Đầu năm 2020, giá thép xây dựng dao động 11-12 triệu đồng/tấn. Đến cuối năm 2020, giá lên khoảng 15 triệu đồng/tấn, và giá tháng 5-2021 đang ở mức 18-19,2 triệu đồng/tấn.
Ông Trịnh Duy Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức, tỉnh Cà Mau, cho biết có những nhà thầu dự toán giá thép chỉ hơn 11 triệu đồng/tấn, nhưng khi trúng thầu, giá lên 19 triệu đồng/tấn. Nếu tình hình này tiếp diễn thì nhà thầu sẽ rất khó khăn, bởi mỗi dự án xây dựng dân dụng, thép chiếm khoảng 10-30% giá trị vốn.
Hại lần tăng trong 10 ngày, giá thép đội thêm cả triệu đồng mỗi tấn
Ngày 12-5, nhiều nhà thầu cho biết các ông lớn ngành thép trong nước tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng giá thép, với mức tăng được cho là khá sốc: mỗi tấn thép tăng khoảng 500.000 đồng, áp dụng ngay cho đến khi có thông báo mới.
Cụ thể, theo bảng giá thép xây dựng mới nhất tháng 5 Hòa Phát gửi đến các đại lý, nhà thầu, doanh nghiệp này tăng giá đồng loạt sản phẩm thép cây và thép cuộn các loại thêm 500.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Sau khi tăng, thép cuộn CB240 tại Hòa Phát có giá 17,96 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 có giá 17,81 triệu đồng/tấn, thép cuộn phi 6 có giá 19,4 triệu đồng/tấn... Giải thích về việc tăng giá, thông báo của Hòa Phát cho biết do phôi thép và giá chi phí nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao.
Công ty CP Sản xuất Thép Việt Đức cũng gửi thông báo tăng giá thép đến đối tác khu vực miền Bắc và miền Trung cùng ngày. Theo giá mới, thép cây và thép cuộn các chủng loại VGS tăng 500.000 đồng/tấn, riêng thép cây D10 các chủng loại VGS tăng thêm 600.000 đồng/tấn (chưa gồm thuế VAT 10%). Sau khi tăng, tại miền Bắc, thép cuộn CB240 của Việt Đức có giá 17,81 triệu đồng/tấn và thép D10 CB300 là 17,61 triệu đồng/tấn.
Như vậy, chỉ trong nửa đầu tháng 5, các doanh nghiệp thép đã 2 lần báo tăng giá, với mức tăng gần cả triệu đồng/tấn, đưa giá thép xây dựng lên giá quanh 18 triệu đồng/tấn. So với cuối năm 2020, giá thép trong nước đã vọt tăng với mức tăng lên đến 40 - 45%.
Hiện giá thép đã xác lập kỷ lục tăng gấp rưỡi so với cách đây nửa năm.
Cả các điểm bán sắt thép và nhà thầu xây dựng cùng cho biết chưa bao giờ hồi hộp với giá thép như hiện nay. Bởi doanh nghiệp thép liên tục thay đổi báo giá, và giá sau luôn cao hơn. Trước đây, thông thường giá thép được điều chỉnh theo tháng hoặc quý, nhưng hiện lại cập nhật theo ngày. Một cửa hàng trên đường Tô Hiến Thành cho biết gần đây, có khi mới 10 ngày đã nhận đến 6 báo giá mới.
Chị Lê Thanh, quản lý một cửa hàng tại quận 10, cho biết giá bán thay đổi nhanh đến mức chị chưa kịp thuộc giá cũ thì phải nhớ giá mới. Tuy nhiên, với mức tăng giá liên tục hiện nay, chị cho rằng sẽ khó hơn vì nhà thầu đang tính toán chờ thêm một thời gian nữa, nên lượng bán ra tăng không nhiều. Cửa hàng chị không dám “ôm” vì sợ rủi ro.
Đáng chú ý, giá nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi măng gần tháng qua cũng tăng mạnh theo thép.
Giữa cuối tháng 4, một loạt doanh nghiệp xi măng cùng thông báo điều chỉnh tăng từ 30.000-40.000 tấn.
Như khu vực miền Trung, từ ngày 15/4, Công ty TNHH Thương mại xi măng Công Thanh điều chỉnh tăng 30.000 đồng/tấn, áp dụng với tất cả các sản phẩm xi măng Công Thanh bao KPK.
Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng tăng 30.000 đồng/tấn đối với tất cả sản phẩm bán tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
CTCP xi măng Bỉm Sơn từ 21/4 cũng điều chỉnh tăng giá bán thêm 30.000 đồng/. Các doanh nghiệp như CTCP xi măng Hoàng Long, CTCP Xi măng Xuân Thành, Nhà máy Xi măng Duyên Hà và Công ty xi măng Long Sơn, mức tăng giá là 40.000 đồng/tấn, áp dụng từ 21/4.
Giá xi măng tăng cũng được lý giải do chi phí nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, cước vận chuyển và giá nhân công liên tục tăng.
Tại các điểm bán vật liệu xây dựng, gạch ốp các loại đang tăng ít nhất 5.000 đồng/m2; gạch xây tăng 1.100 đồng, lên 3.700 đồng/viên; cát xây dựng cũng tăng hơn 40.000 đồng/khối nhưng khó mua số lượng lớn.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng tiến độ chung của dự án. Bởi nhiều nhà thầu đối phó bằng cách kéo giãn tiến độ, tạm ngưng thi công để tránh thua lỗ; thậm chí, doanh nghiệp không dám nhận thầu.
Trong công văn vừa gửi các địa phượng và hiệp hội ngành nghề liên quan, yêu cầu có giải pháp giảm tác động tiêu cực của biến động giá thép đến hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng nhìn nhận giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu đang có xu hướng tăng cao. “Nhất là giá thép đã tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường, đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng”.
Bộ đề nghị các tỉnh chỉ đạo sở xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Ngoài ra, cần đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép, đến tình hình thực hiện các dự án. Cụ thể là đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án... Bên cạnh đó là dự báo, xây dựng kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng đầu tư, để đảm bảo tiến độ.
Dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ thép năm 2021 có thể tăng từ 3-5% so với năm 2020. Nhu cầu sản phẩm thép các loại dự tính khoảng 27 triệu tấn. Tuy nhiên, thị trường thép sẽ diễn biến khó lường.
Đại diện Cục Công nghiệp cho rằng giá thép trong nước tăng cao do nguyên liệu đầu vào phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới, trong khi giá các nguyên vật liệu sản xuất thép trên toàn cầu đang tăng cao. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thời gian giao hàng kéo dài, cũng đẩy giá thép tăng mạnh.
Cục này đưa ra dự báo thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trong thời gian tới. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu.
Hiệp hội Thép Việt Nam muốn bình ổn thị trường
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng các dự báo đều khẳng định giá thép sẽ điều chỉnh tăng đến hết quý III-2021, theo biến động của giá nguyên liệu trên thế giới. Trong tháng 5, nhu cầu tiêu thụ thép vẫn ở mức cao. Giá bán có thể tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Hiệp hội yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước. Kêu gọi giảm chi phí sản xuất, bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.
VSA cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy, kế hoạch sản xuất bán hàng trong quý II/2021, và dự kiến cả năm 2021, để tổng hợp, báo cáo với cơ quan nhà nước, cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng, bình ổn thị trường thép trong nước.
Trước tình hình giá thép tăng đột biến, tại cuộc họp về công tác điều hành giá năm 2021 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép trong nước; hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước.
Bộ Công Thương phải nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường, để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Nguyên liệu chủ chốt của ngành thép đang tăng giá rất mạnh do nhu cầu lớn từ thị trường Trung Quốc. Theo Bộ Công Thương, giá nguyên liệu sản xuất thép và giá thép đã tăng liên tục từ cuối năm 2020, và tăng với tốc độ phi mã trong quý II-2021.
Giá quặng nguyên liệu đã tăng trên 220 USD/tấn vào ngày 10-5-2021, phá vỡ kỷ lục cũ là 194 USD/tấn cách đây hơn 1 thập kỷ. Thép phế liệu đã tăng gần gấp đôi trong vòng hơn 9 tháng qua. Giá thép phế liệu tại Trung Quốc lên mức cao nhất 7 năm qua.
Trên sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 6 đã tăng lên hơn 226 USD/tấn, kéo dài mức tăng của năm nay lên khoảng 40%.