Bài toán an ninh lương thực khi giá gạo xuất khẩu cao kỷ lục?

(ĐTTCO) - Tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua.
Tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua (Ảnh minh hoạ, Ảnh: Reuters)
Tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua (Ảnh minh hoạ, Ảnh: Reuters)

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Dư luận đánh giá cao Chỉ thị đã đặt ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho ngành gạo trong bối cảnh mới, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao..

Cụ thể những nhiệm vụ, giải pháp chính bao gồm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường gạo Việt Nam.

Như tại CTCP Nông sản Vinacam, Tập đoàn Tân Long, cứ đến mùa thu hoạch, doanh nghiệp này lại đón khoảng 50 chuyến tàu cập bến (80-100 tấn lúa/chuyến). Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp cho biết tổng sản lượng lúa trên các chuyến tàu đã lên đến hơn 100.000 tấn. Đại diện doanh nghiệp cho biết, 1/3 số lúa nhập về sẽ được đem đi xuất khẩu, 2/3 còn lại sẽ được dự trữ trong kho để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

"Ký hợp đồng xuất khẩu nhưng chúng tôi sẽ không ký bằng mọi giá, thay vào đó công ty sẽ tập trung sản xuất, dự trữ chân hàng trước khi chào bán để giảm thiểu tối đa rủi ro về thị trường. Công ty hướng tới mục tiêu đưa hạt gạo của Việt Nam vào các thị trường khó tính hơn, cao cấp hơn..", ông Lê Anh Nam, Trưởng phòng xuất khẩu gạo, CTCP Nông sản Vinacam, Tập đoàn Tân Long cho biết.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp tăng cường dự trữ lương thực, 70% sản lượng gạo để phục vụ nhu cầu trong nước, còn lại để xuất khẩu

Trong khi đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài thương xuyên theo dõi tình hình thị trường từ các nước sản xuất, nhập khẩu gạo lớn để có thông tin cung cấp cho các bên liên quan, từ đó có định hướng trong sản xuất thời gian tới.

"Chúng tôi đề nghị các thương nhận xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất, thực hiện tốt quy trì lưu thông dự trữ tối thiểu. Thường xuyên cập nhập thông tin trao đổi thị trường, đối tác, bạn hàng để phản ánh tới các bộ, ngành có liên quan, đề xuất các biện pháp khi cần thiết", ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng, Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức thêm các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với tính hình mới, tận dụng tốt các thị trường ngách với những mặt hàng gạo thơm, gạo chất lượng cao là thế mạnh của Việt Nam.

Cũng theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sẽ xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao, Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường kiểm soát tình hình mua bán lúa gạo. Còn Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng phát đi cảnh báo với các hội viên của mình, tránh đầu cơ tích trữ, sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro khó lường từ diễn biến thị trường gạo thế giới.

"Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp cơ quan chức năng tại địa phương, tăng cường quản lý theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để làm tốt việc trao đổi mua bán, dự trữ lưu thông tối thiểu bắt buộc của thương nhân, việc có hiện tượng đầu cơ găm hàng thì tiến hành xử lý nghiêm đúng quy định", ông Trần Quốc Toản cho biết.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cảnh báo các doanh nghiệp phải hết sức chú ý hiện nay giá đang có xu hướng là tăng, nhưng sẽ có điểm dừng. Do đó nếu tham gia đầu cơ tích trữ thì có thể sẽ là rủi ro, không chỉ cho người nông dân, cho nhà cung ứng, kể cả cho nhà xuất khẩu.

Tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua.

7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD. Con số này tương đương mức tăng hơn 18% về lượng và tăng hơn 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm hơn 40% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Tiếp theo là Trung Quốc và Indonesia.

Các tin khác