Có rất nhiều lô đất người ta mua để đó chờ bán, không đưa vào làm nhà ở hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh, hay phục vụ với bất kỳ mục đích phát triển kinh tế nào. Điều đó cho thấy phần lớn mua đất để đầu cơ, chờ giá lên bán kiếm lời.
Cách đây hơn 1 tháng có dịp về huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), một vùng quê thuần nông, phần lớn đất nông nghiệp là những quả đồi, triền núi bà con chủ yếu canh tác các loại rau và trồng rừng.
Song chúng tôi khá ngạc nhiên khi được biết có lô đất mục đích sử dụng là trồng cây lâu năm, diện tích 500m2, có giá 500 triệu đồng, đã tăng gấp 3 lần sau 1 năm. Giá đất tại các vùng đô thị, thành phố lớn tăng là điều bình thường, nhưng đất ở những nông thôn hẻo lánh cũng liên tục tăng quả là điều bất bình thường.
Vì sao lại có hiện tượng này? Đó là do thời gian gần đây giới đầu cơ chuyển hướng lên tận những vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước hay Ninh Thuận để mua đất, rồi tung giá ảo lên mạng xã hội chờ cơ hội bán lại. Thật ra với giới đầu cơ điều này hoàn toàn hợp lý, bởi họ kinh doanh những gì luật không cấm.
Khi đất đai ở thành thị bị "tắc" về mặt thủ tục, đất ở vùng ven thì quá ít cơ hội vì có quá nhiều nhà đầu tư, nên việc chuyển hướng đầu cơ những vùng sâu, vùng xa nếu biết tận dụng thông tin ảo từ mạng xã hội là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề là luật vẫn có kẽ hở thì giới đầu cơ mới tận dụng để tạo cơn sốt đất.
Đất đai thực sự phát huy giá trị khi nó được đưa vào khai thác, sử dụng làm nhà ở, phục vụ sản xuất kinh doanh, trồng trọt… Nhưng mua đất rồi bỏ đó, thậm chí nhiều lô đất muốn đưa vào khai thác cũng rất khó khăn đối với nhiều người, như đất rừng ở vùng xa, đất ở những nơi dân cư thưa thớt thiếu tiện nghi… Rõ ràng kiểu đầu cơ này tiềm ẩn những rủi ro cho nền kinh tế, người mua sau cùng.
Trong cơn “say đất”, những lô đất, thửa đất như “cục than đỏ” chuyền từ tay người này sang người kia, ai nhanh tay thì không bị bỏng, và người lãnh hậu quả nặng nề nhất là người “cầm than” sau cùng. Vụ án Công ty BĐS Alibaba là thí dụ điển hình. Công ty này từng đưa ra nhiều “chính sách” hấp dẫn để thu hút người mua, như cam kết mua lại với lợi nhuận 40% sau 1 năm, thuê lại đất với mức giá hấp dẫn…
Ai cũng biết tham gia “cuộc chơi” là rất mạo hiểm, rủi ro bởi lợi nhuận đưa ra là bất hợp lý, nhưng ai cũng nghĩ mình sẽ tranh thủ kiếm lời rồi “chạy trước”, nên cứ đâm vào. Kết quả, khi vụ việc vỡ lở, đã có gần 5.000 nạn nhân “lâm nạn” với tổng số tiền lên đến 2.650 tỷ đồng.
Việc tăng giá đất không chỉ do “cò” đất tung tin, còn có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo. Điều này khiến người có nhu cầu mua đất thật khó mua được, hoặc phải mua với giá quá cao so với thực tế. Giá đất tăng ảo còn khiến các nhà đầu tư có nguy cơ gặp phải nợ xấu, lỗ nặng khi giá đất quay về giá trị ban đầu.
Điều đáng nói, thời gian qua những thông tin đồn thổi về quy hoạch, hạ tầng giao thông đã tác động tiêu cực, gây ra các cơn sốt đất. Tâm lý bầy đàn trong đầu cơ BĐS cực kỳ nguy hiểm. Việc giá đất tăng chóng mặt trong những cơn sốt đất là điều bất hợp lý. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là nguồn cung khan hiếm, trong khi lực cầu thị trường mạnh.
Song không ít cầu ảo đến từ đầu cơ, không hẳn là cầu thật với nhu cầu ở thực, được đưa vào sử dụng, kinh doanh lâu dài. Các dòng vốn đang chảy vào BĐS hiện tại chủ yếu vẫn mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn, đầu tư "lướt sóng". Người đầu tư thật ít tham gia mà phần lớn là cò đất bán đi bán lại qua tay.
Những diễn biến trên đang tạo ra hiện tượng "sốt đất" nhưng người mua lại rất ít. Nhà đầu tư hãy cẩn trọng nghe ngóng và rút kinh nghiệm từ đợt sốt đất đầu năm 2021, khi nhiều người lao vào theo phong trào và bị lỗ nặng.