Hơn 100 dự án nhà ở chờ gỡ vướng
Sau khi các doanh nghiệp lên tiếng kêu cứu việc 64 dự án nhà ở bị vướng mắc thủ tục không triển khai được, mới đây 29 doanh nghiệp BĐS tại TPHCM tiếp tục đồng loạt đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc 38 dự án nhà ở thương mại (NoTM), nhà ở xã hội (NoXH), nhà ở tái định cư bị “giậm chân tại chỗ” đã nhiều năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea), cho biết hiện tại ở TPHCM có trên 100 dự án BĐS đang chờ gỡ vướng. Đơn cử là dự án khu nhà ở chung cư cao tầng (4 lô) tại khu đô thị mới Đông Tăng Long (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) của Tổng CTCP Đền bù giải tỏa, dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2009 nhưng đến nay sau 13 năm vẫn bị "tắc" chỉ vì 1 thủ tục.
Cụ thể, chủ đầu tư của dự án này xây dựng 1 lô nhà tái định cư, sau đó bàn giao cho TP theo phương thức hoán đổi tiền sử dụng đất và được kinh doanh thương mại 3 lô còn lại. Khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục giao đất để kiện toàn thủ tục tiếp theo, nhưng do vướng cơ chế hoán đổi nên đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cũng liên quan đến cơ chế hoán đổi, dự án chung cư Phú Mỹ 2 (quận 7) của CTCP Khải Huy Quân dù đã đưa vào sử dụng năm 2021 nhưng vẫn tắc thủ tục. Theo phê duyệt phương thức đầu tư, chủ đầu tư được kinh doanh thương mại, đồng thời phải bàn giao lại cho TP quỹ nhà tái định cư tương ứng 252 căn hộ để hoán đổi tiền sử dụng đất cho dự án này và dự án Florita (quận 7).
Hiện công ty đang thực hiện thủ tục bàn giao 252 căn hộ tái định cư để hoàn tất thanh quyết toán, song lại vướng cơ chế hoán đổi do pháp luật hiện hành không còn phương thức này. Điều này dẫn đến dự án Florita đã bàn giao cho người dân từ năm 2018, nhưng do vướng cơ chế hoán đổi quỹ nhà ở tái định cư tại dự án Phú Mỹ, nên đến nay thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân vẫn chưa được xem xét giải quyết.
Cũng vướng mắc thủ tục là dự án Sao Mai (quận 7) của CTCP Hưng Thịnh Incons. Đây là dự án ban đầu được UBND quận 7 chấp thuận đầu tư với công năng là nhà chung cư cao 17 tầng, đã xây dựng xong móng và hầm.
Đến năm 2017, dự án được chuyển nhượng sang cho Hưng Thịnh Incons (do mua bán nợ xấu), đã được TP chấp thuận cho nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án và sổ đỏ đất ở (đất tư nhân đã đăng bộ) sang cho Hưng Thịnh Incons. Nhưng sau đó không thể triển khai được do vướng quy hoạch phân khu 1/2.000 đang là thấp tầng, xây dựng móng hầm khi chưa có giấy phép xây dựng và không phù hợp quy hoạch. Hưng Thịnh Incons đã tự tháo dỡ phần móng hầm, nhiều lần kiến nghị cho chấm dứt dự án để chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nhằm thu hồi vốn, nhưng chưa có cơ chế giải quyết.
Trước đó, sau khi nhận được báo cáo tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc 64 dự án NoTM và NoXH, Văn phòng UBND TPHCM đã có Văn bản 2391 truyền đạt ý kiến Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, chỉ đạo và giao các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của doanh nghiệp.
Theo đó, các sở ngành làm việc và hướng dẫn chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo xin ý kiến UBND TP để xem xét, quyết định, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP trong 30 ngày làm việc.
Giá sẽ tăng là điều khó tránh
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS cho thấy, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Tại Hà Nội giá nhà chung cư tăng 4-5%, cao hơn so với tại TPHCM tăng khoảng 1-2%.
Đơn cử, căn hộ cao cấp tại một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm ở TPHCM có mức giá chào bán rất cao, như dự án Thảo Điền Green tại TP Thủ Đức có giá khoảng 100 triệu đồng/m2... Đặc biệt, dự án Empire City - The Monarch tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) có giá chào bán lên tới 200 triệu đồng/m2.
Thực ra việc tăng giá nhà, đất ở những đô thị lớn là xu hướng tất yếu. Đặc biệt những năm gần đây khi nhiều dự án bị “đóng băng” thủ tục làm hạn chế nguồn cung nên giá tăng nhiều hơn do những yếu tố khách quan. Cũng dễ hiểu, hàng trăm dự án với hàng chục ngàn căn hộ bị ách tắc nhiều năm sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường BĐS. Dự án hoàn thành, doanh nghiệp thu hồi được vốn để triển khai dự án mới, nhưng vì ách tắc phải dừng lại, dự án kéo dài dẫn đến tăng chi phí, tăng giá thành và người mua nhà chịu tác động nhiều nhất.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, phân tích các bộ luật liên quan đến đầu tư kinh doanh phát triển đã hoàn thiện, nhưng thị trường phát triển quá nhanh nên có những điểm không còn phù hợp lại chậm được sửa đổi. Hạn chế về nguồn cung trong khi cầu cao, tất yếu đẩy giá BĐS tăng.
Ngoài ra, việc siết chặt tín dụng vào BĐS cũng góp phần đẩy giá nhà đất lên cao. Bởi các nhà đầu cơ phải tìm kiếm nguồn tài chính qua những kênh phi chính thức với chi phí cao hơn. Với các nhà đầu tư mua BĐS bằng tiền nhàn rỗi, hoặc doanh nghiệp có khả năng bán hàng tốt, sẽ ít bị tác động khi ngân hàng siết hoặc khóa van tín dụng. Tuy nhiên, việc giới hạn cho vay đầu tư BĐS có thể gây khó khăn cho các chủ đầu tư có lượng hàng tồn kho lớn nhưng tốc độ bán hàng chậm.
Dự án hoàn thành, doanh nghiệp thu hồi được vốn để triển khai dự án mới, nhưng vì ách tắc phải dừng lại, dự án kéo dài dẫn đến tăng chi phí, tăng giá thành và người mua nhà chịu tác động nhiều nhất. |