Giá cả phải là động lực thúc đẩy, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, một số mặt hàng, nhất là mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn, mì ăn liền, trứng các loại… tăng cao.
Giá cả phải là động lực thúc đẩy, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển

Điều mọi người quan tâm, là dù giá đầu vào của sản xuất như xăng dầu nhiều tháng nay đã giảm 20-30%, giá vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm bớt, nhưng tại sao giá cả hàng hóa vẫn tăng.

Thực tế có một số yếu tố khách quan khiến giá hàng hóa tăng trong mấy tháng nay, như việc tăng giá điện, nước ở một số địa phương; giá sách giáo khoa, học phí, cước hàng không, ăn uống… tăng theo mùa du lịch. Song một số người đã lợi dụng để tăng giá sớm, bất hợp lý nhằm thu lợi nhuận tối đa, làm thiệt hại túi tiền của người tiêu dùng.

Việc làm chưa đúng đắn trên của một bộ phận doanh nghiệp cá nhân kinh doanh dịch vụ trên thị trường, cho thấy nếu chúng ta không kiểm soát được tình hình như hiện nay và diễn biến tiếp tục theo chiều hướng xấu hơn, sẽ kìm hãm sự phát triển của sản xuất và cả sức mua trong nước.

Hiện nay Nhà nước chỉ quản lý giá một số danh mục mặt hàng rất thiết yếu như xăng, dầu, điện, bưu điện, đường sắt… Nhưng trên thị trường còn có hàng ngàn mặt hàng, nhóm hàng hoạt động mua bán theo cơ chế thị trường thuận mua vừa bán, vì nhu cầu tiêu dùng, sử dụng, các gia đình vẫn cần đến và phải mua sắm.

Hiện chúng ta chưa có các quy định cụ thể để quản lý giá những mặt hàng này thường xuyên, hoặc quản lý giá theo từng giai đoạn khi giá tăng vô lý, đột biến. Để hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 2023, trong đó có chỉ tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4,5%/năm, Chính phủ luôn luôn quan tâm đến lĩnh vực quản lý giá ở thị trường nội địa. Chính phủ coi xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng là 3 khâu then chốt cho phát triển kinh tế bền vững.

Vì thế, nếu chúng ta giải được bài toán về giá cả, đưa về mức giá hợp lý những mặt hàng có diễn biến giá theo chiều hướng xấu, sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xã hội, hoàn thành nhiệm vụ chung của kế hoạch nhà nước trong năm nay.

Vậy giải pháp cần thiết hiện nay là gì? Đã đến lúc cần bổ sung các văn bản dưới luật về quản lý giá hàng hóa, khi có những việc tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường (ngoài danh mục các mặt hàng Nhà nước đang quản lý giá).

Mặt khác, các quy định về quản lý cần cho phép các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, cục quản lý giá Bộ Tài chính, có quyền yêu cầu các đơn vị có các biểu hiện tăng giá vô lý, đột biến, không có cơ sở phải kê khai giá. Nếu thu lợi nhuận quá mức, hơn cả người sản xuất, yêu cầu hạ giá, hoặc áp đặt giá trần nếu thấy một số loại hàng hóa tăng gây thiệt hại lớn cho xã hội tiêu dùng ở những thời điểm nhất định.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, tổ chức lưu thông phân phối dễ dàng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng, giảm bớt trung gian bất hợp lý, chống độc quyền mua, độc quyền bán, ép chiết khấu cao vô lý.

Cùng với đó, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, bến cảng, hiện đại hóa các phương tiện vận chuyển bốc xếp, xây dựng hệ thống logistics nhằm giảm giá thành hàng hóa lưu thông. Tổ chức các hệ thống chợ đầu mối vùng, trong đó có các sàn giao dịch nông sản thực phẩm, đảm bảo mua bán công khai, minh bạch, chú trọng dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu.

Đặc biệt, kiểm soát các mặt hàng mang dáng dấp độc quyền, như xăng dầu, điện, than, đảm bảo cạnh tranh công khai, bình đẳng, từng bước giao quyền tự chủ hạch toán kinh doanh cho các đơn vị bán lẻ tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi, bỏ cơ chế xin cho trong giao dịch mua bán. Dự trữ bằng hiện vật đủ lớn để bình ổn giá những mặt hàng này trong từng thời kỳ; quản lý chất lượng hàng hóa, chống buôn lậu gian lận thương mại, cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường.

Người đứng đầu Chính phủ gần đây đã có định hướng rõ ràng về tầm quan trọng của giá cả trong công tác quản lý giá: “Giá cả phải là động lực thúc đẩy, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển”.

Các tin khác