng chất lượng và thị hiếu tiêu dùng của thị trường.
Được biết, thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng đang chuẩn bị tham gia Hội chợ Speciality Fine Food Fair London (từ ngày 11 đến 12-9-2023) để quảng bá đặc sản Việt Nam, trong đó có gạo ST25. Đây là cơ hội đúng thời điểm để gạo ST25 của chúng ta được quảng bá tới các nhà phân phối, các khách sạn và nhà hàng cao cấp tại Anh.